Nam Định: Thẳng thắn nhìn nhận hạn chế trong thu hút đầu tư
10 Tháng 3, 2023
Những năm gần đây, tỉnh Nam Định đạt nhiều kết quả tích cực trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, tỉnh vẫn thẳng thắn nhìn nhận hạn chế để tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư.
Từ gỡ “điểm nghẽn” ...
Theo ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định: Năm 2022, kết quả thu hút đầu tư của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực; đáng kể nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước chủ động tiếp cận, xúc tiến cơ hội đầu tư. Tập đoàn Xuân Thiện đã khởi công xây dựng dự án đầu tiên trong dự án tổng thể Tổ hợp Thép xanh Xuân Thiện Nam Định đầu tư tại khu vực Cồn Xanh (Nghĩa Hưng).
Đặc biệt, năm 2022 cũng là năm đánh dấu mốc đáng nhớ trên bảng xếp hạnh Chỉ số PCI năm 2021 khi Nam Định đã vươn lên đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố (tăng 16 bậc so với năm 2020), thuộc nhóm xếp hạng khá cả nước. Kết quả chỉ số CPI của Nam Định năm 2021 tuy có được cải thiện, tăng điểm, tăng hặng nhưng nhìn chung Nam Định cũng mới nhỉ nằm trong nhóm khá của cả nước; Mặc dù có bước tăng trưởng như vậy nhưng Nam Định vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành dù đã rất nỗ lực.
Trong đó, công tác cải cách hành chính tuy đã đạt được nhiều kết quả nhưng so với yêu cầu và mong muốn của người dân, DN thì vẫn chưa đáp ứng được. Sự phối hợp giữa các đơn vị trong việc hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư có thời điểm còn chưa tốt. Một bộ phận cán bộ, công chức tại một số Sở, ngành và địa phương còn thiếu trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, năng lực công tác trong thực thi nhiệm vụ.
Việc phát hiện và xử lý vi phạm trong thực thi công vụ đôi lúc còn chưa kịp thời, triệt để. Tỉnh chưa có nhiều quỹ đất sạch đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của các nhà đầu tư. Tiến độ triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN, CCN còn chậm. Công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, chưa đảm bảo, thiếu tính đồng bộ giữa các quy hoạch, vì vậy chưa tạo điều kiện thuận lợi phục vụ công tác xúc tiến và thu hút đầu tư.
Theo ông Nghị: Ngay tại hội nghị triển khai Nghị quyết HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, UBND tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra các “điểm nghẽn” trong công tác thu hút đầu tư năm 2022. Trong đó, có thể kể ra gồm: Hệ thống các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất chưa được chủ động đầu tư đồng bộ. Có thể thấy những năm gần đây hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được chủ động chuẩn bị nên đã có sẵn mặt bằng sạch cho nhà đầu tư nghiên cứu, chọn lựa nơi xây dựng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh. Nhà đầu tư đã đánh giá cao điều này giúp kết quả chỉ số thành phần tiếp cận đất đai trong bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Nam Định xếp hạng 1/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, mặt bằng tại các khu, cụm công nghiệp chưa được kết nối đồng bộ, song hành với công trình, dịch vụ điện, nước, xử lý nước thải đến chân của khu, cụm công nghiệp.
Điều này khiến các doanh nghiệp phải mất thêm chi phí thực hiện các thủ tục và mất thời gian chờ đợi để được cung ứng dịch vụ; nhất là trong bối cảnh tỉnh đang ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn có nhu cầu đầu tư các dự án lớn, công nghệ cao. Bên cạnh đó, một số công trình hạ tầng giao thông huyết mạch quan trọng đến nay mới triển khai hoặc mới khởi công xây dựng, cần một thời gian nữa mới đưa vào khai thác sử dụng được. Hệ thống giao thông nội tỉnh, nhất là nội huyện, còn nhiều tuyến đường quy mô nhỏ, lòng đường hẹp, hạn chế khả năng kết nối liên hoàn với đường lớn đã mở.
...đến tìm các giải pháp đồng bộ
Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định: Để giải quyết những “điểm nghẽn” kể trên, UBND tỉnh xác định, nhiệm vụ tiên quyết, cần chú trọng của tỉnh trong năm 2023 và giai đoạn tiếp theo là phải chủ động tạo dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp đồng bộ, hoàn thiện, hiện đại. Cụ thể: Trong năm 2023, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thi công các khu, cụm công nghiệp đã được cấp phép, đang thi công để tạo mặt bằng sạch thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng sản xuất, kinh doanh.
Phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn II. Xây dựng cầu qua sông Đào. Xây dựng đường trục phía nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B), xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển... để sớm đưa vào khai thác, sử dụng, gia tăng năng lực, tính kết nối liên vùng cho hệ thống giao thông. Thúc đẩy tinh thần quyết liệt đầu tư các công trình hạ tầng phụ trợ như điện lực, nước sạch, viễn thông, xử lý nước thải đến chân các công trình khu, cụm công nghiệp để đảm bảo tính chủ động cung ứng hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Cùng với đó, phải quyết liệt nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính. Sau khi được phê duyệt, các ngành, các địa phương phải khẩn trương công bố công khai và gia tăng các giải pháp nâng cao chất lượng quản lý, thực hiện các quy hoạch quan trọng như: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy, vùng liên huyện Nghĩa Hưng - Ý Yên và vùng liên huyện Nam Trực - Trực Ninh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch phân khu hai bên Đại lộ Thiên Trường (điều chỉnh). Quy hoạch chung xây dựng các thị trấn đến năm 2030 (điều chỉnh)… Đây chính là căn cứ để thu hút đầu tư và triển khai các bước quản lý đầu tư, xây dựng, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, đảm bảo khẩn trương và thường xuyên thực hiện đồng bộ ở tất cả các cấp chính quyền, các ngành chức năng, các đơn vị.Tránh tình trạng cấp tỉnh, đặc biệt là cấp lãnh đạo tỉnh thì quyết liệt nhưng các cấp dưới lại “từ từ”, chưa quyết liệt, nhiệt tình. Người đứng đầu các địa phương, đơn vị phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, không né tránh, đùn đẩy trong công tác tham mưu, đề xuất các phương án xử lý tình huống phát sinh trong công tác xúc tiến thu hút đầu tư, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục hành chính của địa phương, đơn vị mình một cách hiệu quả, đúng quy định, pháp luật.
Các ngành, các địa phương phải nâng cao tinh thần trách nhiệm phối hợp, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính. Tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công tác 874 để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư theo quy định Luật Đầu tư.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan Nhà nước. Làm tốt việc hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp trong và ngoài nước khi đến tìm hiểu xúc tiến đầu tư vào tỉnh. Tranh thủ sự ủng hộ, trợ giúp của các bộ, ngành Trung ương trong kết nối, giới thiệu xúc tiến, thu hút đầu tư về địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; ưu tiên thu hút các dự án có vốn lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, các dự án trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp, thương mại, giáo dục và đào tạo, y tế…
Theo ông Nguyễn Văn Bảo – TGĐ Công ty TNHH Đại Thắng: Bằng việc thẳng thắn nhìn nhận các hạn chế, tồn tại, gia tăng các giải pháp xử lý, tháo gỡ “điểm nghẽn” kể trên, chắc chắn công tác thu hút đầu tư của tỉnh Nam Định trong năm 2023 và giai đoạn tiếp theo sẽ có thêm nhiều khởi sắc. Đặc biệt tỉnh Nam Định sẽ đạt được đến năm 2025, tổng vốn thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt trên 80.000 tỷ đồng.