The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Nghệ An: TIẾP TỤC CHUẨN HÓA ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨC

Tuy nhiên, trao đổi với DĐDN Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường khẳng định: Nghệ An vẫn cần cải thiện nhiều hơn nữa để nâng cao các chỉ số thành phần, đặc biệt là hai chỉ số Chi phí không chính thức và Tính năng động còn thấp điểm để có thể có PCI cao hơn nữa.

7/10 chỉ số có điểm số tăng so với năm 2013, đặc biệt, tiêu chí gia nhập thị trường của Nghệ An được đánh giá rất tốt. Chỉ số này đo lường thời gian và mức độ khó, dễ mà DN trải qua để đăng ký kinh doanh, xin cấp đất và hoàn tất các giấy phép cần thiết để bắt đầu tiến hành hoạt động kinh doanh. Đây là vấn đề mà DN thường lo lắng khi tiếp cận để bắt đầu chặng đường kinh doanh của mình.

– Thưa ông, để đạt được vị trí này, tỉnh đã có những giải pháp thực hiện như thế nào?

Để có được kết quả đó, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Động thái đầu tiên là từ năm 2006, chỉ số PCI được tỉnh coi là thước đo để đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh, trong việc xây dựng môi trường thuận lợi cho sự phát triển DN dân doanh. Năm 2010, PCI của Nghệ An xếp thứ 54/63 tỉnh, thành. Năm 2011, Nghệ An đứng vị trí thứ 49 trong toàn quốc, tuy đã tăng 5 bậc so với năm 2010 nhưng vẫn thấp nhất trong khu vực Bắc Trung Bộ. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy đã có chủ trương giao UBND tỉnh Nghệ An ban hành, phê duyệt Đề án cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Quyết định số 2595/QĐ-UBND ngày 13/7/2012). Đến năm 2014, chỉ số PCI của Nghệ An từ vị trí thứ 46 đã vươn lên vị trí thứ 28, nằm trong nhóm khá của cả nước, đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ. Đây là thứ hạng PCI cao nhất của tỉnh Nghệ An từ trước đến nay. Kết quả này chứng minh sự quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh, chính quyền địa phương các cấp trong nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Và chính sự nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư tỉnh đã góp phần thu hút được những dự án đầu tư trong và ngoài nước có quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách địa phương. Như dự án Nhà máy chế biến sữa tập trung TH Truemilk (1,2 tỷ USD), Nhà máy sản xuất Tôn Hoa Sen (5.000 tỷ đồng), Nhà máy sản xuất ván sợi MDF (1.558 tỷ đồng); Trung tâm công nghiệp thực phẩm Masan miền Bắc (1.200 tỷ đồng), Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim (550 tỷ đồng), Tổ hợp công nghiệp – Đô thị và Dịch vụ của VSIP/BECAMEX Bình Dương (1.774 tỷ đồng)…

UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với TCty liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore khởi công Khu liên hợp công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An. Theo đó, VSIP Nghệ An là một dự án quần thể liên hợp khu công nghiệp đa ngành kết hợp với khu đô thị – dịch vụ có diện tích hơn 1.800 ha, trong đó giai đoạn I là 750 ha, thuộc quy hoạch Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An với tổng vốn đầu tư khoảng 76,4 triệu USD, đây là dự án KCN thứ 7 trong chuỗi các dự án VSIP thành công

Trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, Nghệ An sẽ tập trung mọi nguồn lực thu hút các nhà đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu, phục vụ trực tiếp cho nhà đầu tư, chú trọng các dự án động lực như: Cảng Đông Hồi, Cảng nước sâu Cửa Lò; Các dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp: Thọ Lộc, Đông Hồi, Hoàng Mai 2, Nghĩa Đàn...

– Con người luôn là yếu tố quyết định về sự thành bại trong mọi lĩnh vực. Vậy thời gian qua tỉnh đã đề ra những giải pháp gì để nâng cao trình độ cũng như thái độ phục vụ đồng thời giảm thiểu tình trạng “nhũng nhiễu” nhà đầu tư, DN, người dân?

Đúng vậy, trong mọi trường hợp, con người là yếu tố then chốt quyết định mọi thành bại, trong lĩnh vực hành chính phục vụ người dân, DN cũng vậy. Các chính sách dù có hay, hợp lý đến đâu nhưng nếu cán bộ, công chức không thực sự công tâm khi thực thi công vụ thì chính sách đó sẽ thất bại. Đối với tỉnh Nghệ An chúng tôi, về cơ bản các cán bộ, công chức hoàn thành tốt vai trò, chức trách của một cán bộ, công chức khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít cán bộ, công chức có thái độ “nhũng nhiễu”, “gây khó dễ” cho người dân, DN khi thực thi công vụ. Để chấn chỉnh tình trạng này, hàng năm tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan nhà nước tập trung rà soát, xây dựng mới, sửa đổi bổ sung quy chế làm việc, quy chế phối hợp trong nội bộ cũng như phối hợp giữa các cơ quan với nhau. Thực hiện việc quản lý điều hành và xử lý công việc theo quy chế, gắn với kết quả công việc. Tăng cường các hình thức chỉ đạo điều hành mới gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin. Chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, giám sát chặt chẽ kết quả xử lý công việc; nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc; thực hiện quy chế văn hóa công sở và các quy định về quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp. Nghệ An kiên quyết đưa ra khỏi hệ thống những công chức có tác phong, lề lối làm việc yếu kém, có thái độ gây phiền hà, nhũng nhiễu đến tổ chức, DN trong quá trình giải quyết công việc tại các bộ phận “một cửa” và “một cửa liên thông”.

Mặt khác, công tác tập huấn bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ công tác cải cách hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được tổ chức thường xuyên. Việc Nghệ An đứng thứ 28 nằm trong nhóm khá về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 đã minh chứng việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triểndoanh nghiệp dân doanh của Nghệ An. Cải thiện chỉ số PCI là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, thể hiện sự đồng hành của tỉnh với các nhà đầu tư.

– Vậy sắp tới Nghệ An sẽ có những giải pháp gì để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện PCI, thưa ông?

Cải thiện chỉ số PCI là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, thể hiện sự đồng hành của Nghệ An với các nhà đầu tư.

Bên cạnh những chỉ số tăng điểm, Nghệ An còn có 2 chỉ số là Chi phí không chính thức và Tính năng động còn thấp điểm so với năm 2013. Chỉ số chi phí không chính thức là một chỉ số nhạy cảm và cũng khá phổ biến hiện nay. Để cải thiện chỉ số này cần có sự đồng bộ và kiên quyết của các cấp chính quyền và xã hội trong việc tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức, viên chức cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tư cách đạo đức nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, giải quyết yêu cầu của người dân và DN. Bên cạnh đó, tăng cường công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục hành chính và có giám sát chặt chẽ các bộ phận liên quan giải quyết các thủ tục cho dân và DN. Kịp thời xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực, lợi dụng vị trí làm việc gây khó khăn, phiền hà cho các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, thực hiện hiệu quả chương trình kế hoạch phòng chống tham nhũng từ cấp tỉnh, đến cấp huyện, xã. Mặt khác, có cơ chế nâng cao thu nhập cho cán bộ công chức, đảm bảo đời sống ổn định và yên tâm công tác.

Đối với chỉ số tính năng động: người lãnh đạo ở đây không chỉ bao gồm các lãnh đạo đứng đầu UBND tỉnh mà bao gồm những người đứng đầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã. Chính vì vậy, cần có sự đồng bộ của tất cả những người đứng đầu các cơ quan nhà nước cùng quán triệt tinh thần chỉ đạo của các cấp lãnh đạo về tinh thần quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành; dám chịu trách nhiệm với những vấn đề do mình đề xuất hay quyết định. Mặt khác, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, coi đây là một tiêu chí đánh giá, xếp loại các sở, ban, ngành, địa phương hàng năm. Đồng thời, công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin của tỉnh để người dân theo dõi, góp ý.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Theo http://enternews.vn ngày 19/10/2015