Những quy định làm khổ doanh nghiệp
Câu chuyện xây dựng quy định pháp luật mơ hồ, chung chung, bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp tiếp tục được xới lên tại cuộc họp báo công bố Báo cáo tổng hợp cuộc bình chọn quy định pháp luật năm 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
được bà Vũ Đặng Hải Yến, nguyên giảng viên Đại học Luật Hà Nội dẫn ra tại cuộc họp là câu chuyện quy định về quyền và nghĩa vụ của người đại diện phần vốn nhà nước tạ doanh nghiệp.
Bà Yến cho biết, dự thảo văn bản luật khi đưa ra lấy ý kiến góp ý của các cơ quan chủ quản và doanh nghiệp nhà nước là đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật, dù đã liệt kê một loạt vấn đề cụ thể mà người đại diện phần vốn nhà nước phải hỏi xin ý kiến của chủ sở hữu và chỉ được quyết định khi có trả lời bằng văn bản, nhưng vẫn chốt lại bằng một câu rất mơ hồ là “và tất cả các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, hội đồng thành viên”.
Các vấn đề được nêu ra như sửa đổi bổ sung vốn điều lệ, quyết định về ngành nghề kinh doanh, giải thể, thành lập công ty con...
“Với quy định rất chung chung này, người đại diện phần vốn nhà nước sẽ không biết chính xác quyền của mình là gì. Có nghĩa là, tất cả mọi vấn đề đều phải hỏi cơ quan chủ quản. Còn bản thân cơ quan đại diện chủ sở hữu cũng cảm thấy băn khoăn, khi người đại diện phần vốn nhà nước hỏi vấn đề nhỏ như vậy thì mình có cần trả lời không, trả lời có đúng thẩm quyền không”, bà Yến phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia này, mặc dù điều bất hợp lý trên đã được các cơ quan và doanh nghiệp góp ý nhiều lần, song vẫn được giữ nguyên khi văn bản luật này được ban hành. Hệ lụy là khi luật được đưa vào áp dụng, toàn bộ hệ thống người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp rơi vào tình thế rất mơ hồ khi họ không thể xác định được mình làm đúng hay sai và tốn kém rất nhiều chi phí, thời gian để tuân thủ.
Một trường hợp khác về bất cập trong quy định pháp luật, làm khó cho doanh nghiệp được VCCI đề cập đến trong Báo cáo bình chọn quy định pháp luật 2016 là quy định về tỷ lệ mạ băng hàm ẩn của cá tra xuất khẩu.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI, quy định này can thiệp quá sâu vào quyền tự do ký kết hợp đồng của doanh nghiệp và đưa ra những can thiệp không cần thiết vào vấn đề thuộc về giải quyết theo các phương thức tranh chấp thương mại thông thường.
Việc quy định một mức chất lượng hàng hóa cứng nhắc có thể ảnh hưởng tới quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp theo luật pháp và đẩy giá thành sản phẩm lên cao, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Quy định cấp giấy phép nhập khẩu cho một số máy móc, thiết bị gia công sau in, yêu cầu điều kiện đối với người đứng đầu cơ sở in và hạn chế đối với hoạt động hợp tác của cơ sở in cũng nhận được “đề cử” cao cho quy định pháp luật kém tại Cuộc bình chọn do tính bất hợp lý, không phù hợp với thực tiễn của các quy định này.
Theo đại diện Hiệp hội In Việt Nam, nhiều doanh nghiệp ngành in đã rất khốn khổ do các quy định bất hợp lý của nghị định này và hàng năm nay liên tục kiến nghị lên Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định, song hầu như các các quy định bất hợp lý, thiếu tính khả thi, hạn chế quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp chưa được sửa đổi.
Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, đây là những ví dụ cụ thể cho thấy tư duy soạn thảo và ban hành những quy định “trên trời”, khiến các đối tượng chịu sự điều chỉnh gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện. Đáng lo ngại là những quy định ban hành theo kiểu này không ít.
Xét trên góc độ kinh tế, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, các quy định bất hợp lý và thiếu tính khả thi kiểu này sẽ gia tăng rất nhiều chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và xã hội khi đưa vào thực hiện, bởi nó làm phát sinh các loại chi phí hành chính, chi phí đầu tư và chi phí cơ hội, rủi ro.