The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Những giải pháp trọng tâm để Thanh Hóa nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh

Với mục tiêu cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, những năm vừa qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm hoàn thiện về thể chế, nâng cao năng lực điều hành, năng lực đối thoại của chính quyền các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành cấp tỉnh.
Kể từ năm 2016 đến 2019, điểm số và thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Thanh Hóa liên tục tăng và được xếp trong nhóm khá của cả nước. Nhưng đến hết năm 2020, điểm số PCI Thanh Hóa đã giảm 1,73 điểm và giảm 4 bậc về thứ hạng, trong đó có 7 chỉ số tăng điểm và 3 chỉ số giảm điểm. Việc kết quả PCI năm 2020 giảm cho thấy Thanh Hóa cần phải tiếp tục nỗ lực cải thiện nhiều hơn nữa.
Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cung cấp thì kết quả khảo sát PCI hằng năm của tỉnh Thanh Hóa, tỷ lệ phần lớn các doanh nghiệp (DN) (khoảng 70%) tham gia khảo sát đồng ý với hai nhận định: “Sáng kiến hay cấp tỉnh nhưng chưa thực thi tốt ở sở, ban, ngành” và “Chủ trương, chính sách đúng đắn nhưng không được thực hiện tốt ở cấp huyện” cho thấy: Các nỗ lực của chính quyền cấp tỉnh sẽ không đạt được kỳ vọng nếu việc triển khai các chính sách, quy định ở cấp sở, ban, ngành cấp tỉnh hoặc cấp huyện không được triển khai, thực hiện có hiệu quả một cách đồng bộ. Vì vậy, cần phải tìm ra giải pháp hiệu quả để thúc đẩy năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện nhằm cải thiện chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh một cách đồng bộ.
Việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI Thanh Hóa) sẽ là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả để tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành, địa phương, từ đó tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo bứt phá về điểm số và thứ hạng PCI, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 4511/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) tỉnh Thanh Hóa. Trong đề án xác định rõ các giải pháp để tiếp tục duy trì những chỉ số thành phần có thứ hạng cao và tăng điểm đối với những chỉ số thấp, cần tập trung triển khai có hiệu quả những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, khoa học. Trước hết, là tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh là một trong những chỉ số thành phần quan trọng nhất, bởi vai trò dẫn dắt và ảnh hưởng của người lãnh đạo đến hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh tại mỗi địa phương. Người đứng đầu các cấp, các ngành phải năng động, tiên phong trong thực hiện vai trò trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm tạo môi trường kinh doanh năng động, minh bạch để các nhà đầu tư và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, vai trò của cấp sở, ngành, cấp huyện, sự tiên phong và năng động của lãnh đạo là một trong những động lực quan trọng hàng đầu trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tính cạnh tranh của địa phương, đơn vị, đóng góp vào cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh.
Một giải pháp rất quan trọng nữa là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao không được nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp của các cấp chính quyền. Đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục cải cách hành chính trên môi trường điện tử để nâng cao tính công khai, minh bạch, tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm phục vụ hành chính công.
Ngoài ra, cần phải tập trung thực hiện có hiệu quả những giải pháp về đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, trong đó chú trọng công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, nhất là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, định hướng thu hút đầu tư... Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp ở các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở; đa dạng hóa các hình thức đối thoại; chủ động tiếp thu, nắm bắt nhanh chóng khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời. Phát huy vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các hội thành viên trong việc làm cầu nối đại diện cho tiếng nói, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các doanh nghiệp; tích cực, chủ động nghiên cứu triển khai các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Từng cơ quan, đơn vị đưa nhiệm vụ tham mưu về cải thiện PCI là một trong những tiêu chí hàng năm để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ thực thi công vụ.
Kỳ vọng rằng từ những giải pháp được xây dựng tại Đề án Đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện tỉnh Thanh Hóa vừa được ban hành, sẽ góp phần cải thiện mạnh mẽ Chỉ số PCI của Thanh Hóa trong năm 2021 và thời gian tới.