Những vùng đất “đổi vận” nhờ doanh nghiệp tư nhân lớn
Câu chuyện về những địa phương thành công nhờ thay đổi tư duy thu hút đầu tư, biết “đãi cát tìm vàng”, lựa chọn đúng nhà đầu tư để mang lại vận mệnh mới cho cả một vùng đất là không nhiều, và đáng để tìm hiểu.
“Chìa khoá” là kinh tế tư nhân
Trong hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Hà Nội được tổ chức hồi tháng Sáu vừa qua, có một con số được đưa ra khiến nhiều người phải chú ý, đó là việc Nhà nước mới chỉ đáp ứng 20% trên tổng nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng của Hà Nội, trong khi 80% còn lại là vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước.
Trước thách thức đặt ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định: “Chìa khóa cho bài toán siêu đô thị chính là đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác đầu tư và phát triển, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố”.
Tại sự kiện nói trên, Thành ủy Hà Nội đã tuyên dương những doanh nghiệp có nhiều đóng góp vào công cuộc phát triển của hạ tầng, kinh tế thủ đô trong năm 2016, với những cái tên như Vingroup, FLC, Him Lam, Sun Group…
Không chỉ tại Hà Nội, mà tại nhiều số tỉnh thành khác trên cả nước, đóng góp từ các tập đoàn kinh tế tư nhân đang dần trở thành đầu tàu phát triển, trong bối cảnh khu vực kinh tế nhà nước đang cấu trúc, thu hẹp dần lĩnh vực hoạt động.
Ví dụ tại Bình Định, trước khi đứng trong nhóm Tốt của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã có thời điểm cảm thấy ngậm ngùi, khi nghĩ về khả năng khai thác tiềm năng kinh tế của miền “trời văn đất võ” này.
“Trước đây, tôi rất buồn vì đi ra ngoài, nói đến Bình Định thì chẳng ai biết. Trong khi đó ở đây có cảnh đẹp, thức ăn ngon, không có hiện tượng chèo kéo khách, an ninh trật tự tốt”, ông Hồ Quốc Dũng từng chia sẻ.
Nhưng với nhận thức mới trong tư duy, thay đổi quyết liệt trong việc mời gọi doanh nghiệp tư nhân, hoạt động đầu tư trên địa bàn Bình Định đã trở nên sôi động hơn bao giờ hết trong hai năm trở lại gần đây.
Nhìn từ bản đồ đầu tư, có thể thấy tỉnh đã dành những vị trí đắc địa và cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư tiên phong. Chẳng hạn, khu vực vòng cung Eo Gió - nơi ngắm cảnh hoàng hôn đẹp nhất Việt Nam - được Bình Định giao cho Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư với dự án FLC Quy Nhơn Beach & Golf Resort.
Khởi công tháng 5/2015, FLC Quy Nhơn được hoàn thiện trong chưa đầy một năm. Dự án có diện tích 1.300 ha, tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục biệt thự nghỉ dưỡng và khách sạn 5 sao 1.500 phòng, sân golf 36 hố, khu công viên động vật hoang dã, cùng nhiều tiện ích khác, là quần thể du lịch nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Tiếp theo FLC, chỉ vài tháng sau, đến lượt Bamboo Capital cũng được Bình Định giao đất tại Ghềnh Gáng - khu vực có bãi biển dài nằm nép bên làng chài du lịch. Dự án resort 4 sao Casa Marina được Bamboo Capital khởi công vào tháng 9/2015.
Đổ bộ vào Bình Định nửa sau năm 2016, Tập đoàn Hoa Sen được “chọn mặt” giao khu đất vàng có diện tích 6.900 m2 nằm ngay trung tâm thành phố Quy Nhơn, cách sân bay Phù Cát 35 km để xây dựng dự án Hoa Sen Tower. Đây là trung tâm thương mại dịch vụ khách sạn và căn hộ cao cấp với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD, trong đó có tòa tháp cao 49 tầng, cao nhất miền Trung.
Cùng lúc, Hoa Sen cũng triển khai dự án khu du lịch nghỉ dưỡng suối nước nóng Hội Vân tại xã Cát Hiệp với tổng vốn đầu tư 18,9 triệu USD, dự kiến hoàn thành giữa năm 2021.
Cú “xông đất” của những nhà đầu tư tiên phong đã ngay lập tức cho thấy sự thay đổi trong cục diện đầu tư trên địa bàn tỉnh. Hiệu quả không phải chờ lâu, năm 2016, ngành du lịch của tỉnh Bình Định đón hơn 3,2 triệu lượt khách, tăng tới 23% so với năm 2015, trong đó có hơn 265.000 lượt khách quốc tế, tăng 24%. Tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 1.450 tỷ đồng, tăng hơn 26%.
Khi địa phương “đổi đời”
Cũng một thời ôm nỗi niềm về việc “ngủ quên” trên kho tàng thiên nhiên là Thanh Hóa với bãi biển Sầm Sơn.
Khác với Quy Nhơn, trước khi có đầu tư tư nhân, Sầm Sơn vốn đã đông khách trong mỗi dịp hè về bởi vị trí thuận lợi của bãi tắm lâu đời tại miền Bắc.
Nhưng chính sự đông đúc cùng việc chính quyền chủ quan trong quy hoạch du lịch đã khiến suốt một thời gian dài, Sầm Sơn không được nhắc đến vì cát vàng, biển biếc, mà bị xoáy sâu bởi vẻ ngoài nhếch nhác, cùng lối buôn bán chộp giật khiến khách thất kinh.
Trong hai năm trở lại đây, nhận thức được sự trì trệ, thậm chí tụt lùi trong phát triển du lịch, Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực. Minh chứng là ở thời điểm hiện tại, danh mục các dự án lớn đăng ký đầu tư vào Thanh Hóa đã bao gồm hầu hết các “đại gia” bất động sản trong nước.
Sớm nhất phải kể đến FLC với dự án FLC Samson Beach & Golf Resort. Dự án có diện tích trên 200 ha, tổng mức đầu tư 5.500 tỷ đồng, hoàn thành chỉ trong 9 tháng, khai trương vào đúng đợt cao điểm du lịch hè năm 2015 tại Sầm Sơn.
Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đang đầu tư một số dự án khác tại Thanh Hoá với cam kết đầu tư gần 15.000 tỷ đồng, đang là nhà đầu tư lớn nhất của tỉnh.Trên cả nước, công ty này đóng ngân sách 2.352,3 tỷ đồng hai năm 2015 và 2016.
Từ năm 2016, Sun Group cũng bắt đầu “nhấn ga” tại Thanh Hóa với cam kết đầu tư 9.990 tỷ đồng vào dự án quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En. Dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành một điểm nhấn khác về du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí.
Hàng chục nghìn tỷ đồng vốn đến từ các doanh nghiệp tư nhân là động lực cho cuộc cách mạng ngoạn mục về diện mạo của Sầm Sơn. Kết quả là thị xã đã đón nhận một tin mừng vào tháng 4/2017, khi Quốc hội ra nghị quyết thành lập thành phố Sầm Sơn.
Năm 2016, toàn tỉnh Thanh Hóa ước đón 6.300.000 lượt khách du lịch, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 6.280 tỷ đồng, tăng 27,4%.
Tận dụng hiệu quả nguồn lực từ các doanh nghiệp tư nhân tầm cỡ đang trở thành một xu thế ngày càng rõ tại các địa phương, trong đó, Bình Định và Thanh Hóa vài năm qua có thể xem là những trường hợp điển hình.