Nghiên cứu tác động quản trị hành chính công đến tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng thu nhập
Bài viết nghiên cứu mối quan hệ giữa hiệu quả quản trị hành chính công, tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng thu nhập trong phạm vi quốc gia của Việt Nam giai đoạn 2006-2015. Kết quả cho thấy, hiệu quả quản trị hành chính công càng cao sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và làm giảm bất bình đẳng giữa các tỉnh, thành phố. Ở chiều hướng khác, tăng trưởng kinh tế có thể nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công nhưng lại làm tăng sự bất bình đẳng giữa các địa phương với nhau.
Cơ sở lý thuyết và nghiên cứu trước đây
Nghiên cứu này dựa trên cơ sở lý thuyết Kuznets (1955) để xét mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng thu nhập. Giả thuyết Kuznet cho rằng, bất bình đẳng gia tăng cùng với sự gia tăng của mức thu nhập. Sự gia tăng thu nhập này đạt đến một mức độ nào đó sẽ làm giảm bất bình đẳng.
Elisa Valeriani và Sara Peluso (2011) cho rằng, chất lượng quản lý hành chính công có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế và làm giảm khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa các địa phương. Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, bất bình đẳng thu nhập trong khu vực và hiệu quả quản trị hành chính công, thường được xem xét riêng lẻ.
Thực tế cho thấy, ở các nước phát triển, hiệu quả quản trị cao thì tăng trưởng kinh tế làm giảm bất bình đẳng thu nhập (Gil et al .2014, Lessmann, 2009) và làm gia tăng bất bình đẳng ở các quốc gia đang phát triển (Rodriguez-Pose and Ezcurra 2010, Lessmann 2012); Hiệu quả quản trị hành chính công nâng cao làm giảm bất bình đẳng thu nhập (Andreas P.Kyriacou, 2013).
Mô hình và phương pháp nghiên cứu
Mô hình nghiên cứu: Nghiên cứu đo lường mối quan hệ tác động đồng thời giữa hiệu quả quản trị hành chính công - tăng trưởng kinh tế - bất bình đẳng ở các tỉnh/thành phố trên cả nước thông qua 2 bộ dữ liệu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và bộ dữ liệu chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển – Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.
Đầu tiên, bộ dữ liệu PCI được sử dụng để đo lường mối quan hệ đồng thời giữa ba thành phần trên. Tiếp đến, kết quả ước lượng sẽ được kiểm chứng trên bộ dữ liệu PAPI để đảm bảo được tính thống nhất trong kết quả ước lượng.
Mối quan hệ đồng thời giữa hiệu quả quản trị hành chính công - tăng trưởng kinh tế – bất bình đẳng, được thể hiện qua hệ phương trình đồng thời (SEM) có dạng tổng quát như sau:
Trong đó:
- Các chỉ số dưới i đại diện cho các tỉnh/thành phố, t là thời gian.
- GR là biến đại diện cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh i ở thời điểm t.
- RI là biến bất bình đẳng vùng, được đại diện bởi chỉ số PW_CV (Cowell,1999)
- GQ là hiệu quả quản trị hành chính công, được đại diện bởi chỉ số tính minh bạch và kiểm soát tham nhũng ở bộ dữ liệu PAPI; hoặc được đại diện bởi tính kém minh bạch và chỉ số tham nhũng ở bộ dữ liệu PCI.
- X là tập hợp các biến kiểm soát được đưa vào các phương trình dựa trên các lý thuyết tăng trưởng kinh tế.
- u1, u2, u3 là thành phần sai số của các phương trình trong hệ thống có tương quan đồng thời với nhau.
Dữ liệu nghiên cứu: Dữ liệu sử dụng trong nghiên cứu được tổng hợp từ 3 nguồn chính gồm: (i) Dữ liệu các chỉ số vĩ mô giai đoạn 2006 - 2015 của Tổng cục Thống kê; (ii) Dữ liệu năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong giai đoạn 2006 – 2015 của VCCI; (iii) Dữ liệu về chỉ số PAPI trong giai đoạn 2011 – 2015 của CECODES và UNDP tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, nghiên cứu còn sử dụng các chỉ số tổng hợp cấp quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) như tỷ giá công bố chính thức, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và GDP của Việt Nam.
Trong nghiên cứu, hiệu quả quản trị hành chính công được đánh giá và so sánh thông qua hai bộ dữ liệu PCI và PAPI. Trong mỗi bộ dữ liệu, hiệu quả quản trị hành chính công được đại diện bởi 2biến là tính minh bạch và tham nhũng, tuy nhiên, ý nghĩa của các chỉ số ở 2 bộ dữ liệu có sự tương phản nhau. Cụ thể:
Với Bộ dữ liệu PAPI, tính minh bạch được thể hiện qua ý kiến đánh giá của người dân về tính công khai, minh bạch (PAPIT) trong tiếp cận các dịch vụ công cấp tỉnh. Chỉ số minh bạch càng cao càng cho thấy sự công nhận của người dân về hiệu quả quản trị hành chính công càng tốt. Biến tham nhũng trong bộ dữ liệu này được thể hiện qua cảm nhận của người dân về khả năng kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (PAPIC).
Ngược lại, ở bộ dữ liệu PCI thì biến minh bạch được đánh giá qua cảm nhận của doanh nghiệp về tính kém minh bạch (PCIT) trong việc tiếp cận các tài liệu pháp lý, chẳng hạn như cần có mối quan hệ để có các tài liệu hoặc rất quan trọng.
Và biến tham nhũng (PCIC) được thể hiện qua các khoản chi phí không chính thức như các doanh nghiệp cùng ngành thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức. Đối với bộ dữ liệu PCI thì biến minh bạch và tham nhũng với ý nghĩa là kém minh bạch và tham nhũng càng lớn càng cho thấy hiệu quả quản trị hành chính công càng kém.
Kết quả thống kê mô tả cho các biến trong mô hình được tổng hợp, tại Bảng 1 cho thấy, dữ liệu bảng thu thập là hoàn toàn cân bằng với số quan sát tối đa là 630 quan sát cho 63 tỉnh/thành phố trong thời gian khảo sát 10 năm từ năm 2006 đến năm 2015.
Trên thang điểm tối đa là 10 cho mỗi mục đánh giá nên chỉ số tổng hợp của các biến đại diện cho hiệu quả quản trị hành chính công trong hai bộ dữ liệu sẽ có giá trị trong khoảng từ 0 đến 10.
Trong bộ dữ liệu khảo sát, tính minh bạch và chống tham nhũng ở bộ dữ liệu PAPI nằm ở mức trên trung bình tương ứng là 5,94 và 5,69 trên 10. Ở bộ dữ liệu PCI thì tính kém minh bạch và tham nhũng là khá tiêu cực khi giá trị của hai biến này lần lượt là 5,84 và 6,20 với khoảng giao động khá rộng từ lân cận 2 đến 9.
Phương pháp ước lượng: Với đặc điểm biến phụ thuộc của phương trình hồi quy này lần lượt là biến giải thích cho 2 phương trình còn lại trong hệ thống 3 phương trình đồng thời (gọi tắt là hệ thống SEM).
Điều này cho thấy, có sự tương tác lẫn nhau tiềm ẩn giữa các biến cần nghiên cứu trong mô hình. Các biến này lần lượt được xem là các biến nội sinh trong mỗi phương trình mà nó đóng vai trò là các biến giải thích, từ đó dẫn đến khả năng các phần dư của mỗi phương trình có tương quan lẫn nhau.
Do vậy, cần thiết phải áp dụng một phương pháp ước lượng có thể xem xét tác động tương hỗ lẫn nhau để tránh các vấn đề thiên chệch trong quá trình phân tích.
Ngoài ra, trong trường hợp phương sai phần dư của các phương trình không đồng nhất giữa các tỉnh hay nói cách khác hệ thống tồn tại phương sai thay đổi thì cần xét đến vấn đề này trong SEM.
Trong hệ thống SEM, các vấn đề này có thể được thực hiện bằng ước lượng GMM theo 2 cách, đó là ước lượng hồi quy 3 bước (3SLS-GMM) và ước lượng GMM-HAC để khắc phục vấn đề phương sai thay đổi và tương quan đồng thời của các phần dư trong hệ thống (Andreas et. al, 2015).
Kết quả nghiên cứu
Kết quả ước lượng theo phương pháp 3SLS-GMM và GMM-HAC trong trường hợp sử dụng bộ dữ liệu PCI với 2 biến đại diện cho hiệu quả quản trị hành chính công là PCIC và PCIT được thể hiện ở Bảng 2 và Bảng 3; Kết quả đối chứng trên bộ dữ liệu PAPI với 2 biến đại diện cho hiệu quả quản trị hành chính công là PAPIC và PAPIT được thể hiện ở Bảng 4 và Bảng 5.
Các kết quả cho thấy, tồn tại mối quan hệ 2 chiều giữa tăng trưởng kinh tế – bất bình đẳng vùng và hiệu quả quản trị hành chính công. Theo đó, trong điều kiện các yếu tố khác không thay đổi thì hiệu quả quản trị hành chính công có tác động tích cực bất bình đẳng vùng và tăng trưởng kinh tế.
Hiệu quả quản trị hành chính công càng cao sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và làm giảm bất bình đẳng giữa các tỉnh. Ở chiều hướng khác, tăng trưởng kinh tế có thể cải thiện hiệu quả quản trị hành chính công nhưng lại làm tăng sự bất bình đẳng giữa các tỉnh.
Kết quả ở mỗi bộ dữ liệu có sự khác nhau về cách diễn, tuy nhiên, lại thống nhất nhau về mặt ý nghĩa. Cụ thể, kết quả ước lượng với bộ dữ liệu PCI cho 2 biến đại diện là tính kém minh bạch và chỉ số tham nhũng như sau:
Theo đó, không có sự chênh lệch đáng kể giữa 2 phương pháp 3SLS-GMM và GMM-HAC. Độ phù hợp của mỗi phương pháp ước lượng sẽ được kiểm tra thông qua thống kê J-Hansen. Các biến công cụ được sử dụng là phù hợp ở cả hai phương pháp.
Theo kết quả này, khi chỉ số tham nhũng càng tăng thì càng làm gia tăng bất bình đẳng và làm giảm thu nhập bình quân đầu người. Điều đó có ý nghĩa, tham nhũng có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng.
Trong giai đoạn phát triển kinh tế với thu nhập bình quân đầu người tăng thì bất bình đẳng sẽ tăng theo nhưng làm giảm tham nhũng. Nói cách khác, tăng trưởng kinh tế sẽ cải thiện hiệu quả quản trị hành chính công, đồng thời, gia tăng bất bình đẳng trong thu nhập bình quân đầu người giữa các tỉnh. Ở khía cạnh khác, bất bình đẳng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời cũng gia tăng sự tham nhũng.
Tương tự tiêu chí tham nhũng, tiêu chí kém minh bạch thông tin cũng có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng, tuy nhiên, với mức độ ảnh hưởng mạnh hơn.
Mô hình thỏa mãn sự phù hợp thông qua kiểm định J-Hansen, cũng như cho các các kết quả tương tự tiêu chí tham nhũng về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế – bất bình đẳng và hiệu quả quản trị hành chính công.
Sự phù hợp của kết quả về mối quan hệ đồng thời giữa giữa tăng trưởng kinh tế – bất bình đẳng và hiệu quả quản trị hành chính công ở bộ dữ liệu PCI được kiểm chứng thông qua bộ dữ liệu PAPI trong giai đoạn 2011 – 2015 ứng với 2 chỉ số kiểm soát tham nhũng và tính minh bạch đại diện cho hiệu quả quản trị hành chính công lần lượt là PAPIC và PAPIT.
Tóm lại, từ kết quả ước lượng cho thấy, tồn tại mối quan hệ đồng thời giữa tăng trưởng kinh tế – bất bình đẳng và hiệu quả quản trị hành chính công. Như vậy, hiệu quả quản trị hành chính công được nâng cao sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm bất bình đẳng về thu nhập giữa các tỉnh.
Ở chiều ngược lại, tăng trưởng kinh tế lại thúc đẩy cải thiện hiệu quả quản trị hành chính công nhưng có sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và gia tăng bất bình đẳng. Đồng thời, bất bình đẳng tồn tại sẽ làm giảm động lực cải thiện hiệu quả quản trị hành chính công.
Tài liệu tham khảo:
1. Kuznets, S (1955), Economic growth and income inequality.The American Economic Review., Vol.XLV, 1955;
2. Kyriacou, A.P., Muinelo-Gallo, L. and Roca-Sagalés, O., 2015. Regional inequalities, fiscal decentralization and government quality: empirical evidence from simultaneous equations (No. 1501). GEN-Governance and Economics research Network, Universidade de Vigo;
3. Baum, C. F. 2006. An Introduction to Modern Econometrics Using Stata. College Station, TX: Stata Press;
4. Davidson, R., and J. G. MacKinnon. 1993. Estimation and Inference in Econometrics. New York: Oxford University Press;
5. Zellner, A., and H. Theil. 1962. Three stage least squares: Simultaneous estimate of simultaneous equations. Econometrica 29: 54–78.
THS. NGUYỄN THANH HÙNG, ĐẠI HỌC THỦ DẦU MỘT