The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Những chuyển biến tích cực trong hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp

Hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang có bước chuyển biến tích cực, với sự ra đời của nhiều DN mới cũng như các thông số liên quan như: quy mô về vốn, lao động… "Sức khỏe" của DN chính là "sức khỏe" của nền kinh tế, nên từ đó có thể hy vọng vào một kết quả khả quan hơn trong nửa cuối năm kế hoạch 2016, nhất là về khả năng nâng cao tốc độ tăng trưởng GDP.

Những con số ấn tượng

Trong tháng 5, cả nước có 10.019 DN thành lập mới, với số vốn đăng ký là 101 nghìn tỷ đồng, tăng 62,6% so với tháng trước. Số vốn đăng ký bình quân mỗi DN thành lập mới trong tháng đạt 10,1 tỷ đồng, tăng 77,8%. So với cùng kỳ năm trước, số DN thành lập mới trong tháng 5 tăng 28,1%; vốn đăng ký tăng 78,1%. Tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có 44.740 DN đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 349,5 nghìn tỷ đồng, tăng 24,1% về số DN và tăng 59,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Hơn thế, đã có 655,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi vốn, nâng tổng số vốn bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm là hơn 1.005 nghìn tỷ đồng. Số lao động có việc làm tại các DN thành lập mới là 531,9 nghìn người, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, số DN ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm là 12.999 đơn vị, tăng 75,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đó là những con số khá ấn tượng, cho thấy đà hồi phục kinh tế của nước ta trên diện rộng, ngày càng rõ nét. Diễn biến này đang thổi bùng ngọn lửa khởi nghiệp kinh doanh, niềm tin vào thị trường sau hơn 2 năm rơi vào tình thế trầm lắng của cộng đồng DN.

Ở chiều ngược lại, số đơn vị hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 5 tháng đầu năm nay là 4.643 DN, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó phần lớn là những DN quy mô nhỏ, có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm tới 93,5%. Thị trường cũng ghi nhận 28.582 DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, diễn biến đời sống DN cũng mang đặc điểm đan xen, giằng co giữa hai mảng sáng, tối, mặc dù mảng sáng vẫn là chủ đạo, là xu hướng chính của đời sống DN.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, DN thành lập mới hoặc rút khỏi thị trường, nhất là đối với DN dân doanh cần được xem là chuyện bình thường, thuận theo quy luật thị trường. Những đơn vị đủ tiềm năng, có hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nhất là có sức cạnh tranh sẽ tồn tại. Thực tế những tháng qua tỷ lệ DN quy mô nhỏ ngừng hoạt động cho thấy DN ngày càng được chọn lọc để đào thải những đơn vị "đuối sức" trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Đáng lưu ý, hoạt động của các cơ quan quản lý, nhất là Chính phủ đang thể hiện rõ tinh thần vì DN, nhất quán quan điểm DN dân doanh là động lực của nền kinh tế. Có thể nói, chưa bao giờ có nhiều sự kiện, thông tin thể hiện sự quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, hướng tới nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế lên cao như hiện tại. Việc ban hành và yêu cầu triển khai Nghị quyết số 35 của Chính phủ được đánh giá là điểm nhấn, thể hiện tinh thần cải cách quyết liệt của Chính phủ. Cộng đồng DN phấn khởi đón nhận và đồng thuận, với hy vọng giảm, tiến tới xóa bỏ những rào cản, thủ tục rườm rà giúp DN sản xuất kinh doanh ổn định.

Đến nay, hầu hết các địa phương đều xác định rõ mục đích, yêu cầu đồng thời đưa ra những biện pháp khắc phục tồn tại, chủ động cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), coi đây là thước đo quan trọng đánh giá sức cạnh tranh, hơn thế là thước đo để nhà đầu tư xác định có xứng đáng để họ triển khai dự án? Vấn đề là nhất quán mục tiêu đồng hành cùng DN trên cơ sở minh bạch về thông tin, quy hoạch, chính sách và tinh thần cầu thị. Trên thực tế, chăm sóc DN đang trở thành phong trào sâu rộng, lan tỏa khắp toàn quốc, là diễn biến rất đáng khuyến khích.

Về phần mình, DN cũng cần nâng cao nhận thức về quyền lợi và dám đấu tranh với các biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực của cơ quan chức năng, cán bộ, công chức lạm dụng công vụ. Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội đề xuất, cần thường xuyên duy trì các cuộc gặp, với nội dung thiết thực, cụ thể giữa chính quyền và DN để trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình để giải quyết những vướng mắc, rào cản cho DN. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần nghiên cứu áp dụng những tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác của từng bộ phận, đến từng cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ liên quan đến DN. DN cũng phải được biết hồ sơ, các nội dung đề nghị và nhu cầu của mình đang được xử lý đến đâu, có khúc mắc gì không, hoặc cần chỉnh sửa, bổ sung gì nhằm giảm thiểu công sức, chi phí và thời gian...
Hồng Sơn