
Phiên chất vấn có sự chủ trì của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu cùng các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình và Nguyễn Như Khôi.
Theo Sở Tài chính, PCI là thước đo quan trọng cho sức khỏe môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Những năm qua, Nghệ An đã có nhiều nỗ lực và kết quả tích cực: Chỉ số PCI được cải thiện về điểm số, một số chỉ số thành phần đứng top 10 toàn quốc (chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai...). Tuy nhiên, thứ hạng chung vẫn chưa ổn định: Từ hạng 30 (2021) lên 23 (2022) nhưng lại giảm xuống 44 trong năm 2023 và 2024.
Đáng chú ý, chỉ số chi phí thời gian vốn phản ánh tốc độ giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp lại giảm sâu trong năm 2024, đứng thứ 59/63 tỉnh, thành. Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải thẳng thắn chỉ ra ba nguyên nhân chính: Quy định pháp luật phức tạp, chồng chéo giữa nhiều luật; Thiếu phần mềm phân tích, phản hồi hồ sơ ngay từ đầu; Thái độ làm việc của một bộ phận cán bộ còn chưa chuẩn mực. Ngoài ra, thủ tục thanh tra, kiểm tra thuế hiện mất trung bình 56 giờ mỗi cuộc, cao hơn nhiều so với mức trung vị 24 giờ của cả nước.
Giải pháp được ông Hải đề xuất là đổi mới quy trình xử lý hồ sơ theo hướng song song, chuẩn hóa đầu vào, xây dựng phần mềm giám sát quá trình xử lý của cán bộ và rút ngắn thời gian thanh tra, kiểm tra thuế.
Giải đáp thắc mắc về ảnh hưởng của mô hình chính quyền hai cấp thay thế ba cấp, ông Hải thừa nhận sẽ có khoảng trống trong chỉ đạo điều hành, thiếu kết nối và năng lực cán bộ xã chưa đồng đều. Giải pháp là đẩy mạnh tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên sâu, thiết lập cơ chế kiểm tra giám sát linh hoạt và áp dụng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh ở cấp xã.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng cho biết, chỉ số PCI giảm từ hạng 35 (2023) xuống 40 (2024). Nguyên nhân chính là trình độ, năng lực cán bộ còn hạn chế, công tác thông tin chính sách chưa đầy đủ. Giải pháp được đề ra là đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cán bộ công chức, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mới, siết chặt kỷ luật kỷ cương, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp và phát triển chuyển đổi số.
Một vấn đề nóng khác là chỉ số cạnh tranh bình đẳng giảm mạnh (hạng 58/63). Một số doanh nghiệp nhỏ và vừa lo ngại tỉnh ưu ái doanh nghiệp lớn. Ông Hải phủ nhận chủ trương phân biệt đối xử và cho biết những ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (chế độ kế toán đơn giản, chính sách hỗ trợ) vẫn được triển khai. Tuy nhiên, ông nhìn nhận có hai nguyên nhân khiến doanh nghiệp nhỏ thấy thiếu bình đẳng: Các báo cáo, chính sách thường nêu tên doanh nghiệp lớn nhiều hơn; Doanh nghiệp nhỏ thiếu thông tin pháp lý. Giải pháp là minh bạch hóa thông tin về quy hoạch, đất đai, đầu tư, hoàn thiện ưu đãi thuế và phát huy vai trò Hiệp hội doanh nghiệp trong kết nối.
Giải đáp câu hỏi về độ tin cậy của kết quả khảo sát PCI, ông Hải cho biết, năm 2024 chỉ thu về 173/1.800 phiếu (chưa đến 10%). Tỷ lệ phản hồi thấp cho thấy nhiều doanh nghiệp thờ ơ hoặc chưa thực sự đồng hành với chính quyền. Theo ông, khảo sát cần chọn đúng đối tượng, thời điểm và đảm bảo tính đại diện thực chất hơn. Đồng thời, chính quyền cơ sở, nơi doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp cần nâng cao chất lượng phục vụ, sẵn sàng phản hồi kết quả đánh giá của doanh nghiệp.
Kết thúc phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đánh giá cao sự thẳng thắn, trách nhiệm của Giám đốc Sở Tài chính. Ông nhấn mạnh cần nâng cao nhận thức toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội về vai trò chỉ số PCI, đây là thước đo “sức khỏe” của cộng đồng doanh nghiệp và công cụ quan trọng cho chính quyền trong quản trị, phát triển.
HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo sát sao nhóm giải pháp đã nêu, nhất là trong bối cảnh chuyển sang mô hình chính quyền hai cấp, để tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh phát triển bền vững. Đồng thời, cần xác định rõ vị trí PCI của Nghệ An trong bảng xếp hạng toàn quốc để có giải pháp phù hợp, cụ thể và hiệu quả hơn trong thời gian tới.