The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

NHỮNG NGƯỜI CON QUẢNG NINH NÓI VỀ OCOP

Từ sự vận dụng sáng tạo chương trình OCOP, nhiều đặc sản của Quảng Ninh đã được người tiêu dùng cả nước biết đến. OCOP đã đóng góp đáng kể cho công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh. Quảng Ninh có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2016 đạt 10,1%; Trung bình giai đoạn 2012-2016 đạt 9%/năm (cả nước 6%/năm). Bốn năm liên tiếp (2013 – 2016), Quảng Ninh đứng trong top 5 tỉnh, thành phố có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cao nhất cả nước. Trong đó, năm 2016, Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Quảng Ninh vươn lên đứng thứ 2/63 tỉnh thành.

Du khách tham quan ngư trường nuôi cấy ngọc trai của công ty Cổ phần ngọc trai Hạ Long

Ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Điều hành OCOP

Quảng Ninh sẽ đưa chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh nhằm phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn và khu vực đô thị.

Được biết, qua hơn 3 năm thực hiện chương trình OCOP, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại thu nhập cao như: hoa lan, hoa ly ở Hoành Bồ; rau an toàn ở Quảng Yên, Uông Bí, Hạ Long; vùng na dai hơn 300ha ở Đông Triều; vải chín sớm ở Uông Bí, thanh long ruột đỏ ở Uông Bí; các vùng nuôi tôm xuất khẩu ở Hải Hoà, Ninh Dương, Hải Tiến (Móng Cái), đầm nhà Mạc (Quảng Yên); vùng trồng cây lấy gỗ ở các địa phương, cây đặc sản nhựa thông, quế, hồi ở Bình Liêu, Ba Chẽ, Hải Hà...

Ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh

3 mục tiêu quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh là: Nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; Cải thiện đời sống của nông dân các vùng nông thôn và giảm nghèo bền vững; Bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả với chất lượng sản phẩm cao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, hướng tới xuất khẩu và hội nhập quốc tế. Nhờ triển khai hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại, đến nay, các sản phẩm OCOP Quảng Ninh đã được tiêu thụ rộng khắp tại các thị trường trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP có đầy đủ các thông tin thực tế từ thị trường để tiếp tục nâng cao chất lượng.

bà Đinh Thị Vỹ, Phó chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ

Ba Chẽ là huyện nghèo nhất tỉnh Quảng Ninh. Những năm gần đây, huyện đã chủ động phối hợp với các sở ban ngành của tỉnh, đặc biệt là với Ban xây dựng nông thôn mới để đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các hộ kinh doanh và tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP.

Đất đai Ba Chẽ phù hợp cho phát triển lâm nghiệp và các loài cây dược liệu, nhất là cây trà hoa vàng và ba kích tím. Đây cũng là hai sản phẩm đã được Ban điều hành OCOP tỉnh xếp hạng là sản phẩm chủ lực cấp Quốc gia. Chương trình phát triển các sản phẩm OCOP được huyện chỉ đạo thực hiện theo chu trình, mẫu mã bao bì sản phẩm được thay đổi phong phú, phù hợp với nhu cầu thị trường. Địa phương quan tâm hỗ trợ xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm cho người dân.

Ông Tô Văn Hải, Phó chủ tịch UBND huyện Vân Đồn

Một số doanh nghiệp OCOP của Vân Đồn hiện đang gặp khó khăn trong vấn đề đất đai vì liên quan đến việc giải tỏa mặt bằng để xây dựng Đặc khu hành chính kinh tế Vân Đồn (như Công ty CP Thủy sản Cái Rồng, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh). UBND Huyện đang phối hợp với Ban quản lý khu kinh tế Quảng Ninh, quy hoạch vùng để nhanh chóng chuyển các đơn vị tới nơi mới ổn định sản xuất. Huyện tập trung vào công tác quy hoạch như quy hoạch các vùng nguyên liệu thủy sản, quy hoạch vùng trồng cam Vạn Yên (trên 1000 ha), tạo ra những vùng sản xuất tập trung để các doanh nghiệp OCOP có nguyên liệu thường xuyên, ổn định sản xuất. Huyện chú trọng những tiêu chí đặt ra đối với mỗi sản phẩm OCOP nhằm tạo nên thương hiệu riêng có của địa phương.

Bà Lê Thị Thu Hương, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu

“OCOP là một chương trình đòi hỏi có tính kết nối để phát triển cộng đồng. Để thay đổi tư duy sản xuất của người dân theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung cần có các tổ chức kinh tế đứng ra hợp tác sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con”. Thời gian qua, huyện luôn tạo mọi điều kiện, khuyến khích các cơ sở tham gia vào chương trình. HTX giữ vai trò chỉ đạo, người dân sản xuất, chế biến tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm và khép kín khâu tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập một số HTX mới như HTX Phát triển Xanh, HTX Hoàng gia Thiên Ân, HTX Bình An.

Ông Vũ Ngọc Hùng - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Quảng Yên

Thị xã đã chủ động, áp dụng những chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung, hỗ trợ lãi suất tín dụng thương mại cho các doanh nghiệp, tổ chức và hộ cá thể tham gia chương trình. Hiện nay trên địa bàn thị xã đã có 11 sản phẩm với 9 tổ chức tham gia chương trình OCOP. Thị xã nâng cấp các tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình OCOP, phát triển mới thêm ít nhất 5 tổ chức kinh tế tham gia vào chương trình trong giai đoạn 2017 đến 2020.

Ông Trịnh Việt Cường – Phó trưởng phòng Kinh tế TP Uông Bí

Chương trình OCOP đang dần trở thành chương trình kinh tế quan trọng của Uông Bí. Thành phố xây dựng và triển khai các chủ đề OCOP tập trung theo từng năm. Người dân Uông Bí đã thấy được những giá trị cốt lõi mà Chương trình OCOP mang lại. TP Uông Bí đã tập trung hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh, sản phẩm thương hiệu OCOP tiềm năng. TP quyết tâm xây dựng và quản lý nhãn hiệu OCOP trở thành thương hiệu mạnh trên phạm vi toàn tỉnh và dần từng bước phát triển trên thị trường trong nước.

Ông Nguyễn Văn Lộc - Xí nghiệp đánh cá Quảng Ninh (TP Cẩm Phả)

Năm 2000, xí nghiệp đóng cửa, tôi cùng anh em trong gia đình đắp đầm nuôi thuỷ sản với diện tích hơn 10ha tại xã Liên Vị. Sau quá trình tích luỹ kinh nghiệm, gia đình tôi đã thuê hơn 100ha đầm của HTX Yên Đông để mở rộng diện tích nuôi trồng thuỷ sản. Năm 2015, tôi nuôi khoảng 6 vạn con cua, 3 triệu con tôm sú và 3 vạn cá các loại. Kết quả đã thu được trên 1,6 tỷ đồng. Thời gian qua, được cán bộ OCOP tuyên truyền về việc xây dựng thương hiệu cua biển Quảng Yên, người dân chúng tôi ai cũng vui mừng, phấn khởi bởi sản phẩm của mình làm ra ngày càng có giá trị, nâng cao thu nhập. Đồng thời nghề nuôi cua sẽ ngày càng ổn định, phát triển.

Ông Nguyên Xuân Bách, Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu

Việc xây dựng các trung tâm giới thiệu sản phẩm rất cần thiết. Hiện, Trung tâm OCOP Bình Liêu bày bán các sản phẩm nông sản của các địa phương trong và ngoài huyện. Đây là điểm dừng chân của hầu hết các đoàn khách du lịch khi đến Bình Liêu, nên việc tiêu thụ hàng hoá rất tốt. Tuy nhiên, do sản xuất nhỏ lẻ nên nguồn cung không đảm bảo, chỉ đáp ứng được 20-30% yêu cầu về số lượng, một số sản phẩm thường xuyên rơi vào tình trạng khan hiếm, như: Khau nhục Tiên Yên, kẹo lạc hồng Tiên Yên, măng tây Móng Cái, măng mai Ba Chẽ…

Bà Nguyễn Thị Hiền, khu 2, phường Xuân Sơn, TX Đông Triều

Tôi mới đi tham quan Hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP và đã mua được rất nhiều sản phẩm như miến dong Bình Liêu, rượu ba kích, nấm linh chi, mực Cô Tô, ruốc hàu Vân Đồn, nem chua Quảng Yên... Tôi thấy mặt hàng nông sản của Quảng Ninh rất phong phú, đa dạng. Đây đều là các mặt hàng truyền thống của các địa phương trong tỉnh vậy mà nếu không có chương trình OCOP này thì chúng tôi khó có thể biết đến. Không chỉ có mẫu mã bắt mắt, nguồn gốc hàng hóa bày bán rõ ràng, do vậy, chúng tôi đến đây rất yên tâm với chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh đã và đang nhận được sự ưu ái của thị trường trong và ngoài tỉnh.