Những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ở Tuyên Quang
Từ một tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) rất thấp, nhưng bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và thực hiện các giải pháp đồng bộ, tỉnh Tuyên Quang đã có bước cải thiện thứ tự trong bảng xếp hạng chỉ số PCI và đứng vào tốp giữa các tỉnh khu vực miền núi phía bắc.
Từ một tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) rất thấp, nhưng bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và thực hiện các giải pháp đồng bộ, tỉnh Tuyên Quang đã có bước cải thiện thứ tự trong bảng xếp hạng chỉ số PCI và đứng vào tốp giữa các tỉnh khu vực miền núi phía bắc. |
Đánh giá thực trạng, chỉ rõ nguyên nhân Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; chú trọng cải cách thủ tục hành chính; từng bước xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp... Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.100 doanh nghiệp, chi nhánh trực thuộc công ty nhà nước với số vốn đăng ký gần 10.400 tỷ đồng; hơn 150 chi nhánh, văn phòng đại diện trực thuộc doanh nghiệp. Có 152 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 25.200 tỷ đồng. Một số dự án trọng điểm đã và đang triển khai thực hiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh từng bước được nâng lên.
Tuy nhiên, trước năm 2013, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh chưa thật sự thông thoáng, hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Số doanh nghiệp thành lập hằng năm ít, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, du lịch, dịch vụ. Thu hút đầu tư chưa được nhiều, ít dự án đầu tư có quy mô lớn. Cải cách thủ tục hành chính còn chậm và chưa thật sự hiệu quả; cơ chế phối hợp giải quyết công việc giữa các cơ quan, đơn vị có lúc, có việc còn bất cập, hiệu quả chưa cao.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là do một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan chưa chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong tham mưu giải quyết công việc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư chưa chặt chẽ; hoạt động xúc tiến đầu tư chưa hiệu quả. Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chưa đồng bộ; việc tạo quỹ đất sạch để giao cho dự án còn hạn chế. Năng lực, trình độ, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ thực thi nhiệm vụ ở một số cơ quan, đơn vị chưa tốt.
Chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ Đánh giá và chỉ rõ nguyên nhân, nên từ năm 2014, tỉnh Tuyên Quang đã có những biện pháp tập trung chỉ đạo quyết liệt để cải thiện chỉ số CPI của tỉnh. Tiến hành đồng thời việc hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư mở rộng sản xuất, đăng ký thương hiệu để tạo nên những sản phẩm cạnh tranh, có chất lượng cao; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng nhằm minh bạch hóa việc tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất, bảo đảm cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, hỗ trợ khảo sát địa điểm. Tỉnh Tuyên Quang còn tập trung hoàn thành đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu của Khu công nghiệp Long Bình An và các cụm, điểm công nghiệp; thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư và tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có lợi thế; tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư; xây dựng và ban hành khung giá đất sát với giá thực tế trên thị trường; từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức về thái độ, trình độ, nhận thức và kỹ năng để đáp ứng nhu cầu công việc trong hướng dẫn, xử lý hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân…
Để tạo môi trường gần gũi, thân thiện giữa lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp, tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Chương trình “Cà-phê doanh nhân” và được tiến hành hằng quý hoặc khi cần thiết. Mỗi kỳ đều được lựa chọn một chủ đề riêng liên quan mật thiết đến mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp. Đây chính là dịp để lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chuyên môn của tỉnh và doanh nghiệp tiếp xúc một cách cởi mở, trao đổi thẳng thắn về những vướng mắc nhằm tháo gỡ khó khăn. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Hữu Thập cho biết, thông qua chương trình này đã góp phần không nhỏ cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời, mở ra cách đối thoại trực tiếp và cởi mở giữa chính quyền và doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần làm rõ cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp…
Năm 2015, lãnh đạo tỉnh đã mạnh dạn giao cho Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh xây dựng bộ chỉ số và tiến hành khảo sát ý kiến cảm nhận của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khi giải quyết công việc liên quan đến các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành của tỉnh (DCI). Qua đó, giúp cấp ủy, chính quyền tỉnh và chính các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố kịp thời rút kinh nghiệm và chấn chỉnh cán bộ của mình để công việc được giải quyết nhanh hơn, xử lý những vấn đề thiếu minh bạch.
Tỉnh cũng đã đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ cho thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư trên cơ sở sáp nhập các bộ phận xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch từ các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, để quy hoạt động xúc tiến về một đầu mối và bổ sung thêm chức năng hướng dẫn, tư vấn cho các nhà đầu tư khi thực hiện đầu tư vào tỉnh. Đây là một trong những hoạt động nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục liên quan đến người dân và doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giảm thiểu tối đa thời gian và chi phí không chính thức; nâng cao hiệu quả mô hình "một cửa và một cửa liên thông". Thí điểm thành lập trung tâm hành chính công cấp huyện. Nghiên cứu bổ sung chức năng, nhiệm vụ của trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh, là cơ quan đầu mối giải quyết các thủ tục hành chính của các nhà đầu tư.
Từ những nỗ lực đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014, tỉnh Tuyên Quang tăng được 6,22 điểm so với năm 2013 và là tỉnh có điểm PCI tổng hợp tăng lớn nhất trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Qua đó, đã tăng được 13 bậc lên thứ 50 trong bảng xếp hạng. Năm 2015, chỉ số này tiếp tục được cải thiện và Tuyên Quang đứng thứ 48 trong bảng xếp hạng. Theo phân tích, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hầu hết các chỉ số thành phần năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Tuyên Quang đều có sự tăng điểm, như: Gia nhập thị trường, tính minh bạch, tính năng động của chính quyền, đào tạo lao động, hỗ trợ doanh nghiệp...
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết: Tuyên Quang đã có cách tiếp cận tích cực đối với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua cải thiện chỉ số PCI. Cụ thể, tỉnh Tuyên Quang đã có nghị quyết và chương trình hành động cụ thể để cải thiện chỉ số PCI. Đặc biệt, tỉnh Tuyên Quang có chủ trương giao cho các hiệp hội doanh nghiệp tham gia các cuộc khảo sát điều tra lấy ý kiến của doanh nghiệp để xem sự hài lòng của doanh nghiệp về chất lượng thực hiện công vụ của các cơ quan chính quyền.
Việc thay đổi phương pháp thu hút đầu tư trên địa bàn cũng được triển khai hiệu quả. Thay việc tổ chức các hoạt động xúc tiến, vận động doanh nghiệp bằng hình thức hội nghị, kêu gọi đầu tư chung chung, tỉnh đã tập trung vào việc vận động các nhà đầu tư lớn, có uy tín năng lực thật sự và có thương hiệu trong nước đầu tư vào những dự án trọng điểm. Do vậy, trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 đã thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong nước đầu tư vào tỉnh như các tập đoàn Vingroup, Mường Thanh, dệt may Việt Nam,...
Phấn đấu trở thành tỉnh khá trong khu vực Trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tập trung xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh; khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp; thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Huy động đa dạng các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 2.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh. Giảm ít nhất 30% thời gian doanh nghiệp và người dân thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Giai đoạn 2016 - 2020, các chỉ số thành phần tăng bình quân 0,2 đến 0,9 điểm/năm, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh xếp hạng ở các tỉnh đứng đầu trong nhóm thứ hạng khá.
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang cho biết, tỉnh tập trung tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh đổi mới phương thức lãnh đạo, cải cách hành chính trong Đảng, cải tiến phương pháp, lề lối làm việc của cấp ủy. Các cấp ủy đảng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, các tổ chức Đảng phải nêu gương thực hiện để thu hút nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các cấp chính quyền xây dựng chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và định hướng của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt chức năng giám sát, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Để thực hiện tốt chủ trương nêu trên, tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thực hiện tốt nhiệm vụ nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính, chú trọng cải cách thủ tục hành chính. Khẩn trương rà soát, có kế hoạch và lộ trình cụ thể để đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình "một cửa” và “một cửa liên thông". Hoàn thành việc chuẩn hóa bộ thủ tục hành chính và công khai, minh bạch bằng những hình thức phù hợp. Thí điểm thành lập trung tâm hành chính công cấp huyện. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện tốt Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của hệ thống cơ quan đảng và chính quyền các cấp. Thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến; khuyến khích và tạo điều kiện thực hiện các giao dịch điện tử. Sắp xếp và nâng cao hiệu quả hoạt động Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, trước hết tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu về dân cư, kinh tế - xã hội, đất đai, doanh nghiệp...
Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới và công khai, minh bạch các quy định, chính sách liên quan tới doanh nghiệp. Tạo sự bình đẳng, công bằng giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tín dụng, đất đai và các nguồn lực tài chính của Nhà nước. Có chính sách hợp lý hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi ngành nghề sang sản xuất, kinh doanh ở những lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế.
|
Hải Chung |