Ninh Thuận tìm giải pháp nâng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Ngày 26-7, tại TP Phan Rang – Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh năm 2016, gắn với gặp mặt doanh nghiệp.
Những năm qua, Ninh Thuận có cố gắng để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nhưng vẫn chưa tạo được “đột phá” để thu hút tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển như mong muốn.
Đó là nhận định khách quan của các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, gắn với gặp mặt doanh nghiệp. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trước đây, Ninh Thuận là một trong số địa phương đi đầu trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, những năm gần đây, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Ninh Thuận đã chững lại và có nguy cơ “tụt hậu”nhiều so với nhiều tỉnh, thành mà trước đó xếp vào diện yếu chỉ số năng lực cạnh tranh.
Theo kết quả công bố PCI năm 2016 của tỉnh Ninh Thuận cho thấy, chỉ số PCI của tỉnh không ổn định, chỉ đạt 57,19 điểm, giảm 0,26 điểm so với năm 2015 và xếp hạng 49/63 tỉnh, thành phố, giảm 7 bậc so với năm 2015. Trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2016 của tỉnh so với năm 2015, có đến 6 chỉ số giảm điểm số và giảm thứ hạng. Vậy đâu là nguyên nhân?.
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp đều cho rằng, chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh của tỉnh Ninh Thuận chưa tốt, như: Thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; cải cách thủ tục hành chính về thuế chưa tốt, tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn; thiếu đường dây nóng để doanh nghiệp phản ánh; chất lượng nguồn nhân lực, nguồn lao động của tỉnh phục vụ còn thấp; một số hoạt động, dịch vụ hỗ trợ của tỉnh cho doanh nghiệp chưa được đánh giá cao, chưa mang lại hiệu quả…
Bà Từ Thị Thanh Trúc, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tân Sơn Hoa Cương cho biết, chính sách thu hút doanh nghiệp của Ninh Thuận thì có nhưng thực tiễn việc hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp thuận lợi đầu tư thì chưa hiệu quả, còn lòng vòng, thậm chí còn nhũng nhiễu, gây khó khăn, doanh nghiệp chưa thể mạnh dạn đầu tư.
“Để có giấy phép đầu tư phải mất rất nhiều thời gian, phải “bôi trơn”, nếu không thì không biết đến bao giờ mới được?. Việc tiếp cận đất đai, tài nguyên cũng rất khó khăn; số lần thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp còn nhiều, chồng lấn; một số cán bộ Nhà nước còn tình trạng đặt điều kiện, tạo áp lực cho doanh nghiệp…”- Bà Từ Thị Thanh Trúc bộc bạch.
Ông Chu Vân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Ninh Thuận kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để nâng cao chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh trong thời gian tới.
Theo ông Chu Vân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ninh Thuận, PCI được xem là thước đo quan trọng, khách quan trong đánh giá mức độ thuận lợi về môi trường đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, trong thời gian qua cho thấy, sự “thấu cảm” giữa doanh nghiệp với chính quyền và các sở, ngành chưa tốt. Đối với chỉ đạo của tỉnh thì rất thông thoáng, nhưng các huyện, thành phố và các ngành thực hiện chưa hiệu quả. UBND tỉnh cần tổng kết cụ thể từng chỉ số trong 10 chỉ số thành phần mà tỉnh đã giao nhiệm vụ cho từng sở, ngành để có biện pháp xử lý các sở, ngành, địa phương, đơn vị, cán bộ chưa hoàn thành trách nhiệm.
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp mong muốn lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cần đơn giản hóa hơn nữa thủ tục hành chính ở bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông”; cụ thể hóa và phải phổ biến kịp thời các chính sách về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời tăng cường, nâng cao chất lượng các hội nghị đối thoại của tỉnh, của các sở, ngành với doanh nghiệp để khai thông vướng mắc.
Tiếp thu nhiều ý kiến tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh cho biết, thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung chỉ đạo thay đổi cung cách hoạt động quản lý, điều hành; xây dựng kế hoạch hành động và đẩy mạnh hơn nữa việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư; tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính để cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, người dân đầu tư vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Bài và ảnh: NGUYỄN TRUNG