The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Nghẽn cải cách vì ‘tắc’ ở bộ

Nếu như trước đây, thuế - hải quan là 2 địa chỉ bị "tố" nhiều nhất thì tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, do Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức ngày 18.5, các doanh nghiệp (DN) và một số lãnh đạo địa phương cho biết các bộ chính là nơi gây cản trở nhiều nhất.

Điều này đặc biệt gây lo ngại cho công cuộc cải thiện môi trường đầu tư mà Chính phủ đang quyết liệt thực hiện.
Thứ nhất, các bộ là cơ quan soạn thảo, ban hành cũng như thực thi nhiều chính sách tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của DN. Nếu gặp cản lực ngay ở cơ quan đầu não này thì mọi công cuộc cải cách hành chính nói chung sẽ "tắc". Lấy việc loại bỏ giấy phép con, vấn nạn tồn tại nhiều năm làm ví dụ để thấy, tắc ở các bộ là nghẽn cả chặng đường cải cách phía sau. Cụ thể, theo thống kê của Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), hiện có khoảng 7.000 giấy phép con trong đó hơn nửa không có chứng cứ pháp lý để tồn tại. Việc rà soát, loại bỏ các giấy phép con này phụ thuộc rất lớn vào các bộ, ngành. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều cơ quan bộ chưa thực sự vào cuộc, chưa nhiệt tình, quyết liệt. Thậm chí ngay trong giai đoạn nước rút thì không ít bộ lại tiếp tục ban hành các giấy phép con, giấy phép cháu, giấy phép chắt. Và để vượt qua hàng rào giấy phép này, DN phải tiếp tục bôi trơn, lót tay; tiếp tục bị hành. Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2015 công bố đầu tháng 4 vừa rồi cho thấy, năm 2015, chi phí không chính thức của các DN tiếp tục tăng. Đây là một trong nhiều nguyên nhân quan trọng khiến các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ không lớn nổi.
Thứ hai, các bộ cũng là nơi ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Rất nhiều luật mới với tinh thần cởi mở, tạo điều kiện tối đa cho người dân, DN làm ăn, phát triển kinh doanh. Nhưng luật có nhanh chóng được thực thi; tinh thần đổi mới, thông thoáng có nhanh chóng đi vào cuộc sống; có tạo ra sự đột phá cho môi trường đầu tư hay không cũng chờ khâu này. Thế mới nói "tắc" ở cấp bộ là nghẽn mọi cái phía sau.
Thứ ba, việc quản lý chồng chéo giữa các bộ, ngành khiến DN ngạt thở. Đây là vấn đề mà cộng đồng DN kêu trời ở rất nhiều cuộc gặp gỡ, hội nghị giữa cơ quan quản lý với DN. Chuyện 7 bộ (NN-PTNT, Y tế, Tài chính, TN-MT, KH-CN, Công thương, Công an) cùng quản lý một cây xúc xích là điển hình nhất cho nỗi khổ "một cổ vô số tròng" của DN. Đặt trường hợp suôn sẻ, các bộ đều giải quyết nhanh chóng thì DN cũng phải chạy 7 "cửa" mới làm xong thủ tục. Nhưng chuyện này rất hiếm. Đến "cửa" bộ như nói trên, không hề đơn giản. Chuyện thường gặp là bộ này giải quyết nhanh chóng thì bộ kia đủng đỉnh hoặc đến "cửa" bộ này bị đẩy sang bộ khác... khiến hồ sơ cứ chạy lòng vòng qua lại, tốn không biết bao nhiêu thời gian, công sức và tiền bạc của DN. Sự chồng chéo này cũng đi ngược với cơ chế một cửa mà chúng ta nỗ lực xây dựng trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính mấy năm nay.
Đáng buồn là những hạn chế, lực cản, vướng mắc lại nằm ở chính những cơ quan đáng ra phải có nghĩa vụ gỡ bỏ các “chướng ngại vật” cho người dân, DN.
Nguyên Hằng