The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Ninh Bình: Nhiều giải pháp nâng cao chỉ số PCI

Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022, tỉnh Ninh Bình tăng 14 bậc so với năm 2021, xếp thứ 44/63 tỉnh. Điều này cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đang được cải thiện.
Nhiều chỉ tiêu đạt khá
Trong đó có các chỉ số thành phần có số điểm và xếp thứ hạng cao như: Đào tạo lao động đạt 6,40 điểm, xếp thứ 11; Chi phí thời gian đạt 7,69 điểm, xếp thứ 19; Tiếp cận đất đai 7,12 điểm, xếp thứ 24.
So với năm 2021, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh năm 2022 đạt được những chuyển biến theo chiều hướng tích cực cả về điểm số và thứ bậc, đạt 64,22 điểm (tăng 3,69 điểm và tăng 14 bậc so với năm 2021), đứng thứ 44/63 các tỉnh, thành phố trên cả nước; trong đó, 06/10 chỉ số thành phần tăng về điểm số và tăng về thứ bậc xếp hạng (gồm các chỉ số: tính năng động của chính quyền; tính minh bạch; gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; chi phí thời gian; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp).
Đã có 65/142 chỉ tiêu cơ sở tăng thứ bậc, cụ thể theo đơn vị phụ trách, theo dõi như sau: Văn phòng UBND tỉnh: 12 chỉ tiêu; Sở Kế hoạch và Đầu tư: 16 chỉ tiêu; Công an tỉnh: 1 chỉ tiêu; Sở Công Thương: 1 chỉ tiêu; Sở Giáo dục và Đào tạo: 1 chỉ tiêu; Sở Lao động Thương binh và Xã hội: 2 chỉ tiêu; Sở Nội vụ: 3 chỉ tiêu; Sở Tài nguyên và Môi trường: 10 chỉ tiêu; Sở Thông tin và Truyền Thông: 6 chỉ tiêu; Sở Tư pháp: 4 chỉ tiêu; Sở Xây dựng: 1 chỉ tiêu; Thanh tra tỉnh: 1 chỉ tiêu; Tòa án nhân dân tỉnh: 3 chỉ tiêu; Ngân hàng Nhà nước: 1 chỉ tiêu; Cục Thuế tỉnh: 2 chỉ tiêu; Cục Quản lý thị trường: 1 chỉ tiêu.
Kết quả PCI cho thấy những nỗ lực của tỉnh Ninh Bình trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng phục vụ, giảm thiểu tối đa thời gian, chi phí của doanh nghiệp và người dân. Cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh cũng đã có sự nỗ lực vượt khó đạt được kết quả tích cực trong năm đầu tiên phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội có nhiều biến động do tác động của dịch bệnh, xung đột chính trị, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh đã giúp tỉnh vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Ninh Bình là một trong những tỉnh có mức tăng trưởng dương, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2023 của Tỉnh đạt 7,56%, đứng thứ 12 toàn quốc và đứng thứ 6 vùng đồng bằng sông Hồng. Nhiều doanh nghiệp tại Tỉnh đã có sự phát triển bứt phá, nhất là với các đơn vị sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch. Doanh nghiệp được quan tâm tạo điều kiện phát triển đã góp phần vào việc giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương

Nhiều giải pháp nâng cao chỉ số PCI được triển khai hiệu quả
Để đạt được những chuyển biến theo hướng tích cực trong thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp trong đó, trọng tâm một số giải pháp như:
Thứ nhất, đẩy nhanh việc hoàn chỉnh thủ tục cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính tối thiểu 20% thời gian giải quyết theo đúng chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về quy trình, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, triển khai thực hiện dự án đầu tư công và chấp thuận đầu tư triển khai thực hiện dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách. Đồng thời nghiên cứu rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp như: đăng ký doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, GPMB, xây dựng, môi trường, thuế, hải quan, bảo hiểm, cấp phép kinh doanh có điều kiện, v.v... Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; tăng tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến.
Thứ hai, tăng cường đối thoại giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp cụ thể như: Đẩy mạnh hoạt động của Ban Xúc tiến đầu tư kịp thời nắm bắt ý tưởng, nhu cầu đầu tư, cũng như giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, ban hành thông báo để tổ chức thực hiện, trong đó giao việc cho từng đơn vị với mốc thời gian cụ thể qua đó đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục đầu tư dự án; Duy trì thực hiện việc đối thoại giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp ít nhất 2 lần/năm và hàng tháng UBND tỉnh tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp theo chuyên đề, lĩnh vực cụ thể nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Thứ ba, nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tập trung phục hồi thị trường lao động gắn với nâng cao chất lượng đào tạo lao động; đẩy mạnh thực hiện phương thức liên kết, hợp tác đào tạo giữa các doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo. Nâng cao chất lượng các dịch vụ cung cấp điện, kho bãi, thông tin liên lạc, tín dụng ngân hàng,... Tập trung triển khai hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; hỗ trợ khuyến khích phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; nâng cao năng lực cạnh tranh của của doanh nghiệp thích ứng với xu thế hội nhập và xu thế phát triển công nghệ số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Bên cạnh đó, không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Đa dạng hóa, đa phương hóa đối tác thu hút đầu tư; chủ động theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ một số nước trong khu vực để lựa chọn thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, dịch vụ hiện đại, có nguồn thu lớn tạo đà tăng trưởng kinh tế. Mở rộng hợp tác xúc tiến đầu tư với tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, các tỉnh đồng bằng sông Hồng để huy động tối đa nguồn lực đầu tư; tăng cường liên kết vùng gắn với phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường; liên kết giữa các địa phương tổ chức các hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước để thu hút kêu gọi đầu tư,…
Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2023 nhiều nhà đầu tư đã đến nghiên cứu, tìm kiếm địa điểm đầu tư tại tỉnh nổi bật như: Công ty CP GS HOLDING – Công ty CPĐT Thuỷ sản HQ về việc khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất và nuôi trồng thuỷ sản Kim Sơn; Công ty cổ phần nhiệt điện Ninh Bình về việc phát triển dự án điện khí ICE với công suất 300MW tại tỉnh Ninh Bình; Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam về việc triển khai dự án xây dựng nhà máy ấp trứng gia cầm công nghệ cao tại Cụm công nghiệp Gia Lập, tỉnh Ninh Bình; Công ty CP Công nghệ năng lượng tái tạo và môi trường, Công ty cổ phần Môi trường SUS Thượng Hải về việc xây dựng nhà máy điện rác tại thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình; Công ty cổ phần đầu tư An Lâm Capital về việc đề xuất dự án đầu tư tại thôn Vườn Thị, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn; CT Group đầu tư phát triển dự án Khu 4 hồ xã Yên Quang đến xã Đồng Phong và khu vực đô thị phía Bắc, ven sông Đáy; Tập đoàn VSIP, tập đoàn Phúc Lộc nghiên cứu tìm hiểu cơ hội tìm hiểu cơ hội đầu tư xây dựng – kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Tam Điệp II; Công ty Cổ phần Tập đoàn N&G thực hiện khảo sát tại một số vị trí để đầu tư các KCN chuyên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực chip điện tử; Tổng công ty IDICO và một số Tập đoàn khác tìm hiểu cơ hội đầu tư xây dựng – kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Phú Long;…
Nhiều dự án đã "đổ bộ" vào Ninh Bình với tổng vốn đầu tư lên tới hàng chục triệu USD dù bối cảnh chung hiện hữu nhiều thách thức. Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu cho 16 dự án, tăng 05 dự án so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký là 522 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho 38 dự án, với tổng vốn đăng ký (gồm cả đăng ký mới và điều chỉnh tăng thêm) là 1.182 tỷ đồng. Đăng ký thành lập mới 659 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc với tổng số vốn đăng ký đạt 7.297 tỷ đồng. Qua đó, góp phần tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, kinh tế duy trì được đà tăng trưởng cao, quy mô kinh tế không ngừng được mở rộng.