The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Nghị định 19 về kinh doanh khí: Xót xa bỏ vài chục tỷ mua đống sắt để cho... hoen gỉ

Đưa ra điều kiện kinh doanh cho các thương nhân đầu mối trong lĩnh vực gas là phải đáp ứng số lượng lên tới 100.000 vỏ bình 12kg, có 20 đại lý phân phối, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang ngồi trên đống lửa

Theo Nghị định 19 về kinh doanh khí, thương nhân phân phối khí phải có bồn chứa có tổng dung tích tối thiểu 300 m3; có số lượng vỏ bình ga các loại đủ điều kiện lưu thông trên thị trường với tổng dung tích chứa tối thiểu 2.620.00 lít.

Theo bà Trần Thị Kim Phượng, Giám đốc Công ty TNHH TM – DV Tiến Phát, với yêu cầu này thì doanh nghiệp phải sở hữu tối thiểu 100.000 vỏ bình gas 12 kg và điều này là yêu cầu quá sức.

Cũng bởi, để sở hữu được số lượng vỏ bình như vậy thì doanh nghiệp phải bỏ ra tới 50 tỷ đồng, cộng thêm vận hành chi phí xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường thì số lượng phải tăng lên tới 80 tỷ đồng.

Theo tính toán của các doanh nghiệp gas, với yêu cầu phải sở hữu tối thiểu 100.000 vỏ bình gas, tức là cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ tương đương với 3 tỉnh có dân số vừa. Theo ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI, đây là điều kiện hết sức vô lý, không phù hợp năng lực của doanh nghiệp cũng như đặc thù của ngành.

Quá bức xúc trước yêu cầu vô lý này, mới đây một số doanh nghiệp đã tập hợp đơn kiến nghị để gửi lên các cơ quan chức năng. Cũng bởi, doanh nghiệp không những không đủ năng lực để chi ra vài chục tỷ đồng để sắm thêm vỏ bình, mà nhu cầu thị trường cũng không đủ dung lượng nên nếu có chi tiền ra để đáp ứng yêu cầu quản lý, thì số lượng vỏ bình được mua về cũng bị… đắp chiếu.

Theo đại diện của doanh nghiệp tư nhân Đình Vũ (Khánh Hòa), những yêu cầu đặt ra trong Nghị định 19 là không phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Việc đặt ra yêu cầu quá sức, phi lý khiến cho doanh nghiệp phải chấp nhận đóng cửa vì không đáp ứng đủ yêu cầu.

“Những điều kiện trên dẫn tới việc loại bỏ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mới vào thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp đã có quá trình đầu tư, hoạt động hợp pháp, có hiệu quả. Điều này gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế nói chung và khoảng 35 doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng đang kinh doanh gas, khiến hàng nghìn lao động mất việc làm” – đại diện doanh nghiệp trên nói.

Theo tính toán, có thể 1.000 lao động vùng sâu vùng xa bị mất việc làm. Số tiền mà các doanh nghiệp phải chi để xin lại và duy trì giấy phép kinh doanh theo yêu cầu có thể lên tới 35 triệu USD.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, theo tinh thần giảm thiểu thủ tục hành chính, thì Nghị định 19 cũng sẽ được rà soát lại theo tinh thần, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, để tăng cường quản lý và kiểm soát hoạt động kinh doanh lĩnh vực khí gas, nên đưa ra những chế tài xử phạt thật mạnh, yêu cầu đảm bảo an toàn trong kinh doanh gas hơn là đưa ra những yêu cầu về số lượng như hiện nay.

M.Ngọc

Theo Trí thức trẻ