The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Ninh Thuận: Chỉ số PCI và những giải pháp cải thiện

Các chỉ tiêu đo lường tăng trưởng và phát triển của quốc gia, bao gồm các nhóm chỉ tiêu về kinh tế, về xã hội và về đánh giá tiến bộ môi trường. Trong nhóm chỉ tiêu về kinh tế, bao gồm: các chỉ tiêu đánh giá tăng trưởng (tổng sản phẩm trong nước-GDP, tổng sản phẩm quốc dân-GNP); các chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh (chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) và các chỉ tiêu về liên kết-hội nhập kinh tế.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI-Province Competitiveness Index) là tổng hợp 10 chỉ số thành phần (gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động của lãnh đạo tỉnh, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý, cạnh tranh bình đẳng) phản ánh những khía cạnh quan trọng khác nhau của môi trường kinh doanh cấp tỉnh.

Chỉ số PCI là thước đo quan trọng, khách quan để đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh, mức độ cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư của tỉnh qua từng năm. Qua đó, có những giải pháp kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp, thu hút các nguồn lực cho đầu tư, phát triển.

Trong những năm qua, với sự hỗ trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực cho thu hút đầu tư và phát triển. Nhất là, trong năm 2014 Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh gắn với thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tập trung khắc phục các lĩnh vực có liên quan đến những chỉ số thành phần có điểm số, thứ hạng thấp; đồng thời triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thuế; tăng cường đối thoại với doanh nghiệp; hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp; khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân; tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, ...). Qua đó, năm 2014 chỉ số PCI có 05 chỉ số thành phần được cải thiện điểm số và thứ hạng: tính năng động của lãnh đạo tỉnh, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tiếp cận đất đai, và cạnh tranh bình đẳng. Kết quả chỉ số PCI năm 2014 của tỉnh Ninh Thuận tăng 2,66 điểm, tăng thứ hạng 09 bậc so với năm 2013.

Trong thời gian đến, để cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, tạo động lực cho thu hút đầu tư và phát triển; nâng cao chỉ số PCI trong năm 2015 và những năm tiếp theo-cần có giải pháp để triển khai thực hiện, mà những giải pháp cần quan tâm là:

- Tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc, đạt hiệu quả Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016; Chỉ thị số 59-CT/TU ngày 07/10/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số PCI và Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động nâng cao chỉ số PCI của UBND tỉnh.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất để giảm chi phí gia nhập thị trường và thời gian thực hiện các quy định của nhà nước đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn đối với người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.

- Thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thật sự trong sạch, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

- Tiếp tục cụ thể hóa các chính sách nhằm tạo thuận lợi trong tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất. Tiếp tục nâng chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Nâng cao hơn nữa tính minh bạch, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp. Nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng các thiết chế pháp lý của doanh nghiệp.

- Chú trọng công tác đào tạo lao động, nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nhằm hỗ trợ cho lao động, từng bước đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp./.

Thanh Quý, Sở Nội vụ

Theo báo Ninh Thuận ngày 13/07/2015