The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

NGHỆ AN: THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 26 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ - CẦN ĐỘT PHÁ - PHẢI TĂNG TỐC

Đến hết năm 2017, tròn 4 năm, 5 tháng Nghệ An thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng - nhiệm vụ phát triển Nghệ An đến năm 2020. Tinh thần cơ bản của Nghị quyết 26 là: Nghệ An phải tự lực, tự cường phát huy cao nhất nội lực, tự mình vượt qua cái rào cản nội tại.

Mặc dầu chưa có đầy đủ các cứ liệu để đánh giá đầy đủ và chính xác, sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết 26, Nghệ An đã đi đến đâu so với mục tiêu đến năm 2020, nhưng, với những cứ liệu hiện có, chúng ta có thể có một số nhận định bước đầu.

Cây chanh leo từng được xem là cây thoát nghèo cho bà con miền Tây Nghệ An

1. Nếu tốc độ tăng trưởng GRDP của Nghệ An trong 3 năm 2011-2013 chỉ 5,54% thì trong 4 năm thực hiện Nghị quyết 26, đã lên 7,59%. Riêng năm 2017 là 8,23% cao hơn mức tăng bình quân của cả nước 6,7%. Đây là một kết quả đáng ghi nhận.

Tuy vậy, mức tăng trưởng này mới ở mức khá, mà chưa tạo được bước đột phá, chưa phải là mức tăng trưởng ấn tượng.
Tốc độ tăng trưởng khá này có được là nhờ tăng đầu tư từ bên ngoài của các năm trước và các năm vừa qua chứ chưa phải là sự tăng trưởng nhờ vào đổi mới mô hình tăng trưởng, nhờ vào cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh. Điều này, biểu hiện rõ ở sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tuy đúng hướng nhưng chậm.
2. Về cơ cấu kinh tế năm 2013, nông, lâm, thủy sản chiếm 28,8%, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ 71,2% thì đến năm 2016 nông, lâm, thủy sản chiếm 26% giảm 2,8%, công nghiệp xây dựng, dịch vụ chiếm 74% tăng 2,8%, chuyển dịch cơ cấu kinh tế như vậy là chậm, nếu không muốn nói là rất chậm.
3. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh chậm bởi các lý do sau:
- Thu hút vốn đầu tư trong nước không tăng, thậm chí giảm: Năm 2013 vốn đầu tư trong nước là 56.000 tỷ đồng thì năm 2016 chỉ là 51.000 tỷ đồng giảm 5.000 tỷ đồng.
- Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng đột biến. Nếu năm 2013 chỉ 21,081 triệu USD thì năm 2016 là 500 triệu USD. Tuy vậy, với Nghệ An thì vốn đầu tư nước ngoài vẫn thấp so với các địa phương khác. Để so sánh có thể lấy tỉnh Nam Định, một tỉnh chỉ cần 1 dự án nhà máy nhiệt điện công nghệ sạch đã thu hút 2 tỷ USD để thấy 500 triệu USD là còn nhỏ nhoi.
- Kinh tế du lịch phát triển chậm. Cho đến nay sản phẩm du lịch kể cả thế mạnh là du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch lịch sử truyền thống cách mạng cũng chưa có thêm sản phẩm nào đáng kể. Liên kết liên doanh để hình thành các tour, tuyến du lịch nội tỉnh cũng như với các tỉnh Bắc Trung Bộ gần như chưa hình thành. Các điểm du lịch, các sản phẩm du lịch vẫn còn tản mạn, phân tán thậm chí gần như cô độc.
4. Nhờ tốc độ tăng trưởng khá nên thu ngân sách năm 2017 đã tăng gấp 2 lần so với năm 2013 với 12.030 tỷ đồng năm 2017 so với 6.062 tỷ đồng năm 2013. Tuy nhiên cho đến năm 2017, thu ngân sách mới chỉ đáp ứng được trên 50% chi ngân sách của tỉnh. Mục tiêu cân bằng ngân sách vào năm 2020 chắc khó đạt.
5. Điểm sáng nổi bật của Nghệ An trong hơn 4 năm qua là kết quả xây dựng nông thôn mới. Đến nay tỉnh đã có 152 xã, và hai đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới của Nghệ An trên tổng số xã là 31,3% cao hơn bình quân cả nước: 23%. Tuy nhiên điều đáng quan tâm là tiến độ xây dựng nông thôn mới lại không tương ứng với quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, cơ cấu lại kinh tế nông thôn của tỉnh.
6. Để thực hiện Nghị quyết 26 đạt kết quả, lãnh đạo tỉnh đã có nhiều việc làm nhằm thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước thu hút “chất xám” của các nhà khoa học các cơ quan khoa học, nhất là khoa kinh tế ở Trung ương và ở tỉnh. Hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại kinh tế đã giúp tỉnh có tầm nhìn mới, có thêm nhiều bạn mới. Năm nào tỉnh cũng tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư và để phát huy kết quả tỉnh còn có một tổ chức mới: Trung tâm thu hút đầu tư. Nhưng, trong thực tế vẫn chưa có bước đột phá. Đó là chưa nói một số dự án đã ký cam kết và được cấp phép đầu tư đã không được thực hiện, tức là chỉ nằm ở cam kết trên giấy.
Những gì đã đạt được cho đến hết năm 2017 so với mục tiêu vẫn còn khá xa. Chỉ với 2 con số sau đây, đủ để hình dung chặng đường tới còn xa đến mức nào.
- Cơ cấu kinh tế của một tỉnh công nghiệp ít ra thì công nghiệp - xây dựng và dịch vụ phải chiếm 85% trong cơ cấu kinh tế. Hiện tại tỉ lệ này mới ở mức 74%.
- GRDP bình quân đầu người cuối năm 2020 phải đạt khoảng 2.800-3.500 USD trong lúc đó hiện tại mới chỉ là trên 2.400 USD. Tức là chỉ mới đạt 1/2 chỉ tiêu.

Ốc đảo chè Thanh Chương là một điểm tham quan du lịch sinh thái nông nghiệp thơ mộng và độc đáo

Đích đến còn xa, thời gian còn lại chỉ có 3 năm, nếu không bứt phá, không tăng tốc thì khó mà thực hiện được mục tiêu mà Bộ Chính trị đặt ra trong Nghị quyết 26. Phải làm gì đây?

1. Thực hiện mục tiêu Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị cũng chính là thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Do đó, lãnh đạo tỉnh cần có cuộc tổng rà soát để đánh giá đúng thực tế rằng Nghệ An đã đi đến đâu trong hơn 4 năm qua. Và để về đích thành công tỉnh phải tập trung cao nhất cho những nhiệm vụ nào với những giải pháp khả thi nào.
2. Xin được đề xuất mấy nhiệm vụ hay công việc cần tập trung cao sau:
- Đánh giá thật đúng kết quả cuối cùng sau hội nghị thu hút đầu tư các năm từ 2014 đến 2017. Tăng tổng vốn qua thu hút hàng năm là chỉ số quan trọng. Nhưng suy cho cùng lại ở chỉ số tăng vốn đầu tư được thực hiện. Tăng tổng vốn đầu tư cam kết trên giấy tăng nhưng tổng vốn cam kết được thực hiện không tăng thì đó chỉ là tăng “ảo”. Tỉnh đã trải thảm đỏ mời gọi đầu tư, nhưng liệu đã thật sự theo nhà đầu tư đến tận cùng chưa? Tình trạng đại lộ thì thông thoáng, nhưng trung lộ, tiểu lộ lại lắm ách tắc đã được khắc phục?
- Đi liền với việc đánh giá kết quả thực của cải cách hành chính từ tỉnh, huyện, đến tận xã phường để cải thiện căn bản một số chỉ số như: tiếp cận đất đai. Chi phí không chính thức. Tính năng động. Đào tạo lao động. Thiết chế pháp lý - cạnh tranh bình đẳng... là những chỉ số mới ở thang điểm trung bình, thậm chí dưới trung bình. Từ đó nâng nhanh thứ hạng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh. Nếu năm 2016 Nghệ An xếp hạng 25/63 thì các năm tiếp theo phải có vị trí nằm trong tốp 15/63 mới có thể tạo được bước đột phá để tăng tốc.
- Đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đổi mới mô hình tăng trưởng. Đặc biệt thúc đẩy nhanh kinh tế công nghiệp dịch vụ - du lịch - riêng kinh tế du lịch phải có thêm nhiều sản phẩm du lịch, có đội ngũ lao động du lịch chất lượng cao, tạo dựng quan hệ liên kết nội tỉnh và liên kết vùng Bắc Trung Bộ.
- Ngay từ cuối năm 2014 Nghệ An đã có đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, sau đó cũng đã có chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đứng về phương diện định hướng, chủ trương như vậy là Nghệ An đi sớm, đi trước. Nhưng chỉ đạo thực hiện chưa tập trung, chưa quyết liệt nên kết quả chưa thật rõ rệt. Gần như tất cả mới ở mức xây dựng mô hình. Cơ cấu lại nông nghiệp chưa thành hành động của đông đảo các địa phương. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp chậm chạp. Tình trạng sản xuất nhỏ, manh mún vẫn đang phổ biến. Nhận thức về nông nghiệp công nghệ cao còn quá lệ thuộc vào năng lực đầu tư từ bên ngoài nên cách làm và bước đi chưa rõ cho mỗi lĩnh vực, ngành, cây, con...
- Vùng kinh tế miền Tây vẫn chưa vực dậy được. Khai thác nguồn tài nguyên về đất rừng của miền Tây chưa có tư duy đột phá. Tầm nhìn còn hạn hẹp nên vẫn để cái khó bó cái khôn.
- Coi trọng nâng cấp hạ tầng cứng là rất đúng. Nhưng chưa coi trọng nâng cấp hạ tầng mềm là rất thiếu sót. Trình độ dân trí chậm cải thiện, chưa trang bị những nhận thức, hiểu biết, tri thức cần thiết tối thiểu về kinh tế hàng hóa, về liên kết, liên doanh, hợp tác, về kỹ năng lao động công nghệ cao cho người lao động. Số đông cư dẫn vẫn sản xuất kinh doanh theo kinh nghiệm truyền thống là chính. Chất lượng và năng suất lao động nhất là trong nông nghiệp, trong đồng bào các dân tộc ít người còn thấp.
Trương Công Anh