Theo báo cáo xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, Nam Định tuy tăng về điểm số (đạt 65,29 điểm, cao hơn năm trước 0,3 điểm) song lại giảm 7 bậc.
Được các cấp chính quyền hỗ trợ tối đa các điều kiện thuận lợi, Công ty Cổ phần Dệt nhuộm SVT yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất tại Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản). |
So với năm 2021, chỉ có 3 trong 10 chỉ số thành phần tăng điểm. Trong đó, chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự đạt 8,44 điểm, tăng 0,57 điểm, đưa Nam Định lọt vào “top” 10 địa phương xếp hạng tích cực (3/10) ở chỉ số này. Cụ thể có tỷ lệ cao doanh nghiệp đặt lòng tin vào hệ thống tư pháp cũng như chất lượng, hiệu quả đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Chỉ số tính minh bạch của tỉnh đạt 5,67 điểm, tăng 0,24 điểm với 72% số doanh nghiệp được khảo sát đánh giá nhiều loại thông tin và tài liệu cần thiết cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đã được minh bạch, tiếp cận dễ dàng hơn so với trước, như các tài liệu liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, tài liệu pháp lý, các kế hoạch đầu tư công, chính sách ưu đãi đầu tư của địa phương và kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới; tỷ lệ doanh nghiệp có thể dự đoán chính sách pháp luật và việc thực thi pháp luật của tỉnh cũng như mức độ hiệu quả của việc phổ biến thông tin qua cổng thông tin điện tử và hệ thống trang web ở các địa phương ngày càng tăng hơn. Nhờ minh bạch thông tin giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn bối cảnh môi trường kinh doanh tại địa phương; có thông tin cần thiết để điều chỉnh các kế hoạch hoạt động tương lai phù hợp; giảm thiểu rủi ro và sự bất định trong hoạt động kinh doanh, tiết kiệm được chi phí. PCI 2022 ghi nhận những đánh giá tích cực của doanh nghiệp về sự năng động, tinh thần tiên phong, thái độ làm việc có trách nhiệm và khả năng giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn trong phát triển kinh tế của chính quyền tỉnh với mức điểm 6,74, tăng 0,01 điểm. Có tỷ lệ cao các doanh nghiệp đánh giá “UBND tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi” và đồng ý với nhận định “khi quy định của Trung ương chưa rõ ràng, UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh”; nhiều doanh nghiệp cho biết chính quyền tỉnh có thái độ tích cực đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực kinh tế tư nhân.
Bên cạnh 3 chỉ số tăng điểm, chỉ số tiếp cận đất đai tuy giảm 0,28 điểm nhưng vẫn giúp Nam Định nằm trong “top” 10 tỉnh, thành xếp hạng tích cực, xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố. Tỉnh được doanh nghiệp đánh giá đã tích cực cải thiện hiệu quả khả năng tiếp cận đất đai bằng nhiều biện pháp, nhất là xây dựng quy hoạch đất đai hợp lý; chuẩn bị sẵn sàng các quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, giải quyết nhanh chóng các thủ tục thuê, mua đất, tháo gỡ vướng mắc trong các thủ tục liên quan khác để doanh nghiệp có thể nhanh chóng đi vào hoạt động trên mặt bằng đã có.
Tuy nhiên, tỉnh còn tới 6/10 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm trước. Cụ thể, chỉ số cạnh tranh bình đẳng giảm 1,60 điểm do doanh nghiệp cho rằng các doanh nghiệp lớn được tỉnh tạo nhiều điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tốt hơn. Chỉ số chi phí thời gian dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng tổng thể vẫn giảm tới 0,74 điểm. Theo doanh nghiệp phản ánh, nguyên nhân trọng tâm nhất là số giờ thanh tra, kiểm tra thuế trung bình là 24 giờ/cuộc. Về tình trạng trả chi phí không chính thức bị giảm 0,69 điểm do nhiều doanh nghiệp nhận định “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến”. Số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng họ phải trả chi phí không chính thức khi cán bộ thanh tra, kiểm tra các công tác phòng cháy chữa cháy, quản lý thị trường, thuế, xây dựng... khá cao. Chỉ số về chi phí đào tạo lao động giảm 0,42 điểm và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm 0,40 điểm. Sự giảm điểm rõ rệt của chỉ số thành phần “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” có thể phản ánh quan ngại của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh họ đã đặt nhiều kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19 trong năm 2022; tuy nhiên tốc độ triển khai các gói hỗ trợ trên thực tế còn khá khiêm tốn. Chỉ số gia nhập thị trường giảm nhẹ 0,04 điểm do nhiều doanh nghiệp phản ánh số ngày hoàn thành thủ tục đăng ký doanh nghiệp trung bình là 10,5 ngày. Mới có 29% số doanh nghiệp khẳng định không gặp khó khăn gì khi thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện và đồng ý quy trình giải quyết thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện đúng như quy định; vẫn còn 27% số doanh nghiệp cho rằng thời gian thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện kéo dài hơn so với quy định.
Kết quả CPI năm 2022 của tỉnh cho thấy, dù cả hệ thống chính trị đã nỗ lực vào cuộc tạo được những chuyển biến nhất định, nhưng các địa phương trên toàn quốc cũng nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đánh giá “có một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý còn có tâm lý e dè, ngại ngần, sợ sai trong thực thi công vụ của mình dẫn đến không dám làm việc”. Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn và làm đình trệ quá trình ra quyết định giải quyết yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, năm 2022 việc điều hành kinh tế địa phương, chính quyền tỉnh ta đồng thời phải giải quyết khối lượng công việc lớn, trong bối cảnh doanh nghiệp đứng trước vô vàn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và những hệ lụy suy thoái kinh tế toàn cầu, xung đột quân sự, chính trị...
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành kinh tế của bộ máy hành chính địa phương, tỉnh xác định thời gian tới cấp thiết phải tập trung nâng cao chất lượng thực thi nhiệm vụ ở cấp sở, ngành, huyện. Trước mắt, các sở, ngành, địa phương phải tăng cường phối hợp và cải thiện, đảm bảo chất lượng công tác tham mưu; chấm dứt tình trạng né tránh trách nhiệm; các cán bộ, công chức phải nghiêm túc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, chấm dứt tình trạng gây phiền hà, khó dễ cho người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4; nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh, Trung tâm hành chính một cửa các huyện, thành phố để người dân, doanh nghiệp được giải quyết các thủ tục với cơ quan Nhà nước thuận tiện, nhanh chóng; làm tốt việc hướng dẫn, tư vấn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước khi tìm hiểu xúc tiến đầu tư vào tỉnh. Đặc biệt phải quan tâm thúc đẩy cải cách một số lĩnh vực hành chính gây giảm điểm các chỉ số thành phần như thuế, công tác an toàn phòng chống cháy nổ, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện; giảm tối đa chi phí thời gian, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các chương trình, chính sách tín dụng trọng điểm thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. Khẩn trương hoàn tất xây dựng Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục phát huy, nâng cao hiệu quả các chỉ số đã tăng hạng.
Năm 2023 là năm cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp tại tỉnh nói riêng tiếp tục phải đối mặt với việc suy giảm thị trường xuất khẩu, chi phí tăng cao, khó khăn trong tiếp cận vốn, đảm bảo khả năng thanh khoản. Do vậy, việc quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số và thứ hạng PCI là giải pháp quan trọng để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện một cách thiết thực, cụ thể nhất cam kết đồng hành vượt khó với doanh nghiệp của các cấp, các ngành, từ đó góp phần tích cực phục hồi và phát triển kinh tế./.
Theo Báo Nam Định