Nghệ An tăng 7 bậc trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Viện trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam trong năm 2016.
Tỉnh Nghệ An xếp thứ 25, tăng 7 bậc so với năm 2015; xếp thứ hai trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, sau Thừa Thiên Huế. Tổng điểm 59,45, đây là vị trí cao nhất từ trước tới nay của tỉnh Nghệ An.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 sẽ được Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng nay (14/3). Đây là lần thứ 12 liên tiếp VCCI cùng Cơ quan Viện trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam.
Để đưa ra đánh giá, VCCI đã thu thập dữ liệu từ 10.037 doanh nghiệp tư nhân trong nước, trong đó có 2.042 doanh nghiệp thành lập trong năm 2015 và 2016 và 1.550 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 46 quốc gia đang hoạt động tại 14 tỉnh, thành phố.
Xếp hạng năm 2016, Đà Nẵng lần thứ 4 liên tiếp trụ vững ngôi đầu bảng với số điểm 70, đánh dấu lần thứ 7 thành phố này dẫn đầu cả nước kể từ khi PCI được công bố. Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí thứ 2 với 65,60 điểm, kế tiếp là Đồng Tháp 64,96 điểm.
Với tỉnh Nghệ An, bằng sự nỗ lực của các cấp ngành và ủng hộ của nhân dân, công tác thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, hiệu quả các dự án được phát huy tích cực. Quá trình đó, công tác cải cách hành chính liên tục được đổi mới theo hướng thuận lới nhất cho doanh nghiệp và người dân, sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với doanh nghiệp được thể hiện bằng nhiều hành động cụ thể.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đánh giá, kết quả PCI 2016 phản ánh những dấu hiệu khởi sắc với doanh nghiệp dân doanh trong nước. Lần đầu tiên trong 12 năm qua quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp tăng lên mức cao nhất, bình quân 18,1 tỷ đồng, gấp đôi so với cách đây 10 năm. Tỷ lệ doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động tăng thêm 1%, lên 13% sau một năm.
Còn điều tra các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho thấy, 11% doanh nghiệp tiết lộ đã tăng vốn đầu tư, 63% tuyển dụng thêm lao động mới, mức cao nhất trong 5 năm qua. Hơn một nửa doanh nghiệp tham gia khảo sát (khoảng 800 doanh nghiệp) có ý định mở rộng hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, báo cáo PCI 2016 còn dành hẳn một chương đánh giá về cảm nhận của các doanh nghiệp về môi trường. Theo đó, 50% doanh nghiệp FDI và 45% doanh nghiệp trong nước đều sẵn sàng trả một mức chi phí hợp lý cho hoạt động cụ thể bảo vệ môi trường.
PCI là bộ chỉ số được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam để đánh giá mức độ thuận lợi của thủ tục hành chính tại các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh khác nhau (như thủ tục đăng ký kinh doanh, đất đai, giấy phép, thanh tra, kiểm tra, tham nhũng…) và mức độ hỗ trợ của chính quyền (như tính năng động, đào tạo nghề, giải quyết tranh chấp…) theo đánh giá của các doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại địa phương. |