Những chuyện oái oăm về hộ kinh doanh không muốn trở thành doanh nghiệp
Mục tiêu có được 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 của Chính phủ đang gặp phải nhiều trở ngại. Bên cạnh các chính sách chưa đủ hấp dẫn, những cán bộ trong hệ thống cũng là nguyên nhân kìm hãm nhiều hộ kinh doanh muốn thành lập doanh nghiệp.
Cán bộ “sợ” hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp của Chính phủ đang bị cản trở bởi một số cán bộ. Theo ông Tuấn, nhiều cán bộ huyện cảm thấy bị mất quyền khi hộ kinh doanh đăng ký thành lập doanh nghiệp. Vì lợi ích riêng, họ không muốn có thêm doanh nghiệp từ việc nâng cấp các hộ kinh doanh.
“Cán bộ huyện không muốn hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp. Bởi khi họ đăng ký kinh doanh ở Sở Kế hoạch và Đầu tư, thì quyền quản lý sẽ bị mất” – ông Đậu Anh Tuấn nói.
Không chỉ vậy, cán bộ địa phương cũng sẽ mất “đặc quyền” thỏa thuận tiền thuế với các hộ kinh doanh khi họ trở thành doanh nghiệp. Hiện nay, pháp luật quy định hộ kinh doanh được hưởng chế độ thuế khoán. Việc thuế cao hay thấp, tăng nhanh hay chậm phụ thuộc vào cán bộ thuế địa phương. Mức thuế phụ thuộc vào quan hệ cá nhân giữa cán bộ và chủ hộ kinh doanh. Quan hệ tốt thì thuế thấp, chưa tốt thì cao hơn và không tốt thì còn tăng thêm.
Mở cửa thị trường mua sắm công để kích thích lập doanh nghiệp
Đề cập đến chiều ngược lại, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nhân nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng nhiều hộ kinh doanh không muốn nâng cấp lên thành doanh nghiệp. Theo ông Nam, đang có một bộ phận giới chủ làm ăn lớn nhưng vẫn muốn ẩn mình trong chiếc áo hộ kinh doanh để “né thuế”.
“Một số hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp. Mục tiêu của họ là né thuế. Không thể bàn chuyện được với đối tượng này. Cần phải tạo những động lực cụ thể, biện pháp kinh tế thì họ mới chuyển đổi thành doanh nghiệp” – ông Tô Hoài Nam nói.
Động lực cụ thể mà ông Tô Hoài Nam nhắc đế là sự tiếp cận với thị trường mua sắm chính phủ. Ông Nam kiến nghị nhà nước mở cửa thị trường mua sắm công đối với các doanh nghiệp nhỏ. Qua đây, nhiều hộ kinh doanh có thể bị hấp dẫn và tự nâng cấp thành doanh nghiệp.
Bên cạnh vấn đề tiếp thêm động lực cho các hộ kinh doanh, nhà nước nước cũng cần có chính sách hỗ trợ. Theo ông Nam các hộ kinh doanh cần được hỗ trợ về thủ tục thuế, hướng dẫn cách lập sổ sách kế toán để không mất thời gian làm quen. Cho rằng chính sách hỗ trợ nâng cấp hộ kinh doanh thành doanh nghiệp còn thiếu nhất quán, ông Tô Hoài Nam đề nghị nhà nước nhanh chóng soạn thảo luật cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi lẽ, sự thiếu vắng bộ luật này đã dẫn đến tình trạng thiếu nhất quán trong các chính sách hỗ trợ.
Tuy nhiên, dù luật mới có thông thoáng như thế nào thì yêu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Ông Nam cho rằng cán bộ phải hướng dẫn để hộ kinh doanh tuân thủ đúng pháp luật. Tránh tình trạng hăm dọa hay khủng bố vì những động cơ khác.
Đồng tình với quan điểm này, Trưởng ban pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn chia sẻ rằng có nhiều doanh nghiệp đã ân hận và muốn chuyển đổi về hộ kinh doanh. Doanh nghiệp thường xuyên phải đón tiếp các đoàn thanh tra. Quy mô càng lớn, đón càng nhiều đoàn thanh tra. Theo ông Tuấn, có “xu hướng chối bỏ sự phát triển” khi doanh nghiệp kinh doanh bài bản và phát triển tốt lại bị thanh tra và xử phạt nhiều.
Với vai trò người đồng hành cùng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn cho biết VCCI đã kiến nghị tổng cục thuế. Thời gian tới, Tổng cục thuế sẽ thiết lập chính sách ngăn ngừa rủi ro. Ngành nghề có nguy cơ cao, doanh nghiệp có lịch sử trốn thuế thì sẽ bị kiểm tra nhiều. Ngược lại, cơ quan thuế sẽ ít kiểm tra hơn đối với những doanh nghiệp chân chính.
Theo Trí thức trẻ