Nhịp trống cải cách đang giục các tỉnh ĐBSCL
Cho dù có nhiều lợi thế về tài nguyên, nhân lực và quyết tâm của chính quyền, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn đang dần tụt hậu. Họ đang cần một nhịp trống để tăng tốc cải cách, theo các đại biểu tham dự hội nghị ngày 9-5, tại Đồng Tháp.
Từ chuyện của Đồng Tháp
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương khẳng định rõ cam kết của chính quyền tỉnh: “Đồng Tháp quyết định giảm 30% số buổi họp để lãnh đạo ngành, địa phương có thời gian đi cơ sở, vận dụng linh hoạt những chính sách chưa rõ ràng theo hướng có lợi cho doanh nghiệp (DN). Tinh thần của Đảng bộ, chính quyền tỉnh là quyết tâm không để bất kỳ DN nào phải thất bại khi đầu tư trên địa bàn tỉnh do nguyên nhân chủ quan từ phía các cơ quan công quyền. Theo đó, chính quyền luôn cố gắng lắng nghe, thấu hiểu, đáp ứng nhu cầu chính đáng của DN, mạnh dạn áp dụng những đề xuất hợp lý của nhà đầu tư, DN trong xây dựng và thực thi chính sách."
Ông Dương khẳng định như trên tại hội thảo về nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Đồng bằng sông Cửu Long để phát triển doanh nghiệp do tỉnh Đồng Tháp và VCCI tổ chức tại Đồng Tháp ngày hôm nay 9-5, thu hút sự tham gia của hầu hết các tỉnh trong khu vực.
Nỗ lực của Đồng Tháp là đáng ghi nhận khi xếp hạng thứ 2 về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tức “rất tốt”, trong tổng số 63 tỉnh thành trong bảng xếp hạng PCI2015 của VCCI, và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt ca ngợi trong hội nghị với doanh nghiệp ngày 29-4 vừa qua tại TP.HCM. Lãnh đạo cao nhất của tỉnh hiện nay thu xếp thời gian uống cà phê hàng ngày với doanh nghiệp, thay vì hàng tuần trước đây, để lắng nghe, và giải đáp những khó khăn của họ.
Mặc dù vậy, những doanh nghiệp tư nhân vẫn còn đối mặt không ít khó khăn ở tỉnh nổi bật nhất trong khu vực.
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Ban Pháp chế VCCI, cho biết vẫn có tới 12% DN trong điều tra PCI2015 của VCCI phải vay tín dụng đen, cao gấp đôi so với tỷ lệ trung bình của cả nước là 6%. Các doanh nghiệp này phải vay mức lãi suất trung bình hàng năm là 41%, cao hơn nhiều so với 8% từ ngân hàng. “Có những doanh nghiệp phải vay với mức lãi tới 100%, thậm chí tới 120%. Không ai có thể phát triển hay kinh doanh được với mức lãi như vậy”, ông Thạch nói.
Ông cho biết, tỷ lệ DN tại Đồng Tháp vay vốn ngân hàng năm 2015 là 49%, thấp hơn so với 53% trung bình cả nước với thời hạn vay chỉ là 6 tháng; 89% vay phải có thế chấp.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Tháp, cả tỉnh hiện có 2.800 doanh nghiệp đang hoạt động. Tuy nhiên, họ chỉ chiếm hơn 10% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, và nộp vỏn vẹn hơn 8% cho ngân sách của tỉnh, đều là những tỷ lệ rất thấp.
Thiếu tiền, thừa nhân lực
Câu chuyện về tình hình doanh nghiệp chưa tương xứng với nỗ lực của chính quyền ở tỉnh Đồng Tháp là bức tranh chung của 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.
Cả khu vực có hơn 53.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại 13 tỉnh đang chiếm 50% sản lượng nông nghiệp toàn quốc.
Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, các kết quả hoạt động của khu vực dân doanh trong khu vực này là thấp nhất so với các khu vực khác; chẳng hạn, quy mô đầu tư trung bình của DN chỉ là 13 tỉ đồng, quy mô lao động trung bình chỉ là 25 người.
Theo ông Tuấn, khu vực này có 10,5 triệu lao động, tuy nhiên tỷ suất di cư của cả khu vực là 6,4%, là mức cao nhất trong cả nước. Cứ 607 người dân ở ĐBSCL mới có một doanh nghiệp, trong khi tỷ lệ cả nước là 243 người.
“Điều này cho thấy người dân thiếu việc làm trầm trọng ngay trong khu vực. Tình trạng xe kẹt cứng tại các cửa ngõ TPHCM các dịp nghỉ lễ cho thấy điều này”, ông Tuấn nói.
Sóng mở cửa còn phía trước
Hầu hết các doanh nghiệp trong khu vực có hiểu biết rất hạn chế về quá trình hội nhập sâu rộng chưa từng có của đất nước.
Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, với Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương TPP, gần 50% DN không quan tâm nhiều, 25% DN nói rằng lần đầu biết, và chỉ có 4% DN thực sự quan tâm.
Với các hiệp định Việt Nam – EU, Cộng đồng kinh tế ASEAN, chỉ có 1-2% doanh nghiệp trong khu vực cho biết đã tìm hiểu kỹ, một tỷ lệ rất thấp. Phần lớn còn lại trả lời không biết gì, lần đầu tiên nghe nói, hay chỉ biết sơ sơ.
Trong giai đoạn 1988-2014, tổng số dự án FDI chỉ là 979, bằng 5,55% so với cả nước, và có vốn đăng ký 12,2 tỉ đô la Mỹ, bằng 4,8% của cả nước.
Ông Tuấn nói: “Khi mở cửa hội nhập nhiều tỉnh sẽ được hưởng lợi nhưng nhiều tỉnh lại phải… hít bụi và ĐBSCL đang đối mặt với nguy cơ đó”.
Đại diện tỉnh Cần Thơ cho rằng nỗ lực cải cách hành chính của các tỉnh trong vùng là không đủ để thu hút đầu tư.
“Từ Cần Thơ đi TPHCM mất đến 4 giờ đồng hồ, hôm nào kẹt xe thì mất cả ngày. Chúng tôi cố gắng như thế nào, khi mà cơ sở hạ tầng đường sá không thuận lợi thì nhà đầu tư làm sao đến được”, ông nói.
Ông Tuấn của VCCI nhận xét, hàng loạt các vấn đề như biến đổi khí hậu, các con đập trên thượng nguồn sông Mekong, hạn mặn, hội nhập quốc tế, tình trạng di cư,... đang thách thức sự phát triển của khu vực này.
Ông nói: “Nhịp trống cải cách đang thúc giục tất cả chúng ta. Doanh nghiệp hy vọng vào các lãnh đạo trong khu vực”.
Giám đốc VCCI Cần Thơ Võ Hùng Dũng nói thêm: “Nếu không tiếp tục cải cách, chúng ta khó tạo công ăn việc làm cho người dân”.
Tư Giang