“Nghiện quản lí”… khiến nền kinh tế không phát huy được hiệu quả
Nói về chính sách cạnh tranh của nền kinh tế trong "Diễn đàn Chính sách cạnh tranh quốc gia" diễn ra tại Hà Nội sáng nay 3/10, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế, VCCI cho rằng xu hướng “thích” quản lý, “nghiện” quản lý của cơ quan quản lí nhà nước đang khiến nền kinh tế không phát huy được hiệu quả.
“Xu hướng quản lý của Việt Nam là “thích” quản lý, “nghiện” quản lý. Điều này làm cho hoạt động cạnh tranh của nền kinh tế không phát huy hiệu quả. Xưa nay nhiều cơ quan Nhà nước luôn cho quản lý của họ là tốt, nhưng đánh giá lại thì người ta lại thấy quản lý Nhà nước đang tạo ra sự đắt đỏ, kém cạnh tranh. Xu hướng các cơ quan Nhà nước đang “thích” quản lý, “nghiện” quản lý hơn là cởi bỏ, là cạnh tranh. Chúng ta đang chứng kiến một xu hướng là có hiệu ứng ngược trong nền kinh tế là sự tăng cường quản lý”, ông Tuấn nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Cung,Viện Trưởng Viện nghiên cứu và quản lí kinh tế Trung ương cho rằng tâm lí sợ cạnh tranh đang có trong tư duy quản lý nhà nước của nhiều bộ ngành.
“Trong tư duy quản lý của nhiều bộ ngành, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hiện nay vẫn sợ cạnh tranh, lo cạnh tranh nhiều quá”, ông Cung nói. Theo quan điểm của TS Nguyễn Đình Cung: "Cạnh tranh là linh hồn của nền kinh tế thị trường, nếu không có cạnh tranh thì không thể có kinh tế thị trường. Nếu nền kinh tế có quy mô càng lớn, cạnh tranh công bằng thì càng thể hiện cấp độ phát triển của thị trường. Đối với DN, cạnh tranh là động lực cho những người tham gia thị trường, giúp người tiêu dùng lựa chọn phương án tốt nhất cho sản phẩm. Cạnh tranh là động lực giúp đạt được hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực, thúc đẩy, đạt được hiệu quả các nguồn lực đó".
Điều này không những khiến nền kinh tế kém hiệu lực, hiệu quả mà còn khiến đất nước hao mòn nguồn lực, tiềm năng quốc gia. Về văn hoá nó làm đảo lộn hết, anh làm tốt không được thúc đẩy, anh làm không tốt cũng không bị đào thải...”, ông Cung nói và phân tích.
Về vấn đề cải cách sắp xếp đổi mới DN nhà nước, Viện trưởng CIEM cho rằng, chúng ta buộc DN phải hoạt động theo cơ chế thị trường, muốn vậy phải xóa bỏ phân biệt đối xử, những đặc lợi đặc quyền, đồng thời mở ra khuôn khổ để các họ tự chủ trong kinh doanh.
“Thị trường hiện thiếu cạnh tranh nên quản lý Nhà nước mất đi vai trò phân bổ nguồn lực mà hiện chủ yếu xin cho nên tạo ra sân sau sân trước, làm cho nền kinh tế kém hiệu quản và kém năng lực cạnh tranh.
Rất nhiều Nghị quyết, chính sách đưa ra yêu cầu bộ, ngành phải cải cách thể chế kinh tế, phân bổ nguồn lực theo thị trường... Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều rào cản ngăn sự phát triển và cản trở tự do cạnh tranh”, ông Cung nói.
"Dường như Việt Nam cải cách nói thì dễ nhưng làm thì ít và khó, ban hành rào cản kinh doanh rất dễ nhưng loại bỏ rất khó. Chúng tôi kiến nghị cần xây dựng cơ chế quản lý Nhà nước theo kiểu: "Cơ quan quản lý" thì "không được chủ trì cấp phép" các điều kiện kinh doanh để loại bỏ đặc quyền, đặc lợi người ra chính sách", ông Đậu Anh Tuấn nói.