The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Nam Định: Nỗ lực tránh phiền hà cho doanh nghiệp

Trong báo cáo kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022 của tỉnh do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, cho thấy một trong các tồn tại là các doanh nghiệp báo cáo vẫn còn tình trạng gây phiền hà ở một số lĩnh vực; trong đó lĩnh vực thủ tục hành chính thuế còn nhiều phiền hà nhất.
Sản xuất sản phẩm gỗ nội thất xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Lâm sản Nam Định (Vụ Bản).
Sản xuất sản phẩm gỗ nội thất xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Lâm sản Nam Định (Vụ Bản).
Trong số các thủ tục hành chính thuế, nhóm doanh nghiệp báo cáo gặp vướng mắc với khâu quyết toán thuế chiếm tỷ lệ cao, tiếp sau là khâu đề nghị miễn, giảm thuế và hoàn thuế. Theo phân tích của VCCI, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn với quyết toán thuế khá cao trong năm 2022 đến từ những biến động về mặt chính sách hoặc quy định pháp luật. Như vậy, cần xem xét cụ thể hơn những quy định mới nào chính thức có hiệu lực trong năm 2022 mà có thể có ảnh hưởng sâu rộng đến trải nghiệm của các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục quyết toán thuế. Dữ liệu từ các câu hỏi mở trong khảo sát PCI 2022 cho thấy nhiều trường hợp vướng mắc về quyết toán thuế thường có liên quan đến việc triển khai hóa đơn điện tử bắt buộc trên toàn quốc để thay thế cho hóa đơn giấy kể từ ngày 1-7-2022. Đây có thể xem là thay đổi đáng kể nhất liên quan đến tuân thủ pháp luật về thuế trong năm qua. Việc chuyển đổi bắt buộc này là một yêu cầu tất yếu của hệ thống quản lý thuế hiện đại, giúp minh bạch thông tin, giảm thời gian và chi phí cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý thuế. Việc áp dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp cơ quan quản lý thuế xây dựng được cơ sở dữ liệu về hóa đơn, qua đó phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế, phân tích rủi ro của doanh nghiệp một cách hiệu quả. Tuy vậy, việc triển khai hóa đơn điện tử trong năm 2022 vẫn gây ra những khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ. Việc áp dụng hóa đơn điện tử rất cần một hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tốt, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin - viễn thông trong điều kiện quy mô đầu tư còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ đi lên từ hộ kinh doanh vẫn quen thuộc với hóa đơn giấy, tư duy quản lý hóa đơn còn đơn giản nên chưa thích nghi kịp với các hình thức quản lý kế toán phức tạp hơn có sử dụng hóa đơn điện tử. Những doanh nghiệp này cũng hạn chế về kỹ năng sử dụng máy tính hoặc phần mềm quản lý hóa đơn và kê khai quyết toán thuế. Kết quả phân tích dữ liệu sâu hơn về đặc điểm của những doanh nghiệp gặp khó khăn với khâu quyết toán thuế cũng cho thấy các nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ (có số lao động dưới 50 người) nhìn chung gặp khó khăn hơn so với doanh nghiệp có quy mô lớn hơn. Các kết quả phân tích không phủ nhận những tiến bộ mạnh mẽ của ngành Thuế trong thời gian qua, đặc biệt trong công tác chuyển đổi số mà nhằm nhấn mạnh rằng song song với quá trình chuyển đổi số, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến hiệu quả phổ biến thông tin, giải đáp vướng mắc và hỗ trợ các nguồn lực phù hợp cho doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ) để họ chuẩn bị tốt hơn trước những thay đổi của quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, tình trạng phiền hà về thuế, phí không chỉ đến từ việc doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc nắm bắt và tuân thủ các quy định mới. Trong khi số lần và tình trạng trùng lặp của hoạt động thanh tra, kiểm tra nói chung có xu hướng giảm xuống thì số giờ mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra về thuế trong năm 2022 là 24 giờ. Đáng chú ý hơn, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế cũng gia tăng đáng quan ngại, lên mức 73%. 69% doanh nghiệp đồng ý với nhận định việc thương lượng với cán bộ ngành thuế là phần tất yếu trong hoạt động kinh doanh; 31% doanh nghiệp khẳng định, việc thoả thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế giúp doanh nghiệp giảm được số thuế phải nộp.
Từ những ý kiến đánh giá của doanh nghiệp buộc ngành Thuế phải nghiêm túc nhìn nhận, gia tăng các biện pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong nắm bắt, tuân thủ các quy định mới về thuế cũng như nghiêm túc chấn chỉnh các cán bộ, công chức vi phạm quy trình xử lý hồ sơ gây phiền hà cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh năm 2023 các doanh nghiệp đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn bởi suy thoái kinh tế, sụt giảm nghiêm trọng đơn hàng. Để siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, ngày 14-2-2023 Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 429/TCT-TCCB yêu cầu thủ trưởng các cục, vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Thuế và Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tăng cường kỷ cương, kỷ luật, chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ, tác phong ứng xử của công chức, viên chức thuế trong thực thi công vụ. Ngày 16-3-2023, Tổng cục Thuế tiếp tục ban hành Công văn số 740/TCT-VP yêu cầu tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ; trong đó yêu cầu công chức tại các bộ phận trực tiếp tiếp xúc với người nộp thuế, bộ phận dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng ký cam kết về những điều không được làm, không vi phạm nguyên tắc khi tiếp xúc với người nộp thuế; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi vi phạm chế độ, trách nhiệm hoặc khi để xảy ra tham nhũng trong đơn vị do mình quản lý, phụ trách theo đúng quy định; đẩy mạnh thực hiện công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác, nhất là đối với các bộ phận trực tiếp tiếp xúc với người nộp thuế, bộ phận dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng.
Để nâng cao chất lượng phục vụ người nộp thuế, từ đầu năm 2023 đến nay, Cục Thuế tỉnh đã sớm triển khai kế hoạch tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, nhân rộng hiệu quả của việc phổ biến, hướng dẫn bằng phương thức điện tử để qua đó giúp các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt chính sách, pháp luật thuế, nhất là trong đợt thực hiện quyết toán thuế năm 2022. Song song đó, Cục Thuế tỉnh đã khẩn trương triển khai kế hoạch cải cách hành chính thuế và kiểm soát thủ tục hành chính thuế năm 2023, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đặc biệt, Cục Thuế đã quán triệt trong toàn đội ngũ thái độ tôn trọng, đúng mực, thân thiện, tận tâm trong hỗ trợ người nộp thuế giải quyết thủ tục hành chính, cũng như các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách thuế. Cùng với đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, ngăn ngừa những biểu hiện, hành vi gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp. Ưu tiên tập trung hỗ trợ để doanh nghiệp, người nộp thuế thực hiện các giao dịch với cơ quan thuế thông qua hình thức điện tử. Đến nay việc khai, nộp, hoàn thuế điện tử luôn được duy trì với gần 100% doanh nghiệp, tổ chức thực hiện. Ngoài ra, công tác phối hợp của Cục Thuế với các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp về hóa đơn điện tử, hoá đơn khởi tạo từ máy tính tiền cũng được triển khai đồng bộ.
Thời gian tới, Cục Thuế tỉnh tiếp tục sử dụng hiệu quả chữ ký số và văn bản điện tử trong điều hành công việc và thông báo nợ đến người nộp thuế; đồng thời, giải quyết hoàn, miễn, giảm thuế bảo đảm đúng và sớm hơn thời gian quy định. Thực hiện đúng trình tự công tác thanh tra, kiểm tra thuế. Duy trì và nâng cao chất lượng hệ thống khai, nộp, hoàn thuế điện tử, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý thuế. Trong đó, thực hiện hiệu quả giai đoạn 2 triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ người nộp thuế đăng ký tài khoản giao dịch thuế điện tử để sử dụng ứng dụng eTax Mobile; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn, triển khai chính sách, thủ tục hành chính thuế mới. Kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính, nâng cao hơn nữa chất lượng của bộ phận “Một cửa”, không ngừng phấn đấu giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thời gian triển khai thanh tra, kiểm tra thuế. Bằng việc gia tăng các biện pháp kể trên, ngành Thuế hướng đến mục tiêu không ngừng cải cách để tránh phiền hà, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp./.