Chiều 8/7/2022, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức hội thảo phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ chỉ số PCI của tỉnh năm 2022 và các năm tiếp theo.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, năm 2021, Ninh Thuận đạt 62,23 điểm, giảm 1,21 điểm, giảm thứ hạng 17 bậc so với năm 2020, xếp thứ 49/63 tỉnh, thành trong cả nước, thuộc nhóm trung bình.
Nhìn lại các vị trí xếp hạng chỉ số PCI trong những năm qua, từ thành tích vượt trội năm 2012 với vị trí 18/63, trong Bảng xếp hạng PCI, năm 2021, thứ hạng cạnh tranh của Ninh Thuận, giảm 31 bậc so với năm 2012, xếp thứ 49/63 tỉnh, thành phố.
Bởi vậy, để nâng cao chỉ số năng PCI năm 2022 và giai đoạn sắp tới, tỉnh Ninh Thuận đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả 128 chỉ tiêu của 10 chỉ số thành phần.
Bằng tinh thần cầu thị, lắng nghe, các cấp chính quyền tỉnh Ninh Thuận đã khoanh vùng các nút thắt về thể chế, các mấu chốt về cải cách; tập trung phân tích, đánh giá những mặt tồn tại, hạn chế để có biện pháp khắc phục, qua đó nâng cao mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng lòng tin và quan hệ đối tác với các doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội thảo đánh giá, phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI tỉnh Ninh Thuận năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam khẳng định: Doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Do vậy, địa phương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, sẵn sàng đồng hành, áp dụng tối đa các hỗ trợ cao nhất cho doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh cũng mong nhận được sự hiến kế, đề xuất những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Để thăng hạng các chỉ số PCI, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI cho rằng, Ninh Thuận cần tích cực chủ động cung cấp thông tin nhanh nhất, sớm nhất và công bằng nhất cho các doanh nghiệp, không để xảy ra tình trạng “ưu ái” doanh nghiệp lớn so với các doanh nghiệp còn lại. Ninh Thuận còn cần cải thiện các khía cạnh khác như: thời gian thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh, tăng hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, hiệu quả thực thi chính sách ở cấp cơ sở.
Cũng tại hội nghị, chia sẻ về kinh nghiệp tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh Đồng Tháp, bà Phạm Thị Ngọc Đào – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết, đạt được kết quả trên là do nhiều năm qua tỉnh luôn kiên định với chủ trương, định hướng “đồng hành cùng doanh nghiệp,” “lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công việc của bộ máy công quyền.” Để xây dựng chính quyền thân thiện, đồng hành cùng doanh nghiệp, từng cán bộ, công chức, viên chức phải “thẩm thấu” tinh thần phục vụ, luôn đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp khi thực hiện nhiệm vụ của mình, xem việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng chính là tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế của địa phương.
Tại đây, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thẳng thắn góp ý, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc và thể hiện tinh thần cùng đồng lòng, quyết tâm hành động cùng các cấp chính quyền tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI.
Tiếp thu những ý kiến được nêu ra tại hội nghị, Chủ tịch UBDN tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam nêu rõ, qua kết quả khảo sát điều tra cho thấy doanh nghiệp cảm nhận, đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường của tỉnh còn một số mặt hạn chế, tập trung vào các nhóm vấn đề như: Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế; Chất lượng thực thi chủ trương, chính sách ở cấp huyện còn thấp; Khó khăn về thiếu quỹ đất sạch, giải phóng mặt bằng chậm; Khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến; Tiếp cận thông tin của tỉnh còn khó khăn…
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng yêu cầu các sở, ngành, chính quyền địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai chương trình hành động nâng cao chỉ số PCI.
Theo Chủ tịch UBDN tỉnh Ninh Thuận, giải pháp xuyên suốt trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh là tăng cường gặp gỡ, đồng hành, đối thoại rộng mở với doanh nghiệp, doanh nhân… để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh; qua đó tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khai thông lực cản; đồng thời, có giải pháp hỗ trợ kịp thời để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
“Với tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp, chuyển từ tư duy “quản lý” sang tư duy “đồng hành” và “phục vụ”, tỉnh Ninh Thuận đặt quyết tâm cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh và cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác trong tỉnh, phấn đấu đến năm 2025, đưa chỉ số PCI của tỉnh nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có vị trí xếp hạng cao của cả nước” – ông Trần Quốc Nam nhấn mạnh.