The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Ninh Bình: Nhiều giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Điều đó cho thấy môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư của tỉnh đã có những cải thiện đáng kể, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có điều kiện đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để nâng cao vị trí trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tỉnh ta đã xây dựng Kế hoạch số 58/KH-UBND để triển khai Nghị quyết số 19 của Chính phủ và Chương trình hành động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015, 2016 trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp cụ thể cho từng ngành theo chức năng của mình, đặc biệt chú trọng đến công tác cải cách hành chính và nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ trực tiếp.

Giảm thiểu và công khai các thủ tục hành chính

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI-viết tắt của Provincial Competitiveness Index) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp. Chỉ số PCI được công bố thí điểm lần đầu vào năm 2005 cho 42 tỉnh, thành phố.

Sau 10 năm thực hiện, đến nay PCI đã được thừa nhận như là một trong những căn cứ đáng tin cậy để các nhà hoạch định cần tham khảo trong cải cách hành chính và các nhà đầu tư lựa chọn địa điểm đầu tư.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó đề cao thực hiện tốt cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông”; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác “Một cửa”, đồng thời huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư.

Ông Phạm Văn Thịnh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Xác định cải cách thủ tục hành chính là một trong những giải pháp quan trọng để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư khi đến Ninh Bình, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế những năm gần đây, công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến rõ nét.

Việc ứng dụng mô hình “Một cửa liên thông”, ứng dụng văn phòng điện tử đã triển khai tại tất cả các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố...

Qua đó đã thúc đẩy minh bạch hóa các thủ tục đầu tư, kinh doanh, tăng cường tính hiệu quả của các dịch vụ.

Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã giao cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nâng cao năng lực của bộ phận “Một cửa liên thông”, lắp đặt trang thiết bị hiện đại và hệ thống camera giám sát quá trình giải quyết các thủ tục hành chính, không gây phiền hà, sách nhiễu cho tổ chức và công dân đến làm việc.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng thường xuyên cử cán bộ đi tập huấn và học hỏi kinh nghiệm từ mô hình “Một cửa liên thông” tại các tỉnh ngoài. Hiện nay, các thành phần hồ sơ, biểu mẫu của các bộ thủ tục hành chính đã được niêm yết công khai tại bộ phận “Một cửa”.

Quy trình tiếp nhận và trả kết quả luôn đảm bảo minh bạch, khách quan, tạo điều kiện tốt nhất cho các cá nhân, doanh nghiệp và nhà đầu tư đến làm việc tại bộ phận “Một cửa liên thông”.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp có đầy đủ thông tin về môi trường đầu tư ở Ninh Bình, Trung tâm đã duy trì vận hành Website Ninhbinh Invest.vn và thường xuyên cập nhật tin tức của tỉnh nói chung, thông tin hoạt động của Sở Kế hoạch và Đầu tư, của Trung tâm nói riêng về các lĩnh vực đầu tư như: Chính sách ưu đãi đầu tư, Danh mục dự án kêu gọi đầu tư, nhằm tạo ra môi trường trao đổi thông tin đầu tư tốt nhất, phục vụ công tác xúc tiến đầu tư tại tỉnh.

Tính đến nay, đã có hơn 91.000 lượt người truy cập và phản hồi thông tin. Đã có hơn 20 nhà đầu tư trong nước và nước ngoài thông qua Website của Trung tâm để được cung cấp thông tin kinh tế - xã hội của tỉnh, qua đó đã quảng bá tiềm năng, lợi thế của tỉnh cho các nhà đầu tư.

Cung cấp đầy đủ thông tin cho các nhà đầu tư khi đến tìm hiểu môi trường đầu tư ở Ninh Bình. Những cải cách đó góp phần không nhỏ nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Từ vị trí 32 trong năm 2009, năm 2014, tỉnh ta vươn lên xếp hạng thứ 11, trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành tốt.

Như vậy, năm 2014 Ninh Bình nằm trong số các tỉnh vươn lên mạnh mẽ về vị trí xếp hạng PCI, tăng 17 bậc so với năm trước. Trong đó chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp có bước tăng mạnh mẽ đạt 5,06 điểm, tăng 0,82 điểm so với năm 2013; hai chỉ số phản ánh tiềm năng trong tương lai đó là chỉ số gia nhập thị trường, tăng 0,84 điểm và chỉ số về số chi phí về thời gian tăng 0,88 điểm

Với những kết quả trên, Ninh Bình đang được đánh giá cao về mức tăng trưởng so với các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Bên cạnh đó, việc thành lập Phòng Quản lý xuất, nhập khẩu khu vực Ninh Bình, có trụ sở đặt tại Sở Công thương sẽ góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Các doanh nghiệp của tỉnh và các tỉnh lân cận có điều kiện nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và các thủ tục có liên quan để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận với các thị trường trên thế giới, nhất là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay với nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức

Để tiếp tục cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, vấn đề quan trọng của tỉnh hiện nay là tích cực nâng cao tinh thần trách nhiệm và thái độ ứng xử của cán bộ thực thi nhiệm vụ.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến một số chỉ số giảm điểm như: tính năng động, giảm 1,30 điểm so với năm 2012; tiếp cận đất đai, giảm 1,31 điểm so với năm 2013; hỗ trợ doanh nghiệp giảm 1,92 điểm so với năm 2010 và chỉ số bị giảm điểm cao nhất là chi phí không chính thức, giảm 2,51 điểm so với năm 2011.

Theo đánh giá thì đây là lĩnh vực “nhạy cảm”. Việc loại bỏ dần “chi phí không chính thức” không chỉ là vấn đề của riêng Ninh Bình mà đang là vấn đề nổi cộm của hầu hết các địa phương trong cả nước.

Một số doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng tại Khu công nghiệp Gián Khẩu đều có chung mong muốn tiếp tục được tỉnh hỗ trợ, ban hành cơ chế đặc thù trong thu hút đầu tư; tổ chức nhiều hơn nữa các buổi đối thoại, gặp gỡ giữa doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Họ cho rằng đây là kênh trực tiếp để doanh nghiệp bày tỏ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiến hành dự án.

Theo đại diện các doanh nghiệp, hình thức này sẽ góp phần tích cực trong việc gỡ bỏ dần những “chi phí không chính thức”.

Hiện nay, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm dần “chi phí không chính thức”, tỉnh đã chỉ đạo các ngành thực hiện cải cách thủ tục hành chính với trọng tâm là cơ chế “một cửa liên thông”, tích cực nâng cao trách nhiệm, tư cách đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác “một cửa”.

Các ngành rà soát kịp thời những văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội để sửa đổi, thay thế, bổ sung.

Để nâng điểm ở chỉ số tiếp cận đất đai, tỉnh tổ chức công khai các quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất, bảng giá đất trên địa bàn, các chính sách thu hút đầu tư và ưu đãi đầu tư trên các trang tin điện tử để cá nhân, doanh nghiệp dễ dàng tra cứu.

Với chủ trương thu hút những tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô lớn đầu tư vào tỉnh, đặc biệt về lĩnh vực công nghệ cao, tỉnh đã tranh thủ sự tạo điều kiện của Trung ương, đồng thời huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp...

Những giải pháp trên khẳng định tỉnh ta đã có những hành động quyết liệt nhằm khắc phục hạn chế, tăng năng lực cạnh tranh, góp phần mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, từ đó tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lao động và thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển n

Bảo Yến

Theo báo Ninh Bình ngày 09/09/2015