The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Nâng cao nâng lực cạnh tranh quốc gia: Đừng để quá chậm

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đang là đòi hỏi cấp thiết đối với nước ta hiện nay. Lại một lần nữa Thủ tướng Chính phủ phải phê bình các Bộ, ngành và địa phương trong câu chuyện liên quan đến thủ tục hành chính, khi tiến độ triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ được thực hiện khá chậm.

Đây là thực tế cho thấy có vẻ như tinh thần Nghị quyết 19 do Chính phủ đưa ra chưa được lĩnh hội đầy đủ, hay nói cách khác là các Bộ, ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc cải cách thủ tục hành chính.

Chẳng có gì là ngạc nhiên khi trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2015 mới đây, người đứng đầu Chính phủ phải lên tiếng phê bình những nơi còn chậm trễ trong việc triển khai Nghị quyết số 19. Bởi lẽ, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là đòi hỏi cấp thiết đối với nước ta, khi Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Nếu như không nhanh chóng cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh từ cấp doanh nghiệp, địa phương đến cấp quốc gia thì nguy cơ tụt hậu là rất lớn.

Nghị quyết 19 năm 2015 nêu rõ: “Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính... Cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng chuyển sang hậu kiểm”. Trong đó phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta đạt và vượt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 6 vào năm 2015 và ASEAN 4 vào năm 2016. Để đạt mục tiêu này, Nghị quyết đề ra 13 nhiệm vụ, giải pháp tổng thể và 80 giải pháp cụ thể cho các Bộ, cơ quan và địa phương.

Thế nhưng, nhìn vào báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những người quan tâm không khỏi giật mình khi mà sau hơn một năm triển khai Nghị quyết số 19 năm 2014 và sau 3 tháng triển khai Nghị quyết số 19 năm 2015, đến nay cả nước vẫn còn tới 13 Bộ, cơ quan và 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa có Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19 năm 2015.

Như vậy có nghĩa là số Bộ, cơ quan và tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đưa ra được Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19 mới chỉ chiếm khoảng 1/4 số đơn vị cần phải thực hiện phần việc này. Đáng chú ý là có địa phương cho dù được Ngân hàng Thế giới lựa chọn để điều tra, đánh giá xếp hạng về môi trường kinh doanh cho nước ta, nhưng đến nay cũng chưa có kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết. Thậm chí, có những lãnh đạo địa phương còn chưa biết tới Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Với tinh thần tập trung vào cải cách thủ tục hành chính ở những lĩnh vực quan trọng, tác động nhiều nhất đến doanh nghiệp là thủ tục hành chính thuế, hải quan, đất đai, nếu các Bộ, ngành và địa phương không sớm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19, thì doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cũng có nghĩa là những nguồn vốn ưu đãi dành cho Việt Nam sẽ hạn hẹp đi, trong khi nhu cầu vốn cho phát triển vẫn rất lớn. Do đó, nếu như không có những biện pháp cụ thể để thực hiện Nghị quyết số 19 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các định chế tài chính và các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới thì rất khó để phát triển và phát triển bền vững.

Thời gian đã rất gấp rút, nếu không làm ngay, mọi sự sẽ trở thành quá chậm trễ và lỡ mất nhiều cơ hội. Trách nhiệm này, trước hết, thuộc về những đơn vị được Chính phủ giao nhiệm vụ tham gia trực tiếp vào quá trình./.

Thu Thùy/VOV1

Theo VOV.vn ngày 03/07/2015