The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Nghệ An: Ngành Thuế phấn đấu năm 2015 giảm chi phí “thời gian nộp thuế” của doanh nghiệp còn 171 giờ/năm

Dể tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia, tháng 3 vừa qua Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Một trong những lĩnh vực yếu kém tồn tại đáng lưu ý mà Nghị quyết đã nêu ra cần phải được cải thiện đó là việc “nộp thuế” của doanh nghiệp. Theo công bố mới đây của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng thế giới (WB) thì chỉ số làm thủ tục nộp thuế của Việt Nam là 872 giờ mỗi năm, cao gấp 4 lần mức trung bình của các nước trong khu vực. Nhằm cải thiện chỉ số này, phấn đấu năm 2015 thời gian “nộp thuế” của doanh nghiệp còn 171 giờ/năm, Nghị quyết 19 nêu rõ giải pháp mà Bộ Tài chính phải triển khai trong thời gian tới đó là “Rà soát, đánh giá lại và cải tiến quy trình, hồ sơ và thủ tục nộp thuế, rút ngắn thời gian mà các doanh nghiệp phải tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 là 171 giờ/năm).
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan, kho bạc một cách toàn diện, hiện đại; triển khai có hiệu quả mô hình một cửa liên thông, tăng cường trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan trong thực hiện thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực này để tạo chuyển biến mạnh mẽ ngay từ năm 2014. Công khai, minh bạch về thủ tục hành chính thuế, hải quan để doanh nghiệp và người dân dễ tiếp cận và giám sát việc thực hiện; tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp với các cơ quan thuế, hải quan về những khó khăn, vướng mắc đxử lý kịp thời. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về thuế…”.
Để đạt được mục tiêu đó, theo ông Bùi Văn Nam - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thì trách nhiệm ngành thuế hiện nay phải triển khai tăng tốc nhanh gấp 5 lần kết quả cải cách của giai đoạn 2011-2012. Nhiệm vụ đặt lên vai ngành thuế là rất nặng nề đòi hỏi mỗi cán bộ công chức phải thể hiện trách nhiệm đối với ngành và doanh nghiệp. Không thể phủ nhận sự cố gắng cải cách của ngành trong thời gian qua đã giảm thiểu chi phí, rút ngắn thời gian về thủ tục thuế đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận đánh giá cao thể hiện trong việc cải cách cả thủ tục và chính sách, cụ thể:
Về thủ tục hành chính: Doanh nghiệp có mức doanh thu đến 20 tỷ đồng mỗi năm chỉ còn phải khai và nộp thuế 4 lần một năm thay vì 12 lần; rút ngắn thời gian gia hạn hồ sơ khai thuế từ 5 ngày xuống 3 ngày; thời hạn hoàn thuế rút ngắn đối với trường hợp kiểm tra trước, hoàn thuế sau từ 60 ngày xuống còn 40 ngày, đối với trường hợp hoàn thuế trước, kiểm tra sau từ 15 ngày xuống 6 ngày... Toàn ngành tập trung xây dựng và triển khai mạnh mẽ hệ thống thuế điện tử, đến nay đã có hơn 366.000 doanh nghiệp tham gia, chiếm khoảng 76% tổng số DN. Mục tiêu hết năm 2014 sẽ đạt khoảng 90%... Bên cạnh việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế, sẽ khuyến khích doanh nghiệp đủ điều kiện triển khai hóa đơn điện tử và phát triển hệ thống tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế (đại lý thuế)...
Về chính sách đã giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 22% (từ 2016 xuống 20%) đối với DN nhỏ và vừa. Tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân; giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng một số nhóm mặt hàng… Sau hơn 2 năm triển khai Quyết định 732/QĐ-TTg của Thủ tưởng chính phủ về cải cách hệ thống thuế, toàn ngành đã có những đổi thay đáng kể về cải cách, hoàn thiện hệ thống thuế đem lại nhiều lợi ích cho người nộp thuế.
Ở Nghệ An tuy chưa có một thống kê cụ thể nào về thời gian nộp thuế nhưng thông qua việc đánh giá về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013 do VCCI công bố thì tổng số điểm của Nghệ An là 55.83 đứng thứ 40 cả nước. Trong bộ chỉ số thành phần PCI này “Nộp thuế” không có một tiêu chí riêng nhưng lại có liên quan ở 6/10 chỉ số thành phần. Khách quan đánh giá thì những năm qua ngành thuế Nghệ An đã có nhiều lĩnh vực được cải cách, đáp ứng mong đợi của người nộp thuế như: Công tác cải cách hành chính là một trong 3 ngành đứng đầu khối cơ quan cấp tỉnh; về ứng dụng công nghệ thông tin quản lý thuế đứng thứ nhất khối Cục thuế địa phương do Tạp chí eFinance Online bình chọn; công tác tuyên truyền và hỗ trợ doanh nghiệp được tăng cường thông qua các kênh như hỗ trợ trực tiếp, qua giao lưu trực tuyến, qua Email , Đài Phát thanh truyền hình, tập huấn, đối thoại… Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như: chất lượng phân tích báo cáo tài chính để quản lý theo yếu tố rủi ro chưa cao, thời gian thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế còn dài; cách hiểu và vận dụng chính sách còn khác nhau hoặc đâu đó vẫn có cán bộ nhũng nhiễu do cơ chế kiểm soát thiếu chặt chẽ…
Để đạt được mục tiêu 171 giờ /năm như Nghị quyết 19 đưa ra theo tôi ngành thuế cả nước cũng như Nghệ An chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hơn nữa cần đi vào thực chất, tập trung vào những nội dung sau:
- Chính sách thuế cần phải rõ ràng hơn tránh sự nhầm lẫn áp dụng mỗi nơi một kiểu gây khó cho người thực hiện. Đặc biệt phải đồng bộ, bao quát và thống nhất ngay trong các văn bản pháp quy chính thống. Tránh trường hợp khi có phát sinh vướng mắc lại hướng dẫn thiếu thống nhất.
- Các thủ tục hành chính phải được công khai và có thể lượng hoá ,kiểm đếm được bắt buộc phải thực hiện đúng, không vì quản lý yếu kém lại tuỳ tiện đặt ra các thủ tục rườm rà cho doanh nghiệp.
- Tăng cường hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, quản lý nội ngành đặc biệt là các dịch vụ công cung cấp cho người nộp thuế. Xây dựng các phần mềm ứng dụng kịp thời, phù hợp đáp ứng với sự thay đổi của chính sách thuế.
- Có chính sách khuyến khích phát triển hệ thống đại lý thuế, tạo điều kiện để mô hình này phát huy hiệu quả tích cực bởi đây cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan thuế (lĩnh vực này ở Nghệ An còn yếu).
- Một nhiệm vụ đặc biệt hơn nữa đó là mỗi cán bộ công chức thuế phải tự cải cách mình ngay trong suy nghĩ, thấu hiểu được “cái khó” của doanh nghiệp trong thương trường, không làm cho họ “sợ” mình như mấy lâu nay. Bên cạnh đó là xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả khi cán bộ công chức thực thi công vụ./.