The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia: Lao động vẫn là bài toán khó

Mặc dù về tổng thể, kết quả điều tra PCI 2014 cho thấy, mức độ lạc quan gia tăng trong các DN FDI tại Việt Nam thể hiện ở những điểm như: gia tăng vốn đầu tư, tuyển thêm lao động. Tuy nhiên, các DN FDI cũng phàn nàn nhiều hơn về nguồn cung lao động có tay nghề cao.

Chất lượng lao động chưa cải thiện

Điều tra năm 2014 được thực hiện đối với 1.491 DN FDI tới từ 43 quốc gia, trong đó 92% là DN 100% vốn nước ngoài. Báo cáo PCI đã chỉ ra, để đưa ngành công nghiệp Việt Nam lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu, thì lực lượng lao động có tay nghề cao, chuyên môn cao đóng một vai trò quan trọng. Điều đáng tiếc là cung lao động có tay nghề cao ở Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Từ năm 2010 đến năm 2014, các DN FDI đã phải đào tạo thêm đến 20 – 35% số lao động mới tuyển dụng, chiếm khoảng 3,6 – 7,8% chi phí kinh doanh. Dù khoảng cách giữa trình độ tay nghề và nhu cầu DN đã giảm dần trong giai đoạn 2010 – 2013. Tuy nhiên, năm 2014 là một năm đáng chú ý khi tỷ lệ nhân viên mới có kỹ năng kém và chi phí đào tạo tăng trở lại mốc của năm 2010. Nhu cầu về lao động có tay nghề cao cũng tăng cao trở lại.

Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, đối với những ngành quan trọng cho chiến lược phát triển của Chính phủ Việt Nam, chất lượng giáo dục phổ thông và đào tạo nghề đều bị đánh giá là chưa đáp ứng được yêu cầu. DN FDI trong các ngành buộc phải tự đầu tư bổ sung đào tạo cho lao động mới tuyển về những kỹ năng cơ bản và kiến thực chuyên môn.

Điểm sáng được cho là "vớt vát" đối với lĩnh vực này chính là việc, hơn 2/3 lao động được đào tạo đã gắn bó lâu dài với DN, chứ không tranh thủ học tập nâng cao kỹ năng để tìm kiếm một cơ hội mới. Hơn nữa, tỷ lệ giữ chân lao động được ghi nhận cao nhất ở các ngành đòi hỏi kỹ năng cao nhất. Đơn cử như khu vực DN tài chính giữ được 77% số lao động mà họ đào tạo. Con số này là 75% đối với các DN sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy và tỷ lệ 73% đối với các DN sản xuất thiết bị máy tính. Đây là lý do để các DN yên tâm bỏ kinh phí vào đào tạo kỹ năng cho lao động.

Cùng với phàn nàn về chất lượng lao động là việc các DN FDI nêu khó khăn trong cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài. Khi lao động trong nước không đáp ứng được yêu cầu, buộc các DN phải lựa chọn giải pháp duy trì hoặc tuyển dụng lao động có kỹ năng và các chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên, khó khăn trong việc xin giấy phép làm việc cho lao động nước ngoài lại gây cản trở trong quá trình chuyển giao kiến thức này. 74% DN FDI cho rằng, họ gặp khó khăn trong việc xin giấy phép lao động cho người nước ngoài.

Quan hệ lao động chưa chuyển biến đáng kể

Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ năm 1995 tới nay cả nước có hơn 4.000 cuộc đình công, trong đó 100% là tự phát và bất hợp pháp, trên 70% các cuộc đình công xảy ra tại các DN FDI.

Báo cáo PCI năm 2104 đã chỉ ra, trong vòng 3 năm qua, 9% DN FDI có xảy ra đình công hoặc lãn công tập thể. Mỗi cuộc định công hoặc lãn công kéo dài thường 2 – 3 ngày làm việc và tiêu tốn khoảng 3% doanh thu hằng năm của DN.

Tại một buổi làm việc với Bộ LĐ-TB-XH và Tổng liên đoàn Lao động VN gần đây, ông Kari Tapiola - đại diện phía Tổ chức ILO đã nhận định, đình công bất hợp pháp là dấu hiệu cho thấy tồn tại bất cập và yếu kém căn bản trong quan hệ lao động. Số liệu nghiên cứu PCI năm 2014 cho thấy, lý do đình công vì lương chiếm khoảng 45%, về quyền lợi khoảng 38%, thứ ba là điều kiện làm việc chiếm khoảng 7,8%. Nhưng đáng ngạc nhiên hơn, đa số DN FDI (chiếm trên 80%) đều cho rằng, những lý do đình công là hợp pháp và chính đáng.

Các DN FDI cho biết, họ sẵn sàng tham gia đối thoại với người lao động. Có tới trên 80% đồng ý rằng, DN sẽ có lợi hơn khi coi trọng ý kiến của người lao động. Đồng thời, DN cần cho phép người lao động tham gia vào quá trình ra quyết định của DN, cũng như cho phép thành lập cơ quan đại diện của người lao động tại DN.

Theo ông Phùng Quang Huy – Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) cho biết, hiện quan hệ giữa người lao động và chủ sử dụng lao động còn mang tính hình thức, chưa được tiến hành thương lượng, thỏa thuận trong thực tế. Cụ thể khi xảy ra tranh chấp giữa người lao động và giới chủ, tiếng nói của công đoàn cơ sở lại quá yếu để có thể bênh vực quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Xét cả về mặt chất lượng lao động và quan hệ lao động, những bất cập từ nhiều năm nay dường như chưa có sự cải thiện đáng kể. Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, điểm nghẽn này cùng với những vấn đề như "phí bôi trơn", chất lượng kết cấu hạ tầng, vẫn đang là những khó khăn chậm cải thiện mà điều tra PCI đã chỉ ra.

Theo Bá Tú

Cafef.vn ngày 04/05/2015