The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Những người tiên phong trong hành trình đổi mới: Ông Nguyễn Bá Thanh và ông Bùi Quang Vinh

Cố Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh và nguyên Bí thư tỉnh uỷ Lào Cai Bùi Quang Vinh cùng học đại học nông nghiệp và trở thành kỹ sư nông nghiệp sau ngày đất nước thống nhất. Họ đều có xuất phát điểm giống nhau: đội trưởng sản xuất ở nông trường rồi đi lên dần dần qua không biết bao nhiêu vị trí công tác để rồi đứng đầu 2 địa phương trên. Họ đều cùng làm cho 2 địa phương này luôn luôn đứng ở top 5 của bảng xếp hạng PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) khi họ là Chủ tịch hoặc Bí thư cấp ủy địa phương đó. Người thì ở thành phố biển Đà Nẵng thuộc miền Trung, người thì ở tỉnh miền núi cao Tây Bắc, nhưng đều giống nhau là cùng được nhiều người biết đến và được dân yêu mến. Đà Nẵng những năm gần đây trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ người dân trong nước mà cả đối với người ngoài nước. Ông Nguyễn Bá Thanh là người quy hoạch thành phố này bằng sự khát khao cống hiến của một người vừa có tầm vừa có tâm với mảnh đất quê hương. Không phải làm chui, làm giấu cấp trên như các bậc cha anh, tuy vậy cũng đâu dễ gì thực hiện nếu như người đứng đầu mỗi địa phương không bản lĩnh, trí tuệ, dám chịu trách nhiệm và có khát vọng như ông. Khi còn là Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (thuộc tỉnh), ông đã có dịp tiếp cận và trình bày suốt cả ngày trước Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khiến Thủ tướng phải "để mắt" đến ông. Nhiều ý tưởng của ông đã được các cấp Trung ương ủng hộ, Đà Nẵng đi lên từ cái bệ phóng đó. Trong sự nghiệp Đổi mới của đất nước những năm qua, Đà Nẵng là một điểm sáng rất đáng tự hào. Trước khi ông Nguyến Bá Thanh mất vài hôm, mảnh đất Quảng Nam – Đà Nẵng lại thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế. Trong danh sách "Top 10 điểm đến toàn cầu" của TripAdvisor (một website lớn về du lịch), Đà Nẵng được coi là điểm đến số một của Việt Nam (The No.1 Global Destination) cho năm 2015 (tính gộp cả Hội An thành một vùng địa lý). Chỉ cần nhìn dòng người đưa tiễn ông về chốn vĩnh hằng kẹt cứng cả đường phố vốn rất thông thoáng là đủ hiểu người dân Đà Nẵng tiếc thương ông đến nhường nào. Làm người lãnh đạo mà hết lòng vì dân và được dân yêu như ông, quả là hạnh phúc vô bờ...

Còn với ông Bùi Quang Vinh, ông cũng đã cùng tập thể lãnh đạo tỉnh Lào Cai biến một vùng miền núi nghèo, lạc hậu đạt mục tiêu giảm tỷ lệ các hộ đói nghèo mỗi năm 5 %; hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2007, một điều rất bình thường với miền xuôi nhưng với miền núi lại thật không dễ (65% là người dân tộc thiểu số) và trở thành một trong những điểm sáng ở vùng Tây Bắc.
"Bây giờ mọi người lên Lào Cai có thể thấy, bên cạnh những vùng dân tộc là những đô thị phát triển, giao thoa kinh tế quốc tế và đang có những bước khởi sắc, tăng trưởng rất mạnh." (theo Dân trí 15.1.2016)
Nhiều năm liền, ở cương vị Chủ tịch tỉnh hoặc Bí thư tỉnh ủy do ông giữ trọng trách, kinh tế Lào Cai duy trì tốc độ tăng trưởng cao với mức bình quân 5 năm đạt 13% /năm và có bước phát triển vượt bậc so với trước. Việc quy hoạch lại thành phố Lào Cai để trở nên nhộn nhịp và phát triển về du lịch cũng như thương mại (có cửa khẩu Cốc Lếu lớn giáp Trung Quốc) như bây giờ quả là đáng ghi nhận.
Ông Vinh đã đưa ra ý tưởng xây dựng khu đô thị mới của thành phố Lào Cai, di dời các cơ quan hành chính về nơi mới, hy sinh lợi ích các cán bộ nhân viên cơ quan đầu não tỉnh, dành "đất vàng" giáp cửa khẩu Trung Quốc để phát triển kinh tế, thương mại, du lịch của tỉnh như hiện nay .
Trước đó, ông luôn tích cực vận động Trung ương ủng hộ tỉnh mình phát triển dự án xây dựng hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng, là 1 trong 5 hành lang kinh tế của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), được Ngân hàng Phát triển châu Á viện trợ về tài chính và kỹ thuật để thành lập. Nó là một trong ba hành lang kinh tế Bắc - Nam của GMS. Nó đồng thời còn là một bộ phận của chương trình hợp tác "Hai hành lang, một vành đai" giữa Trung Quốc và Việt Nam. Ông chủ trương phải đi trước đón đầu việc mở đường cao tốc Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng - Quảng Ninh như bây giờ...
Phải chăng vì sự thành công trong nhiều năm về PCI ở tỉnh Lào Cai khiến ông được cấp trên giao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư như hiện nay? Với kinh nghiệm làm công tác kế hoạch nhiều năm, ông hiểu cái khó của cơ sở , của doanh nghiệp hơn ai hết. Một nhiệm kỳ Bộ trưởng, ông đã làm được một việc không mấy người lãnh đạo muốn làm, đó là tìm cách giảm bớt quyền lực, giảm bớt cơ chế "xin - cho" của chính mình, của Bộ KHĐT với các bộ ngành và địa phương sao cho thông thoáng hơn, hiệu quả cao hơn...
Chẳng vậy mà ông Vinh đã có cái tên "ông Bộ trưởng tự lấy đá ghè chân mình" với sự nể trọng của cả cấp trên lẫn cấp dưới, của cả giới doanh nghiệp trong và ngoài nước vốn một thời lo sợ khi có việc buộc phải lên "siêu Bộ" để "cầu cạnh". Các văn bản luật, nghị định, thông tư có liên quan tới ngành ông đã luôn theo dòng chảy tích cực, thông thoáng đó...
Trong một bài trả lời phỏng vấn giới báo chí gần đây, ông đã trải lòng thật thú vị. Ông nói, trong quá trình để đi tới cái mới, "có quá nhiều khó khăn. Không khó khăn mới là lạ! Khó khăn cũng là chuyện thường tình thôi vì đã đổi mới thì phải đụng chạm. Nói như ông Tony Blair, nguyên Thủ tướng Anh, nếu nói đổi mới mà không có ai phản ứng thì không gọi là đổi mới. Nếu mọi việc vẫn như cũ thì người ta việc gì phải phản ứng? Nhưng ở đây là đụng đến lợi ích ngành này, mất quyền ngành kia, cá nhân này thì mất lợi ích, nhóm lợi ích kia thì mất quyền lợi. Minh bạch ra thì nhiều người không còn lợi dụng được kẽ hở để tư lợi nữa…Tất nhiên họ phải phản ứng."
Rồi ông Vinh kết luận: "Cho nên tất cả mọi đổi mới, từ làm luật, làm chính sách cho đến cắt giảm cái nọ, cắt giảm cái kia đều đụng chạm cả! Chỉ có điều, có những đụng chạm, có những thách thức, lúc đầu chưa hiểu nên người ta mới phản ứng thôi. Như Luật Đầu tư công, như Chỉ thị 1792, lúc đầu quả thật rất căng thẳng. Nhưng đến bây giờ thì trở thành cái gì đó tốt đẹp và mọi người đều cảm thấy sự đổi thay đó là vô cùng tốt." (theo Dân trí ngày 15/1/2016)...
***
Nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ qua, từ lúc ông Kim Ngọc làm "khoán hộ" âm thầm, ông Đoàn Duy Thành làm "khoán chui", cho đến khi ông Võ Văn Kiệt thuyết phục được tập thể lãnh đạo thông qua những quyết sách táo bạo, rồi hình thành một lớp cán bộ năng động trưởng thành từ cơ sở, có thể thấy vai trò của người đứng đầu là cực kỳ quan trọng. Dù giữ cương vị ở cấp nào, nếu muốn bứt tốc để tăng trưởng nhanh, cần có những cá nhân lãnh đạo có tư duy mới, sáng tạo.
Để đất nước muốn phát triển nhanh và có tốc độ tăng trưởng vượt bậc, đã tới lúc cần lựa chọn người lãnh đạo không nhất thiết dựa theo bề dày công tác mà nên tìm ra những người có tư duy mới, đột phá, bản lĩnh, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tạo đươc dấu ấn và hiệu quả thực tiễn..
Đại hội Đảng các cấp vừa qua đã xuất hiện những cấp ủy thế hệ 7X và 8X trong bộ máy lãnh đạo. Tuy họ chưa để lại dấu ấn gì nhưng chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng đó là lớp cán bộ được đào tạo bài bản, có kiến thức mới, tiếp cận với thế giới về nhiều lĩnh vực.
"Đổi mới", hai chữ tự hào trong sự nghiệp cách mạng, cũng đã đến lúc cần phải được nhìn lại để bước sang một hành trình mới.

Quốc Phong

Theo Báo Thanh Niên