The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Nhiều doanh nghiệp chi phí không chính thức hơn 10% doanh thu

9% - 11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ 2014 - 2016 cho biết các khoản chi phí không chính thức chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ...Chi phí không chính thức giai đoạn 2014 - 2016 chưa có dấu hiệu cải thiện, báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 nêu nhận định.

Lễ công bố báo cáo này được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức sáng 14/3 tại Hà Nội.

Kết quả điều tra PCI nhiều năm qua đã khẳng định một môi trường kinh doanh thiếu năng lực sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho việc nhũng nhiễu, tham nhũng.
Và, chi phí không chính thức giai đoạn 2014 - 2016 chưa có dấu hiệu cải thiện, các chỉ tiêu đo lường ở giai đoạn này dường như diễn biến tiêu cực hơn so với giai đoạn 2008 - 2013.
Trung bình có khoảng 66% doanh nghiệp tỉnh trung vị phải "móc hầu bao" cho các khoản không chính thức, cao hơn 12 - 15 điểm phần trăm so với giai đoạn 2008 - 2013.
Đáng chú ý 9% - 11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ 2014 - 2016 cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6 - 8% giai đoạn 5 năm trước đó.
Với số doanh nghiệp tham gia điều tra mỗi năm lên đến khoảng trên dưới 10 ngàn thì con số doanh nghiệp phải móc hầu bao trên 10% tổng doanh thu lên đến hàng ngàn.
Tại lễ công bố, giáo sư Edmund Malesky (Đại học Duke, Hoa Kỳ - Trưởng nhóm nghiên cứu PCI) so sánh, phải chịu nạn tham nhũng vặt, chi phí không chính thức có xu hướng tăng với doanh nghiệp dân doanh Việt Nam nhưng với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lại có xu hướng giảm.
Khi nhóm nghiên cứu nêu câu hỏi tham nhũng có mang tính hệ thống hay không thì 45% doanh nghiệp FDI cho biết đã trả chi phí không chính thức. Nhiều doanh nghiệp nói đây là luật bất thành văn, không làm cũng không được, vị chuyên gia "ngoại" nói.
Giáo sư Edmund Malesky đặc biệt lưu ý khi gần 80% doanh nghiệp được hỏi nói rằng họ trả chi phí không chính thức để tạo mỗi quan hệ với cán bộ thanh tra, kiểm tra. Nếu để việc này trở thành một phần văn hoá kinh doanh thì rất khó xoá bỏ.
Vẫn theo báo cáo, doanh nghiệp cho rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến. Chỉ tiêu này dù được cải thiện trong hai năm qua (giảm từ 65% năm 2013 - 2014 xuống từ còn 58% năm 2016 nhưng cao hơn hẳn kết quả điều tra các năm trước đó (2006 - 2012).
Bên cạnh chi phí không chính thức, đứng đầu xu hướng đáng quan ngại được chỉ ra tại báo cáo là tính minh bạch.
Quan sát dữ liệu theo chuỗi thời gian cho thấy, các nỗ lực tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho doanh nghiệp đang có xu hướng chững lại.
Với thang điểm 1 là không thể tiếp cận còn 5 điểm là dễ dàng tiếp cận, điểm tiếp cận các loại tài liệu về kế hoạch, như ngân sách, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, các chính sách ưu đãi đầu tư...và điểm tiếp cận các tài liệu pháp lý của các doanh nghiệp ở tỉnh trung vị năm nay, lần lượt là 2,39 và 3,10 điểm đã thấp hơn mức khởi điểm điều tra PCI năm 2006 (lần lượt là 2,63 và 3,15 điểm).
Đáng quan ngại là mối quan hệ cá nhân với công chức nhà nước tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong khả năng tiếp cận các thông tin, tài liệu quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Năm 2016, có đến 66% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị cho biết phải sử dụng các mối quan hệ để tiếp cận thông tin, cao hơn 16 điểm phần trăm so với mốc thấp lịch sử năm 2008. Lưu ý rằng mức biến động của chỉ tiêu này tương đối mạnh, trồi sụt theo thời gian và chưa có xu hướng cải thiện ổn định, bền vững, báo cáo nêu rõ.
Vẫn nằm trong các chỉ số cần cải thiện là chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính. Khi mà liên tục trong 3 năm qua, 2014-2016, tại tỉnh trung vị, cứ 3 doanh nghiệp thì 1 doanh nghiệp (tương ứng tỉ lệ khoảng 35%) phải dành trên 10% quỹ thời gian của mình để thực hiện thủ tục hành chính.
Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng đây là một tỉ lệ cao kỷ lục trong khảo sát PCI. Trước đây, tỉ lệ này chỉ khoảng 1/5, hoặc đôi khi 1/10 (năm 2011).
Cũng đáng lưu ý là số lần thanh, kiểm tra hàng năm đối với doanh nghiệp tư nhân, tính bằng con số trung vị, tiếp tục là 1 lần, trong khi thời gian trung bình cho mỗi cuộc thanh, kiểm tra thuế năm 2016 đã tăng trở lại mức của giai đoạn 2013-2014 và 2006-2008 là 8 giờ.
Nhiều giấy tờ thủ tục hơn, phải đi lại nhiều lần hơn, hiệu quả làm việc của cán bộ công chức thấp hơn, các thủ tục hành chính trên suốt chặng đường hoạt động của doanh nghiệp dường như chưa bao giờ thôi là “gánh nặng” đối với họ, nhóm nghiên cứu nhìn nhận.
Khó khăn không mới là tiếp cận đất đai bắt đầu giảm sau khi liên tục tăng trong suốt giai đoạn 2008-2013. Năm 2016, tình hình sử dụng đất theo đánh giá của doanh nghiệp trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.
Các doanh nghiệp tham gia điều tra năm này cho rằng rủi ro bị thu hồi đất của họ ở mức cao kỉ lục (1,73 điểm). Trong trường hợp xấu nhất nếu bị thu hồi, chỉ 25% doanh nghiệp tin tưởng sẽ được đền bù thỏa đáng, giảm mạnh so với các năm trước (30-40%).
Nguyên Vũ