The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia qua lăng kính PCI

TS Đặng Quang Vinh
Chuyên gia kinh tế chính
Chương trình Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) - VCCI
Có thể nói năng lực cạnh tranh quốc gia là một quan tâm lớn của Chính phủ trong năm 2014. Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tân Dũng coi năng lực cạnh tranh quốc gia là điều kiện để phát triển nhanh và bền vững, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh. Sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết về những giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (theo Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2014).
Trong năm qua, các thước đo quốc tế về năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đều cho kết quả xấu. Theo Chỉ số Cạnh tranh toàn cầu 2013/2014 (Global Competitiveness Index) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Việt Nam xếp vị trí thứ 70 trên 148 quốc giá, cao hơn so với năm 2012/2013 (75/144) nhưng lại thấp hơn nhiều so với năm 2010/2011 (59/144) và năm 2011/2012 (65/144). Riêng về Thể chế kinh tế, Việt Nam xếp thứ 98 trong năm 2013/2014, tụt 9 bậc so với vị trí 89 trong năm 2012/2013. Chỉ số Môi trường Kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2013 xếp Việt Nam ở vị trí 99, tụt 9 bậc so với năm 2012. Tuy các thước đo này còn nhiều khiếm khuyết nhưng đều là những nguồn thông tin tham khảo được nhiều nhà đầu tư sử dụng. Muốn hay không, chúng là một phần trong luật chơi chung của thế giới. Một trong những điểm yếu của các chỉ số toàn cầu này là chúng chấm điểm dựa trên cảm nhận của các chuyên gia nhưng không đưa ra một mốc chung để so sánh. Do đó, kết quả thu được khá mơ hồ và so sánh giữa các quốc gia không có cơ sở vững chắc.
Khảo sát PCI của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã khắc phục điểm yếu này và cho chúng ta một cái nhìn rõ ràng hơn về vị thế của Việt Nam trong cạnh tranh quốc tế. Phiếu khảo sát PCI 2013 đã yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) so sánh Việt Nam với những địa điểm đầu tư khác mà họ đã đầu tư hoặc cân nhắc đầu tư và nơi xuất xứ của họ. Đà phát triển giảm sút và điểm số về cạnh tranh toàn cầu giảm đi khiến Việt Nam không còn là địa điểm đầu tư “dễ ăn” như những năm trước. Theo Khảo sát PCI năm 2013, 54% doanh nghiệp FDI cho biết họ đã cân nhắc các địa điểm khác trước khi vào Việt Nam, tăng khá nhiều so với 32% trong khảo sát năm 2011. Ngoài các đối thủ cạnh tranh truyền thống như Trung Quốc, Thái Lan, In-đô-nê-xia, hiện nay Việt Nam còn phải cạnh tranh với một số nền kinh tế mới nổi trong khu vực như Lào, Mi-an-ma, Căm-pu-chia.
So với các nền kinh tế khác trong khu vực, nhìn chung Việt Nam được các doanh nghiệp FDI đánh giá cao hơn về: rủi ro thu giữ tài sản; ổn định chính sách; khả năng tham gia hoạch định chính sách; và mức thuế thấp (xem Bảng 1). Trong khu vực Đông Á, chỉ có Đài Loan được coi là có rủi ro thu giữ tài sản thấp hơn Việt Nam trong khi chúng ta được đánh giá cao hơn các nền kinh tế khác rất nhiều, từ 57% so với In-đô-nê-xia đến 88% so với Lào. Một điều thú vị là Việt Nam được đánh giá về khả năng ảnh hưởng đến hoạch định chính sách cao hơn so với các điểm đến FDI khác ở Đông Á, kể cả Trung Quốc (60% đánh giá Việt Nam cao hơn) và Ma-lai-xia (58% đánh giá Việt Nam cao hơn). Chúng ta luôn đề cao ưu thế ổn định chính sách nhưng khảo sát PCI cho thấy các doanh nghiệp FDI đánh giá ổn định chính sách của Việt Nam không bằng ở In-đô-nê-xia hay Mi-an-ma, mặc dù cao hơn Trung Quốc hay Phi-líp-pin.
Điểm yếu của Việt Nam so với các địa điểm đầu tư khác bao gồm: tham nhũng; hạn chế về quy định pháp luật; cơ sở hạ tầng và dịch vụ hàng chính công. Trong các chỉ số này, Việt Nam không hề được đánh giá cao hơn bất cứ nền kinh tế trong khu vực (Trung Quốc, Thái Lan, Căm-pu-chia, In-đô-nê-xia, Ma-lai-xia, Lào, Phi-líp-pin, Đài Loan và Mi-an-ma).
Bảng 1 – So sánh môi trường kinh doanh của Việt Nam với địa điểm đầu tư khác và nước xuất xứ (% doanh nghiệp đồng ý)

Bạn so sánh như thế nào về môi trường kinh doanh ở Việt Nam với:

Các nước khác đã cân nhắc đầu tư

Nơi xuất xứ

DN tôi ít gặp tham nhũng hơn

34.2%

22.5%

DN tôi ít gặp các hạn chế về quy định pháp luật hơn

43.5%

34.1%

DN tôi có các mức thuế thấp hơn

52.4%

49.2%

DN tôi ít gặp phải rủi ro bị thu giữ tài sản hơn

63.8%

50.7%

DN tôi ít gặp phải những bất ổn về chính sách hơn

59.7%

44.8%

Cơ sở hạ tầng tốt hơn.

36.9%

9.0%

Dịch vụ hành chính công tốt hơn

31.9%

21.0%

DN tôi đóng vai trò chủ động hơn trong quá trình hoạch định chính sách

59.2%

46.1%

Kết quả so sánh giữa Việt Nam và các nền kinh tế xuất xứ không có gì khó hiểu vì các doanh nghiệp FDI đến từ những nền kinh tế phát triển hơn. Việt Nam chỉ được đánh giá ngang với nơi xuất xứ của doanh nghiệp FDI về rủi ro thu giữ tài sản và mức thuế. So với nước xuất xứ, Việt Nam yếu nhất về cơ sở hạ tầng, dịch vụ hành chính công và tham nhũng.
Từ khi ra đời năm 2005 đến nay PCI đã góp phần thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương thông qua cải cách thể chế và điều hành kinh tế. Những cải cách này ít nhiều đã góp phần nâng cao chỉ số cạnh tranh quốc gia theo các thước đo quốc tế. Một lần nữa, PCI 2013 đã chỉ rõ những điểm mạnh, điểm yếu về thể chế kinh doanh ở Việt Nam so với các nền kinh tế trong khu vực và các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới - xuất xứ của dòng vốn FDI. Đã đến lúc Chính phủ có những hành động quyết liệt tham gia cuộc chạy đua nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu, nâng cao điểm số và sức cạnh tranh của Việt Nam, để Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn nữa trong con mắt các nhà đầu tư quốc tế. Đặc biệt, Việt Nam cần nhanh chóng khắc phục các điểm yếu, trong đó cải cách thể chế và hành chính công là những vấn để có thể giải quyết sớm với chi phí thấp. Chống tham nhũng và phát triển cơ sở hạ tầng là những câu chuyện dài kỳ nhưng cũng không thể chậm chễ.