The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Ninh Thuận: Sẵn sàng dành các ưu đãi cao nhất cho nhà đầu tư

Những năm qua, với quyết tâm cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư; thực hiện cơ chế "một cửa liên thông" trong lĩnh vực đầu tư, đăng ký kinh doanh; chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục đầu tư... đã góp phần tạo ra làn sóng mới trong thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Ông Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận cho biết:“Một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển của tỉnh trong thời gian đến là tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, quyết tâm xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn của các nhà đầu tư”. Hoàng Lâm - Công Luận thực hiện.
Những năm gần đây, Ninh Thuận đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước với các dự án tầm cỡ. Xin ông chia sẻ thêm về thành công này, đặc biệt trong giai đoạn 2011 - 2013?
Đến nay trên địa bàn tỉnh có 210 dự án được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư (CNĐT) với tổng vốn đăng ký 45.696,4 tỷ đồng (trong đó có 24 dự án FDI với tổng vốn 12.823,4 tỷ đồng) và 46 dự án được chấp thuận địa điểm đầu tư với tổng vốn đăng ký 52.489,7 tỷ đồng (trong đó có 4 dự án FDI với tổng vốn 33.300 tỷ đồng).
Giai đoạn 2011- 2013, với việc tổ chức thành công Hội nghị công bố quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn đến 2020 kết hợp xúc tiến đầu tư cuối năm 2011, cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông” thông qua mô hình hoạt động Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO) Ninh Thuận, tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét, số lượng các dự án được cấp Giấy CNĐT và quy mô vốn đăng ký giai đoạn này chiếm gần 50% so với các dự án còn hiệu lực, cụ thể UBND tỉnh đã cấp mới Giấy CNĐT cho 96 dự án với tổng vốn đăng ký 22.583,1 tỷ đồng (trong đó có 6 dự án FDI với tổng vốn 7.154 tỷ đồng) và chấp thuận địa điểm 41 dự án với tổng vốn đăng ký 48.044,2 tỷ đồng (trong đó có 4 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 33.300 tỷ đồng).
Lĩnh vực thu hút đầu tư ngày càng đa dạng hơn. Bên cạnh các lĩnh vực như du lịch biển, nuôi trồng thuỷ sản, chế biến khoáng sản đá granite..., tiềm năng phong điện cũng thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Được biết để thu hút các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, Ninh Thuận chủ trương dành các ưu đãi cao nhất cho nhà đầu tư trong khung quy định của Chính phủ, đồng thời sẽ vận dụng tối đa các hỗ trợ cao nhất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án trên địa bàn. Vậy cụ thể chính sách ưu đãi, hỗ trợ này là gì?
Ninh Thuận thuộc địa bàn khuyến khích đầu tư được hưởng các ưu đãi đầu tư cao nhất cả nước, đồng thời tỉnh chủ trương dành các ưu đãi cao nhất trong khung quy định của Chính phủ và vận dụng tối đa các hỗ trợ cao nhất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. Theo đó các nhà đầu tư sẽ được hưởng các ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu.
cụ thể nhà đầu tư được miễn toàn bộ tiền thuê đất đối với các dự án lĩnh vực giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, môi trường, dự án BOT, các dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư vào địa bàn các huyện của tỉnh; miễn tiền thuê đất 11 năm đối với các dự án đầu tư vào địa bàn các huyện, trường hợp dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư được miễn 15 năm kể từ ngày giao đất. Các dự án đầu tư vào địa bàn tất cả các huyện trong tỉnh được áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi cao nhất 10% trong 15 năm kể từ năm đầu tiên có doanh thu; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.
Các dự án đầu tư vào Ninh Thuận sẽ được tỉnh hỗ trợ thực hiện các thủ tục đầu tư từ khâu đầu đến khâu cuối, áp dụng quy trình song song trong thực hiện các thủ tục đầu tư, giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục để triển khai dự án một cách nhanh nhất thông qua mô hình hoạt động Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO).
Thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, du lịch, sản xuất công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân..., là trọng tâm mà tỉnh đang đẩy mạnh. Vậy theo ông tỉnh cần những chất xúc tác gì để gia tăng hiệu quả thu hút đầu tư?
Hiện tại Ninh Thuận đang đứng trước những cơ hội phát triển mới với việc Quốc hội có chủ trương đầu tư xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận, Chính phủ triển khai đầu tư một số công trình trọng điểm quốc gia, thúc đẩy mạnh việc gia tăng tính kết nối phát triển Ninh Thuận với các tỉnh trong vùng duyên hải miền Trung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: Nâng cấp QL 1A đoạn TP. HCM đi Nha Trang; nâng cấp cảng hàng hoá Ba Ngòi và xây dựng mới tuyến đường ven biển dài 116 km..., việc hoàn thành các công trình này tạo thời cơ và động lực mới cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới, mở ra cơ hội mới cho thu hút đầu tư vào tỉnh nhất là trong các lĩnh vực năng lượng, du lịch, sản xuất công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân.
Để tăng sức hấp dẫn và hiệu quả trong thu hút đầu tư, hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận đang hoàn thiện dự thảo trình UBND tỉnh ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh trong đó quy định các chính sách cụ thể về hỗ trợ giảm giá thuê đất, đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng đến hàng rào các dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư, hỗ trợ đào tạo lao động..., đồng thời tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ có một số cơ chế đặc thù cho tỉnh Ninh Thuận liên quan đến xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân, trong đó có đề xuất các chính sách ưu đãi đặc thù để tăng cường thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Đối với dự án thuộc lĩnh vực năng lượng sạch thường có vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, do đó tỷ lệ nhà đầu tư tham gia rất thấp. Vậy tỉnh có những chủ trương, chính sách gì để nâng tỷ lệ này lên?
Trong những năm gần đây, mặc dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Ninh Thuận tiếp tục thu hút được nhiều lượt đoàn nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, nhất là trong lĩnh vực tỉnh có thế mạnh như năng lượng gió, kết quả UBND tỉnh đã cấp Giấy CNĐT cho 7 dự án, tổng vốn đăng ký 21.124 tỷ đồng và chấp thuận chủ trương về địa điểm 10 dự án với tổng công suất 901 MW. Số lượng dự án thu hút và cấp Giấy chứng nhận đầu tư có thể nói là tương đối nhiều, nhưng tỷ lệ dự án triển khai thấp, hiện phần lớn các dự án đang trong giai đoạn đo gió và hoàn tất thủ tục để triển khai.
Các dự án điện gió đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trong điều kiện khó khăn chung hiện nay việc thu xếp nguồn tài chính của chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện giá mua điện theo cơ chế hiện nay còn thấp, chưa khuyến khích các dự án triển khai nhanh.
Để hỗ trợ các dự án điện gió, Sở Kế hoạch Đầu tư tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị sớm trình Chính phủ nâng giá mua điện gió ở mức hợp lý để các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án điện gió; đồng thời tỉnh cũng có chính sách dành các ưu đãi cao nhất đối với các dự án điện gió như miễn tiền thuê đất, hỗ trợ công tác đền bù giải phóng mặt bằng, miễn thuế nhập khẩu trang thiết bị; áp dụng mức ưu đãi và miễn, giảm thuế thu nhập doanh nhiệp cao nhất trong khung quy định của Chính phủ…nhằm tạo điệu kiện thuận lợi nhất để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án điện gió trong thời gian đến.
Riêng vấn đề cải cách TTHC, xây dựng một chính quyền năng động với cơ chế thông thoáng, linh hoạt tạo thuận lợi thu hút đầu tư để tăng tốc độ phát triển kinh tế được tỉnh chú trọng như thế nào trong thời gian qua cũng như hướng triển khai thực hiện trong giai đoạn tới?
Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính được tính đặc biệt quan tâm, nhất là việc thành lập và đưa vào hoạt động Văn Phòng Phát triển kinh tế trên cơ sở ý tưởng của Tư vấn Monitor (Mỹ) và mô hình Cơ quan phát triển kinh tế (EDB) của Singapore. Có thể nói hoạt động EDO thời gian qua đã tạo bước đột phá về cải cách hành chính (thời gian thực hiện các thủ tục hành chính được rút ngắn so với trước đây; một số thủ tục như đăng ký doanh nghiệp, khắc dấu, đăng ký thuế được giải quyết trong 3 ngày làm việc...), được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá cao.
Với mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư tại Ninh Thuận, trong năm 2012 Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định Quyết định 29/2012/QĐ-UBND ngày 26/6/2012 của UBND tỉnh (thay thế Quyết định 290/2010/QĐ-UBND), theo đó cho phép các nhà đầu tư được thực hiện các thủ tục song song, đưa các thủ tục có liên quan đến nhà đầu tư về tiếp nhận và xử lý theo cơ chế “một cửa liên thông” tại EDO.
Thông qua đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tại EDO đã tạo bước chuyển biến rõ nét trong thu hút đầu tư, góp phần nâng cao Chỉ số PCI từ vị trí 48/63 (năm 2009) lên 18/63 tỉnh, thành phố trong (năm 2012). Nhiều tỉnh và thành phố đã đến nghiên cứu, học tập mô hình mới của tỉnh.
...
Để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong thời gian đến tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; trọng tâm là nâng cao hiệu quả hoạt động của EDO và thực hiện có kết quả Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đưa Ninh Thuận vào tốp các tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cao nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng nhất để khai thác tốt nhất nội lực và thu hút tối đa ngoại lực cho đầu tư phát triển, xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn của các nhà đầu tư. Nguồn vccinews.vn
Văn phòng Phát triển Kinh tế - Sở Kế hoạch và Đầu tư