Nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế
Năm 2017, dự báo của nhiều tổ chức và chuyên gia cho thấy, kinh tế thế giới sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Việc Anh rời Liên minh châu ÂU (EU), Mỹ không tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đồng USD mạnh lên, trong khi đồng tiền của các nước khác yếu đi… Những yếu tố này sẽ tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Theo chuyên gia kinh tế, TS. VŨ ĐÌNH ÁNH cần tiếp tục phát huy nội lực, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng.
Chú trọng năng suất lao động
- Thưa ông, trong vài năm gần đây, chúng ta thực hiện mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ bề rộng sang chiều sâu. Theo ông, chiều sâu đó đã đạt được ở mức độ nào?
Theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, để tăng năng suất lao động, cần quan tâm đến đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị, giúp tăng năng suất lao động cũng như năng suất lao động toàn xã hội. Việc để xảy ra ô nhiễm môi trường và chi phí xử lý ô nhiễm môi trường sẽ trả giá cho việc giảm năng suất lao động trong cũng như triển vọng tăng năng suất lao động toàn xã hội trong giai đoạn tiếp sau. |
- Để phát triển kinh tế theo chiều sâu, trong những năm gần đây, chúng ta đã tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, đồng thời tìm ra yếu tố mới thay việc tăng trưởng kinh tế chủ yếu nhờ vào vốn đầu tư. Đơn cử như tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2016 vừa qua là 33% GDP trong khi chúng ta vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6%. Thứ hai là, việc chúng ta tăng năng suất lao động toàn xã hội. Quy mô GDP tăng cộng với việc sử dụng nhiều hơn các yếu tố về máy móc thiết bị, công nghệ và khoa học, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng. Thông qua đó năng suất lao động toàn xã hội của mọi người Việt Nam cũng tăng. Mặc dù so với các nước trong khu vực vẫn ở mức thấp, tuy nhiên đã có sự tăng trưởng đáng kể trong thời gian vừa qua. Thứ ba, ba trụ cột về tái cơ cấu nền kinh tế, liên quan đến tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại. Đây chính là 3 hướng hay 3 công cụ, biện pháp mà để có thể thực hiện tăng trưởng theo chiều sâu.
- Năng suất thấp luôn là nỗi ám ảnh, rào cản phát triển đối với rất nhiều ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp… Trong đó, điểm đáng chú ý là quy mô nền kinh tế còn nhỏ đồng nghĩa với năng suất thấp. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
- Ở đây chúng ta nói khá nhiều đến vấn đề năng suất lao động toàn xã hội. Tại sao năng suất lao động và năng suất lao động toàn xã hội vẫn đang ở mức thấp? Theo tôi, do quy mô nền kinh tế chúng ta mới chỉ hơn 200 tỷ USD, với lực lượng lao động trên 50 triệu người. Rõ ràng nếu tính năng suất lao động toàn xã hội thì chúng ta còn ở mức thấp so với các nước. Đây cũng là lý do mà rất nhiều người cảnh báo về bẫy thu nhập trung bình, nếu không tìm cách nâng cao năng suất lao động thông qua mở rộng quy mô nền kinh tế.
Tuy nhiên, đây là quy mô năng suất lao động toàn xã hội, còn về năng suất lao động của mỗi người, cụ thể trong nền kinh tế Việt Nam thì lại liên quan đến các yếu tố của bản thân họ. Thứ nhất là trình độ đào tạo, trong thời gian khá dài chúng ta vẫn chủ yếu dựa trên lao động giá rẻ với mức độ, trình độ đào tạo còn khá hạn chế. Thứ hai, mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng kỷ luật của một bộ phận người lao động vẫn còn hạn chế. Điều này sẽ khiến cho năng suất lao động chúng ta khó thể tăng cao.
- Trong những năm gần đây, trong khi chúng ta đã và đang nỗ lực để có bước chuyển về chất lượng tăng trưởng, thì có ý kiến cho rằng sức cạnh tranh của nền kinh tế đang bị bào mòn. Ý kiến của ông về nhận định này như thế nào?
- Nhận định, đánh giá về sức cạnh tranh hay năng lực cạnh tranh thì cần có cái nhìn toàn diện cũng như nhiều yếu tố minh chứng thuyết phục. Riêng cá nhân tôi cho rằng, năng lực hay sức cạnh tranh của Việt Nam hiện đang tăng lên và có khá nhiều điều kiện, tiền đề để có thể tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh đó. Bắt đầu từ năm 2016, chúng ta nhấn mạnh vai trò của Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính, đó là những nội dung trụ cột để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Gắn với năng lực cạnh tranh quốc gia ấy, có khá nhiều tiêu chí để đánh giá, trong đó có các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, các tiêu chí về mặt thể chế để giúp thúc đẩy sản xuất kinh doanh cũng như tăng trưởng kinh tế trong nước, kèm theo đó là sự ổn định về chính trị, kinh tế vĩ mô về xã hội, đó là những ưu thế không thể phủ nhận của kinh tế Việt Nam. Và nhờ những ổn định đó, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã có những điều kiện tốt để ổn định kinh tế vĩ mô, thông qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của cả nền kinh tế.
Nguồn: ITN |
Chú trọng nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp
- Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) là khái niệm được nhắc tới khá nhiều trong thời gian vừa qua. Ông đánh giá như thế nào về khía cạnh này trong nền kinh tế của nước ta? và đâu là giải pháp để cải thiện trong thời gian tới?
- Hiện nay, năng suất được đơn giản hóa thành ba yếu tố: Thứ nhất là vốn, thứ hai là lao động, thứ ba là năng suất yếu tố tổng hợp bao gồm tất cả những yếu tố tác động đến năng suất mà không phải yếu tố vốn và yếu tố lao động. Đây là vấn đề then chốt liên quan đến tăng trưởng theo chiều sâu như chúng ta đã bàn từ đầu đến giờ. Đối với yếu tố về TFP hiện nay có rất nhiều cách tính toán khác nhau, nên kết quả mang lại cũng khác nhau. Do đó, mặc dù là chỉ số rất quan trọng, nhưng đến nay chưa có cách tính toán chính xác để có thể xác định được TFP của nền kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, TFP hiện chỉ là chỉ số để tham khảo và để chuyển dịch vấn đề tăng trưởng theo chiều sâu.
- Trước những khó khăn của năm 2017, theo ông, các nhà điều hành kinh tế, doanh nghiệp cần lưu tâm vấn đề gì để thực sự phát huy được nội lực, trụ vững và phát triển?
- Dự báo năm 2017 còn rất nhiều thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam kể cả tầm kinh tế vĩ mô và vi mô của các doanh nghiệp. Thách thức lớn nhất trong năm 2017 là tính bất định của các yếu tố trên thị trường quốc tế. Khi mà năm 2016 với sự kiện như Brexit hay bầu cử Tổng thống Mỹ, tình hình chính trị diễn ra tại rất nhiều nước trên thế giới trong năm 2016 sẽ gây ra tính bất định lớn về kinh tế tài chính năm 2017, qua đó tác động đến kinh tế Việt Nam, kể cả toàn bộ nền kinh tế và đối với mỗi doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta phải chú tâm theo dõi sát yếu tố bất định, diễn biến trên tình hình kinh tế thế giới trong năm 2017, cần chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch, cũng như đối sách phù hợp để không bị bất ngờ trước biến động, đồng thời tranh thủ được điều kiện thuận lợi và vượt qua thách thức.
- Xin cảm ơn ông!