The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Nghệ An: Giúp chính quyền soi gương

Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đã công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016. Sắp tới, Tổ chức phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) cũng sẽ công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh 2016 (PAPI).

Mặc dù có các nhóm đối tượng khảo sát khác nhau, nội dung cũng có điểm khác nhau, nhưng hai chỉ số này đều phản ánh tiếng nói của các nhóm trong xã hội về chất lượng điều hành của chính quyền cấp tỉnh. Trong khi PCI là kết quả khảo sát ý kiến doanh nghiệp dân doanh ở từng tỉnh/thành về môi trường kinh doanh, điều hành kinh tế của chính quyền ở tỉnh/thành đó theo 10 tiêu chí, PAPI cho thấy đánh giá của người dân nói chung về chất lượng cung cấp dịch vụ công của chính quyền tỉnh theo 6 tiêu chí lớn.
Trước những thông tin như vậy, cũng có những lời phàn nàn, tại sao địa phương tôi điểm thấp, tại sao chúng tôi không tăng bậc… Ngược lại, nhiều tỉnh nhận ra hai chỉ số được thiết kế, tiến hành theo chuẩn mực khoa học, sát với thực tiễn Việt Nam, được kiểm chứng qua trên dưới 10 năm đưa vào thực hiện. Các tỉnh đã phản hồi một cách cầu thị, coi đây là một nguồn thông tin khách quan, đáng tin cậy, giúp cho chính quyền địa phương “soi” vào để cải thiện chính sách, thực thi chính sách liên quan cho tốt hơn. Chẳng hạn, Đà Nẵng là địa phương nhiều năm ở nhóm đầu của PCI, nhưng có năm tụt xuống đến gần vị trí thứ 20. Năm đó, lãnh đạo thành phố thay vì nghi ngờ, “hờn dỗi”, ở cuộc họp toàn bộ các sở, ngành, quận, huyện đã thừa nhận đúng, cho rằng "doanh nghiệp đánh giá như thế vẫn còn nhẹ". Chính quyền thành phố Đà Nẵng và nhiều tỉnh/thành khác đã nhìn vào những điểm yếu kém thể hiện qua PCI và PAPI, từ đó sửa lỗi, cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng cung cấp dịch vụ công ở địa phương mình. Không chỉ những chỉ số như trên, mà bất kỳ ý kiến đánh giá nào của người dân, doanh nghiệp, chuyên gia thu thập được qua nhiều kênh khác nhau đều giúp chính quyền nhìn nhận lại mình để làm tốt hơn.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng có thể soi vào PCI, PAPI, vào tấm gương của những địa phương làm tốt, tự đặt câu hỏi, tại sao họ làm được, mà ta chưa làm được tốt. Từ trước tới nay, nhiều địa phương đã có những cách làm hay để nghe được nhiều hơn tiếng nói doanh nghiệp. Đầu giờ sáng, lãnh đạo tỉnh ngồi uống cà phê, trò chuyện với các doanh nhân, ghi nhận, nghiên cứu, xử lý, có thể đưa thành quyết sách chung. Có nơi, thứ hai hàng tuần tất cả các sở, huyện, xã tiếp doanh nghiệp để nghe ý kiến của họ. Khá nhiều địa phương thành lập Trung tâm hỗ trợ, xúc tiến đầu tư; tiến hành Chỉ số đánh giá năng lực điều hành của các sở, ngành, cấp huyện... Những cách làm này hoàn toàn có thể được áp dụng để nghe người dân nói chung, ví dụ café công dân, cà phê cử tri; Chỉ số hiệu quả hành chính công của sở, ngành, huyện…
Thực ra, kể cả những địa phương đứng cao nhất thì cũng chỉ mới đạt khoảng trên dưới 6,5/10 điểm. Như vậy là còn khoảng trống khá lớn để chính quyền tiếp tục cải thiện chất lượng điều hành. Khoảng trống này có thể là do trở ngại từ nhiều điểm không tốt trong khung chính sách, pháp luật quốc gia. Nhưng chắc chắn rằng, đó còn do lực cản trong thực thi chính sách của từng đơn vị, con người cụ thể ở địa phương.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ câu chuyện, khi được mang gương đến cho xem những vết nhọ, vết dơ, đã có những phản ứng khác nhau. Có người kêu lên: Ôi, nhọ, xấu hổ quá, lau đi thôi, lần sau cố đừng để nhọ; nhưng cũng có người phớt lờ, kệ. Và có người dỗi, kiểu như đứa trẻ con lăn ra giãy và kêu bố mẹ đánh cái ông kia mang gương đến làm con thấy mặt nhọ. Không chỉ các địa phương làm chưa tốt, mà cả địa phương có vị trí xếp hạng cao, thậm chí các cơ quan trung ương cũng có thêm những cái gương trong qua các nguồn thông tin khách quan để soi vào, nhận thấy những khiếm khuyết của mình, tự hỏi tại sao, từ đó hoàn thiện bộ mặt chính quyền.
Nguyễn Đức Lam