The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Ninh Bình: Điểm đến thành công của nhà đầu tư

Trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh Ninh Bình đề ra 15 mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu, đồng thời đặt ra “3 mũi nhọn đột phá” và “7 chương trình trọng tâm”, trong đó tập trung vào nâng cao chất lượng nhân lực, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới chính sách và cơ chế quản lý... Đó cũng chính là những động lực để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thu hút, khơi dậy các nguồn lực phát triển. Phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Đinh Văn Điến - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình xung quanh vấn đề này. Ngô Khuyến thực hiện.

Năm 2015 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XX và Kế hoạch 5 năm 2011-2015, ông đánh giá thế nào về kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế của tỉnh Ninh Bình 5 gần đây?

Trong 5 năm qua, Ninh Bình đã đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế: Tăng trưởng kinh tế đạt mức khá, bình quân 11,7%/năm; quy mô GDP năm 2015 gấp 2,1 lần năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần các ngành công nghiệp và dịch vụ. Năm 2015 tỷ trọng nông, lâm, thuỷ sản chỉ còn 12%; công nghiệp, xây dựng tăng lên 48% và dịch vụ chiếm 40%.

Cùng với sự gia tăng khá đều của các sản phẩm công nghiệp chủ lực truyền thống như: thép, phân lân, xi măng, gạch,… 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều dự án lớn đi vào hoạt động, điển hình là các nhà máy sản xuất ô tô, phân đạm, linh kiện điện tử,… góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng 20,2%/năm (giá cố định 1994). Năm 2015, giá trị sản xuất (giá so sánh 2010) công nghiệp toàn tỉnh đạt 33 nghìn tỷ đồng, gấp 2,3 lần so năm 2010.

Tiếp tục phát huy vai trò “bệ đỡ” cho nền kinh tế với diện tích lúa 80 nghìn ha/năm, rau màu thực phẩm 20 nghìn ha/năm, sản lượng lương thực có hạt 50 vạn tấn/năm,...ngành nông nghiệp của tỉnh còn xuất hiện nhiều mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, các hình thức liên kết, hợp tác được đẩy mạnh. Ngành chăn nuôi cũng có những chuyển biến tích cực cả chất và lượng, ở Ninh Bình đã xuất hiện nhiều mô hình trang trại, gia trại gắn với chăn nuôi công nghiệp và bảo vệ môi trường. Xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả, Ninh Bình là tỉnh trong tốp đầu cả nước về phong trào xây dựng nông thôn mới, đến nay đã có 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 36% và vượt kế hoạch giai đoạn 2011-2015 là 15 xã.

Điểm nhấn trong hoạt động du lịch là quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới, tạo thêm quyết tâm trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm và thu hút du khách. Năm 2015, Ninh Bình đã đón 6 triệu lượt khách, gấp 2 lần năm 2010, trong đó có 1,2 triệu khách quốc tế, 1 triệu khách lưu trú; doanh thu từ du lịch đạt 1.400 tỷ đồng. Hoạt động thương mại cũng có nhiều khởi sắc, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 18,3%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng cao, năm 2015 đạt 850 triệu USD, gấp 9 lần năm 2010.

Việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cũng tăng nhanh, bình quân 20,7 nghìn tỷ đồng/năm. Cơ cấu vốn giảm dần tỷ trọng vốn ngân sách nhà nước, tăng tỷ trọng doanh nghiệp, tín dụng, đặc biệt là vốn FDI.

Tuy vậy, quá trình phát triển còn bộc lộ một số hạn chế: tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, GDP/người chưa đạt mục tiêu đề ra; hiệu quả thu hút đầu tư hạn chế; sản xuất nông nghiệp phát triển chưa toàn diện, thiếu tính bền vững; một số sản phẩm công nghiệp chủ lực gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ… Đó cũng là những bài toán đặt ra cho các cấp chính quyền tỉnh cần giải quyết trong giai đoạn 2016-2020.

Ông có thể cho biết những định hướng phát triển trong giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Ninh Bình?

Xác định rõ những thuận lợi và khó khăn, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Ninh Bình đã đề ra 15 mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu, trong đó: Tăng trưởng kinh tế bình quân hơn 8,0%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 22.000 tỷ đồng/năm; đến năm 2020 cơ cấu kinh tế (theo GRDP, giá hiện hành): công nghiệp - xây dựng 48% - dịch vụ 42% - nông, lâm nghiệp, thuỷ sản 10%; GRDP/người năm 2020: 77 triệu đồng; thu ngân sách 6.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 1.500 triệu USD; doanh thu du lịch đạt 3.000 tỷ đồng,..

Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh Ninh Bình xác định đột phá vào 3 mũi nhọn gồm: (I) Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; Nâng cao chất lượng, hiệu quả du lịch, dịch vụ; (II) Ban hành cơ chế quản lý; cải cách hành chính; thu hút đầu tư và (III) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút tài năng.

Tỉnh cũng đề ra 7 chương trình trọng tâm gồm:

(1) Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ. Xây dựng và quản lý tốt các quy hoạch đã được phê duyệt. Đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao; đẩy mạnh xuất khẩu; thu hút đầu tư.

(2)Xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa; bảo vệ môi trường sinh thái.

(3) Phát triển dịch vụ du lịch, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ. Phát huy vai trò của văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch, thân thiện, hiếu khách; đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

(4) Đẩy mạnh cải cách hành chính, quy định rõ trách nhiệm của cấp, ngành đối với từng thủ tục hành chính; thực hiện công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

(5) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, chất lượng và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ;

(6) Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh; tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội. Nâng cao chất lượng phong trào tự quản.

(7)Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh.

Ngày 16/9/2014, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định 721/QĐ-UBND thành lập Ban Phát triển kinh tế công nghiệp. Trên cương vị Trưởng ban Phát triển kinh tế công nghiệp, ông đánh giá thế nào về kết quả sau một năm hoạt động của Ban?

Trong hơn một năm qua, Ban Phát triển kinh tế công nghiệp đã kịp thời triển khai hoàn thiện các công việc về tổ chức nhân sự, phân công nhân sự, nhiệm vụ cho các thành viên, xây dựng và ban hành quy chế làm việc. Ban cũng đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư như: liên kết hữu nghị giữa tỉnh Ninh Bình với Assan, Hàn Quốc; cử cán bộ sang Hàn Quốc, Cộng hoà Liên bang Đức và Ấn Độ khảo sát làm việc với một số đối tác; làm việc với tập đoàn kinh tế của Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha và các doanh nghiệp Hàn Quốc như Hyundai; Cais Electronics, Queen Art, Clean Air Tech... Ban cũng làm việc với Bộ Công Thương, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp và Vụ Công nghiệp nặng về các chính sách, ưu đãi đầu tư; đề xuất các ưu đãi phù hợp để với Bộ Công Thương đưa vào dự thảo Nghị định trình Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh trong việc thu hút đầu tư. Qua hơn một năm thành lập, Ban đã đạt được những kết quả bước đầu, tạo tiền đề cho sự phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện tại và những năm tới.

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI được tỉnh Ninh Bình coi trọng và thực hiện khá thành công, ông chia sẻ gì vấn đề này?

Những năm qua UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tỉnh đã thực hiện tốt chủ trương “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, giải quyết các thủ tục hành chính bằng cơ chế "một cửa", và “một cửa liên thông”, kịp thời lắng nghe và giải quyết trực tiếp các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp, khu du lịch trên địa bàn tỉnh, khu dịch vụ, khuyến khích xuất khẩu.

Nhờ vậy, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Ninh Bình ngày càng cải thiện, riêng năm 2014 xếp 11/63 tỉnh, thành phố. Đây là một thành quả quan trọng, qua đó các cấp chính quyền tỉnh nhận diện những mặt mạnh và mặt yếu cần cải thiện. Các tiêu chí về tính minh bạch và trách nhiệm, cải cách thủ tục hành chính, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, gia nhập thị trường, đào tạo lao động… của tỉnh đều có điểm số cao, đây là một trong những yếu tố quan trọng mà Ninh Bình đã làm để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng, hấp dẫn.

Nhân dịp năm mới 2016 – Xuân Bính Thân, ông có thông điệp gì gửi đến các nhà đầu tư?

Ninh Bình hội nhập và phát triển bền vững là thông điệp mà tỉnh Ninh Bình muốn gửi tới tất cả các nhà đầu tư. Chúng tôi chân thành mời gọi và luôn sẵn sàng hợp tác với tất cả các nhà đầu tư quan tâm đến tiềm năng, lợi thế và các giá trị vật chất, nhân văn của vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử. Tiếp nối những đổi mới trong tư duy, hành động, cải cách thủ tục hành chính, tỉnh Ninh Bình luôn đồng hành và cam kết dành cho các nhà đầu tư những điều kiện thuận lợi, những cơ chế ưu đãi nhất để Ninh Bình thực sự là điểm đến thành công của các bạn.Với chúng tôi sự thành công đó là thước đo giá trị thuyết phục nhất cho sự phát triển của tỉnh Ninh Bình.

Theo diến đàn doanh nghiệp Việt Nam