Nâng cao giá trị nông sản Đồng bằng sông Cửu Long
21 Tháng 11, 2014
Khu vực này còn nằm giữa khu vực kinh tế năng động và phát triển, liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - một vùng phát triển năng động nhất Việt Nam. Mặc dù vậy, hiệu quả của ngành nông nghiệp ĐBSCL vẫn chưa được phát huy đúng với tiềm năng vốn có.
Chưa khai thác hết tiềm năng
Tăng trưởng kinh tế toàn vùng trong 6 tháng đầu năm đạt thấp hơn so với kế hoạch, chỉ số giá tiêu dùng giảm mạnh cho thấy sức mua suy giảm, sức ép hàng tồn kho của doanh nghiệp tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Hạn chế cốt lõi là sản xuất còn nhỏ lẻ, không có nguồn sản xuất tập trung, kể cả trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, đặc biệt là chưa có liên kết trong xúc tiến thương mại bán hàng ra nước ngoài, thậm chí các tỉnh còn cạnh tranh với nhau. Vì vậy, dù các mặt hàng nông sản chúng ta xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng giá trị thu được không tương xứng vì bị đối tác ép giá.
Ví dụ như lượng gạo xuất khẩu hàng năm của ĐBSCL chiếm trên 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước. Song giá trị không đi liền với số lượng. Thạc sĩ Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông Nghiệp GAP cho rằng, cùng với Ấn Độ và Thái Lan, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu lúa gạo nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, thực tế là giá lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước, lợi ích kinh tế thu được thấp dù xuất lượng lớn. Ông Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: "Các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào thị trường Tây Phi, là thị trường nghèo yêu cầu chất lượng thấp mà chúng ta không đi vào thị trường yêu cầu gạo chất lượng cao. Chúng ta phải đi từng bước vì thị trường Tây Phi đã bị khống chế bởi những nhà xuất khẩu lâu đời như Thái Lan, Mỹ, Nhật".
Cần chủ động và đẩy mạnh liên kết kinh tế vùng
Việt Nam đã thành công trong việc quảng bá hình ảnh của vùng đối với khu vực và thế giới, thu hút ngày càng nhiều vốn, công nghệ để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu công nghiệp; chỉ số năng lực cạnh tranh PCI và môi trường đầu tư đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, việc khai thác đầu tư phát triển vẫn chưa xứng với tiềm năng của vùng đất Tây Nam bộ. Do đó, cần liên kết hợp tác để phát huy thế mạnh, lợi thế của từng địa phương. Điều đó sẽ tiết kiệm được chi phí và việc liên kết này không chỉ có các doanh nghiệp mà là cả các địa phương trong vùng, các cơ quan trung ương cũng phải vào cuộc.
Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho hay: "Cần phải liên kết để giải quyết bất cập về thể chế. Trong giai đoạn hiện nay, không có cách nào khác ngoài việc phát huy chủ động của địa phương và tăng cường vai trò của trung ương. Tại điều 52 Hiến pháp 2013 cũng quy định rõ, thúc đẩy liên kết kinh tế vùng".
Chờ đợi cơ chế, ưu đãi
Tại Diễn đàn hợp tác kinh tế vùng ĐBSCL được tổ chức tại Sóc Trăng vừa qua , lãnh đạo Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, thời gian tới sẽ có những ưu đãi hơn đối với doanh nghiệp có hợp đồng liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ với người sản xuất trong vùng nguyên liệu. Cụ thể, hỗ trợ 30% kinh phí xây dựng công trình xử lý môi trường đối với doanh nghiệp chế biến nông, thủy sản. Hỗ trợ kinh phí xây dựng mới, nâng cấp, tu sửa công trình giao thông nội đồng và công trình thuỷ lợi nội vùng, mức hỗ trợ 30% tổng kinh phí các công trình đối với các mặt hàng nông, thuỷ sản thuộc danh mục đặc biệt ưu tiên và 20% đối với các mặt hàng nông, thuỷ sản thuộc danh mục ưu tiên. Đặc biệt, Bộ sẽ nghiên cứu báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật đầu tư theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư lâu dài phát triển vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia sẽ hỗ trợ đem sản phẩm của vùng đến các nước trên thế giới: "Năm 2015 và các năm tới, công tác xúc tiến thương mại vùng ĐBSCL sẽ được hỗ trợ để giữ vững thị trường truyền thống như: Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc và tìm các thị trường mới như Trung Đông, Úc.. ".
ĐBSCL có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhất là sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực của nước ta. Với gần 3 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, hàng năm, sản xuất hơn 50% sản lượng lúa và cung cấp khoảng 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước (chiếm khoảng 20% thị phần xuất khẩu gạo của thế giới). ĐBSCL còn cung cấp hơn 70% sản lượng trái cây và 58% sản lượng thuỷ sản của cả nước. Với vai trò đó, nếu tiềm năng của vùng được khai thác đúng mức không chỉ nâng cao chất lượng nông nghiệp trong vùng mà còn cho cả nền nông nghiệp nước nhà.
Đình Sang
Theo Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 21/11/2014