The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Nhiều chính sách thuế đã được cải cách

Cải thiện môi trường kinh doanh là mục tiêu mà Chính phủ đang quyết tâm thực hiện. Theo đánh giá tại Hội thảo Cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách thuế do Tổng cục Thuế phối hợp với Cơ quan Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức sáng 21.6, nhiều ý kiến cho rằng, môi trường kinh doanh của Việt Nam dù đã được cải thiện nhưng thứ bậc vẫn còn thấp, dù đã có nhiều cải cách từ chính sách thuế nhưng người nộp thuế vẫn còn gặp khó khăn trong thực hiện tuân thủ pháp luật.

Dù đã có nhiều cải cách…

Trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi phải nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt. Nhằm đáp ứng được yêu cầu này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Cải cách và hiện đại hóa hệ thống thuế giai đoạn 2011- 2020.

Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014- 2015, 2016 đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với mục tiêu cuối năm 2015 bằng bình quân các nước ASEAN 6, cuối năm 2016 bằng bình quân các mước ASEAN 4. Đến cuối năm 2020 bằng các nước ASEAN 3 (Singapore, Malaysia, Thái Lan).

Bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng – Phó trưởng ban Ban Cải cách và Hiện đại hóa-Tổng Cục Thuế

Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành các nghị quyết: 36a/NQ-CP ngày 14.10.2015 về Chính phủ điện tử, Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16.5.2016 về hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Nhìn chung, các Nghị quyết của Chính phủ nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan Chính phủ, tạo thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.

Theo Bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó vụ trưởng – Phó trưởng ban Ban Cải cách và hiện đại hóa – Tổng cục Thuế cho rằng, trong 2 năm 2014, 2015, Tổng cục Thuế đã rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy về chính sách thuế, quản lý thuế. Theo đó, đơn giản mẫu biểu, tờ khai thuế GTGT; bỏ quy định doanh nghiệp phải gửi các bảng kê hóa đơn hàng hóa dịch vụ mua vào bán ra cho cơ quan thuế; nâng mức kê khai doanh thu khai thuế GTGT theo quý từ 20 tỷ lên 50 tỷ đồng/năm; bỏ khai tạm tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhờ nỗ lực trong cải cách các chính sách thuế, đã giảm được 290 giờ, giảm được 4 lần khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính quý.

Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhiều văn bản pháp quy về chính sách thuế và quản lý thuế cũng được sửa đổi. Theo đó, bỏ quy định khống chế đối với phần chi vượt quá 15% tổng số chi được trừ đối với 12 khoản mục chi phí như chi quảng cáo, tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí, chi cho, biếu tặng hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng.

Thống nhất thời điểm ghi nhận doanh thu cho mục đích thuế với các chuẩn mực kế toán đối với dịch vụ. Bỏ quy định doanh nghiệp phải tự xây dựng mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa sử dụng. Đơn giản hoá cách viết, sử dụng hóa đơn, bỏ quy định cơ quan thuế xác định số lượng hóa đơn đăng ký của doanh nghiệp.

Đánh giá về những cải cách của các chính sách thuế, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết, gần như 100% người nộp thuế là doanh nghiệp được khảo sát đều đánh giá cao sự nỗ lực của nhà nước và cụ thể là ngành thuế trong thực hiện cải cách cả về hệ thống chính sách thuế và quản lý hành chính thuế. Trong đó, bà Cúc đặc biệt nhấn mạnh về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế như sử dụng mã số thuế thống nhất; khai nộp thuế điện tử và hệ thống hỗ trợ kê khai. Cùng với đó quy trình kê khai, nộp, quản lý thuế cũng đã có những cải cách nhất định với việc cắt bỏ, giảm thiểu các bảng kê, hồ sơ biểu mẫu không cần thiết; các thông tin đã được lưu giữ tại các cơ sở dữ liệu của ngành thuế. Ngoài ra, văn hóa ứng xử và phong cách phục vụ của cán bộ công chức thuế đã chuyển biến theo chiều hướng tích cực, văn minh, lịch sự và tiến đến cùng đồng hành với người nộp thuế.

Ảnh: Hà An

Người nộp thuế gặp khó khăn trong thực hiện tuân thủ pháp luật

Không thể phủ nhận rằng những nỗ lực từ phía Chính phủ và các bộ, ngành trong việc hạn chế những thủ tục không cần thiết để bảo đảm thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, vẫn còn những vướng mắc trong đó người nộp thuế vẫn gặp khó khăn trong tuân thủ pháp luật.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam

Về vấn đề này, bà Cúc chỉ ra rằng, do một số địa phương muốn thu hút đầu tư về địa phương mình, đưa ra các ưu đãi không đúng so với các văn bản quy phạm pháp luật chính thống, có sự khác biệt quan điểm giữa Trung ương và địa phương, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tính toán hiệu quả đầu tư, ưu đãi thuế.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được tiếp cận kịp thời các nội dung sửa đổi của chính sách thuế có lợi cho doanh nghiệp như chi trực tiếp phúc lợi cho người lao động được hạch toán vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Chính sách đổi mới nhanh, cơ sở hạ tầng truyền thông, cơ sở dữ liệu chưa đổi mới đáp ứng kịp thời nên lỗi trong thực thi ví dụ như phần mềm hỗ trợ kê khai, quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Một số quy định về chế độ hóa đơn chứng từ hiện hành còn nhiều bất cập, chưa theo sát luồng tiền hàng. Mặc dù, Tổng cục Thuế đã có văn bản tháo gỡ vướng mắc nhưng không được xử lý đồng bộ, thống nhất giữa các đơn vị, địa phương. Mặt khác, quy định mức thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm tăng cường quản lý, song không gắn với hàng hóa nên dẫn đến tình trạng mua bán hóa đơn chứng từ, gian lận thuế các bên mua bán khó kiểm soát.

Tính đến 31.12.2014 có tới 97% doanh nghiệp khai thuế điện tử. Đến ngày 31.12.2015, có tới 98,95% doanh nghiệp khai thuế điện tử. Đối với triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử, tính đến ngày 31.12.2015 có khoảng 92% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử. Kết quả, số giờ nộp thuế giảm được 10 giờ.

Công tác thanh tra, kiểm tra theo tiêu thức quản lý rủi ro là khoa học và hướng đến minh bạch, tuy nhiên, tiêu chí chưa cụ thể nên trong thực thi còn gặp khó khăn cho cả cán bộ, công chức thuế và người nộp thuế. Mặc dù, nghị quyết 19 năm 2015 giao Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ ban hành quy chế thanh tra tại doanh nghiệp theo nguyên tắc không chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra, cho phép sử dụng kết quả thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong công tác quản lý thuế, hoàn thuế. Quy định là vậy, nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa có hướng dẫn, chưa có quy định cho phép sử dụng kết quả thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong công tác quản lý thuế, hoàn thuế. Điều này dẫn đến sự chồng chéo trong thanh, kiểm tra, bà Cúc nhấn mạnh.

Hà An