- Đẩy mạnh cải cách hành chính đặc biệt là thủ tục hành chính, là một trong những giải pháp then chốt để Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên đáp ứng tốt nhất nhu cầu, kỳ vọng của người dân và nhà đầu tư, xin ông cho biết các giải pháp mà Sở đã triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua?
Trong công tác quản lý, Sở Tài nguyên và Môi trường luôn coi trọng đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, tạo sự hài lòng cho người dân và DN về giải quyết thủ tục hành chính, góp phần vào nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh... Thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ hàng năm về cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh, Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 01/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 21/CT-UBND, ngày 18/11/2015 về đẩy mạnh cải cách TTHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, hàng năm Sở đã ban hành các kế hoạch để thực hiện như: kế hoạch cải cách hành chính; kiểm soát thủ tục hành chính; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; nâng cao chỉ số cải cách hành chính - PAR INDEX; chỉ số quản trị và hành chính công - PAPI...
Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản như: đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính Phủ hàng năm về cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, định hướng đến năm 2020 đến cán bộ, công chức, viên chức dưới nhiều hình thức; kiện toàn tổ chức bộ máy của sở và các đơn vị trực thuộc Sở; thực hiện công khai quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm của các huyện, thành phố, thị xã theo quy định của pháp luật để các DN và người dân dễ dàng tiếp cận thông tin; nâng cao chất lượng kiểm soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung, công bố mới các TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, chuẩn hóa các thủ tục hành chính về tài nguyên và môi trường ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã; áp dụng Chỉ số đánh giá cải cách hành chính tại Sở, các đơn vị thuộc Sở; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về đất đai, môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh…
- Ông có thể cho biết những kết quả đạt được?
Qua việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách hành chính, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh tổ chức lại Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp để nâng cao chất lượng dịch vụ trong lĩnh vực đất đai. Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp của tỉnh Thái Nguyên đã đi vào hoạt động từ 01/6/2016 góp phần tích cực giải quyết các thủ tục hành chính, đáp ứng khá tốt nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân và tổ chức.
Tham mưu ban hành Quyết định số 3477/QĐ-UBND ngày 08/12/2015 của UBND tỉnh về công bố Bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường và Quyết định số 3635/QĐ-UBND ngày 29/12/2016 về việc công bố chuẩn hóa thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã sau khi Văn phòng Đăng ký được tổ chức lại thành một cấp; triển khai và chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh việc lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 -2020); tham mưu ban hành các quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để phục vụ các dự án trọng điểm của tỉnh, các khu công nghiệp…; triển khai thực hiện các dự án đổi mới trang thiết bị, tích hợp quản lý, xử lý lưu trữ, phân phối thông tin tài nguyên và môi trường, triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4, áp dụng hệ thống ISO TCVN 9001: 2008 trong hoạt động của cơ quan...; tăng cường tính công khai minh bạch về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp và thực hiện thủ tục hành chính trên Trang thông tin điện tử của Sở...
"Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp của tỉnh Thái Nguyên đã đi vào hoạt động từ 01/6/2016 góp phần tích cực giải quyết các thủ tục hành chính, đáp ứng khá tốt nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân và tổ chức."
- Theo bảng công bố xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, chỉ số thành phần tiếp cận đất đai của Thái Nguyên giảm điểm (năm 2015 là 6,67, năm 2016 xuống còn 5,76), Sở có giải pháp gì để khắc phục và nâng cao chỉ số này?
Đối với việc nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành đánh giá, tìm nguyên nhân, đồng thời đề ra giải pháp tích cực để khắc phục những tồn tại, hạn chế, cũng như tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện đồng bộ, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trước mắt, chúng tôi tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
Một là, tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện tốt Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 01/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 21/CT-UBND, ngày 18/11/2015 về đẩy mạnh cải cách TTHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền đến các cấp, ngành, tổ chức và nhân dân nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm về thực hiện các chính sách, pháp luật về đất đai, về cải cách hành chính và thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Ba là, thực hiện nghiêm túc và có chất lượng cơ chế một cửa tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo đúng qui định tại Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 05/2016/QĐ-UBND ngày 19/01/2016 của UBND tỉnh Thái Nguyên; phối hợp thực hiện tốt việc tham gia ý kiến vào các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh do Thường trực Ban chỉ đạo một cửa liên thông (Sở kế hoạch và đầu tư) chủ trì.
Bốn là, tiếp tục chỉ đạo rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung, công bố mới các TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành theo hướng thuận lợi nhất cho người dân doanh nghiệp (giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm số lượng hồ sơ…).
Năm là, tăng cường công khai quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm của các huyện, thành phố, thị xã theo quy định của pháp luật để các doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận thông tin.
Sáu là, kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và kiểm tra sau thẩm định; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về đất đai, môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Bảy là, tổ chức đối thoại, giao lưu trực tuyến hỗ trợ DN; tham gia và cho ý kiến kịp thời đối với các dự án đầu tư của tỉnh tại các cuộc họp một cửa liên thông, các cuộc họp để giải quyết các khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách đối với người dân, DN.
- Xin cảm ơn ông!