Tuy nhiên, số doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh dẫn đến giải thể, thu hồi và tạm ngừng hoạt động cũng chiếm khá cao. Trong 9 tháng đã có hơn 200 doanh nghiệp phải giải thể, thu hồi và tạm ngưng hoạt động, chiếm hơn 68% số doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại.
Theo Bí thư Tỉnh uỷ Trà Vinh Trần Trí Dũng, công tác quản lý Nhà nước về doanh nghiệp ở Trà Vinh còn nhiều hạn chế. Việc phát triển doanh nghiệp chưa đi đôi với củng cố, nâng chất lượng doanh nghiệp và khởi nghiệp doanh nghiệp. Do vậy, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Các đơn vị tăng cường trách nhiệm, phối hợp trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và khởi nghiệp.
Tỉnh uỷ Trà Vinh cũng vừa xây dựng Chương trình hành động với 5 nhóm giải pháp, nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW Hội Nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tỉnh Trà Vinh hiện có 1.924 doanh nghiệp, 1.198 đơn vị phụ thuộc với tổng số vốn gần 25.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 1.200 lao động; trong đó, hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thời gian qua, đa phần các doanh nghiệp trên địa bàn còn hạn chế về vốn, khoa học công nghệ, năng lực cạnh tranh, thị trường… nên hiệu quả hoạt động chưa cao./.