The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Ninh Thuận lên kế hoạch tăng điểm số PCI năm 2022 để vào nhóm Khá

Từ vị trí 49/63 tỉnh, thành phố thuộc nhóm Trung bình, Ninh Thuận đã đặt mục tiêu tăng điểm số PCI năm 2022 đạt khoảng 68,9 điểm vào nhóm các tỉnh điều hành kinh tế thuộc nhóm Khá.
UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành Kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Ninh Thuận năm 2022.
Theo kết quả điều tra PCI 2021 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ninh Thuận xếp vị trí thứ xếp thứ 49/63 tỉnh, thành phố; đạt 62,23 điểm, giảm 1,21 điểm (năm 2020 là 63,44 điểm), giảm thứ hạng 17 bậc, nằm trong nhóm các tỉnh có kết quả điều hành kinh tế Trung bình.
Theo đó, Ninh Thuận đặt mục tiêu, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh một cách bền vững; tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chỉ số PCI.
Đồng thời, Ninh Thuận hướng đến việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh trong việc cải thiện kết quả và thứ bậc xếp hạng Chỉ số PCI của tỉnh.
Qua đó, góp phần tạo môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, năng động và thuận lợi nhằm thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.
Cụ thể, Ninh Thuận phấn đấu tăng điểm số PCI của năm 2022 đạt khoảng 68,9 điểm, đưa PCI địa phương vào nhóm các tỉnh điều hành kinh tế thuộc nhóm Khá.
Trong đó, Ninh Thuận đặc biệt quan tâm cải thiện các chỉ số thành phần có trọng số cao, ảnh hưởng trực tiếp đến điểm số PCI như: Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (20%), Đào tạo lao động (20%), Tính minh bạch (20%), Chi phí không chính thức (10%).
Ninh Thuận cũng phấn đấu đến hết năm 2022, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt và vượt so với các chỉ tiêu kế hoạch, cụ thể: Gia nhập thị trường đạt từ 7,28 điểm lên trên 7,50 điểm; Tiếp cận đất đai tăng từ 6,87 điểm lên trên 7,10 điểm; Tính minh bạch tăng từ 5,47 điểm lên trên 6,60 điểm; Chi phí thời gian tăng từ 7,03 điểm lên trên 7,50 điểm; Chi phí không chính thức tăng từ 8,39 điểm lên trên 8,50 điểm; Cạnh tranh bình đẳng tăng từ 5,19 điểm lên trên 6,20 điểm; Tính năng động của Chính quyền tỉnh tăng từ 6,77 điểm lên trên 7,10 điểm; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tăng từ 5,07 điểm lên trên 6,15 điểm; (9) Đào tạo lao động tăng từ 6,18 điểm lên trên 6,60 điểm; (10) Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự tăng từ 7,70 điểm lên trên 8,00 điểm.
Đặc biệt, Ninh Thuận sẽ tập trung khắc phục để tăng điểm và vị trí xếp hạng các chỉ số bị giảm điểm, giảm thứ hạng năm 2021 gồm: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Cạnh tranh bình đẳng, Tính minh bạch, Chi phí thời gian, Tính năng động của chính quyền tỉnh, Gia nhập thị trường.
Theo đó, UBND tỉnh Ninh Thuận giao Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ nội dung Kế hoạch, xây dựng kế hoạch cụ thể của ngành, địa phương để duy trì và cải thiện các chỉ số thành phần PCI theo nhiệm vụ được phân công. Đồng thời, các đơn vị gửi Kế hoạch về UBND tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư chậm nhất ngày 30/7 để theo dõi, đôn đốc thực hiện.