Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh
Năm 2017 là năm thứ tư liên tiếp Chính phủ ban hành nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (NQ-19). Nghị quyết thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo lập MTKD thuận lợi nhất cho doanh nghiệp (DN), hướng tới mục tiêu Việt Nam đạt chỉ tiêu MTKD ngang bằng với các nước ASEAN 4 (Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái-lan và Phi-li-pin). Việc thực hiện mục tiêu này đang đòi hỏi các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương cần quyết tâm vào cuộc mạnh mẽ, nỗ lực cải thiện MTKD một cách toàn diện.
Lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Samsung Việt Nam
(Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh). Ảnh: MAI LINH
Nhìn từ các địa phương
Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP (NQ-19) đặt mục tiêu đến hết năm 2017 Việt Nam đạt tối thiểu bằng trung bình của các nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về MTKD, như: rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục nộp thuế, bảo hiểm xã hội về mức không quá 168 giờ/năm; cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa 120 ngày, trong đó: thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp phép xây dựng xuống còn 63 ngày (giảm 19 ngày)… Những mục tiêu cụ thể này đang tạo sức ép lớn buộc các địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong tạo dựng MTKD, trở thành điểm đến hấp dẫn của các DN, nhà đầu tư (NĐT).
Tỉnh Thái Nguyên gần đây nổi lên là địa phương có tốc độ phát triển mạnh mẽ, có sức hút đầu tư với nhiều tập đoàn kinh tế lớn do có hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) được đầu tư tốt, có tính kết nối, giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn,... Năm 2011, tỉnh này chỉ đứng thứ 57 trong số 63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đến năm 2014, bất ngờ vươn lên thuộc tốp 10 địa phương có chỉ số PCI cao nhất cả nước. Năm 2016 vừa qua, Thái Nguyên đã lần thứ hai liên tiếp giữ ở vị trí thứ bảy trong bảng xếp hạng. Tháng 3-2014, Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đã đưa vào hoạt động tổ hợp công nghệ mới tại KCN Yên Bình (Thái Nguyên) với vốn đầu tư năm tỷ USD. “Siêu dự án” này của Samsung không những mang lại nguồn lợi kinh tế cho địa phương mà còn kéo theo nhiều NĐT khác từ Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đến đầu tư vào Thái Nguyên. Việc rút ngắn từ 40-50% thời gian giải quyết hồ sơ, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, giảm đến mức thấp nhất chi phí cho DN, thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính… đã giúp Thái Nguyên có được sự hài lòng của các DN và NĐT.
Giống như Thái Nguyên, Bắc Ninh là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư. Tính đến hết tháng 4-2017, toàn tỉnh đã thu hút được hơn 1.100 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt gần 16 tỷ USD. Hiện, trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành nhiều KCN quy mô lớn có tính kết nối, thu hút nhiều dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh có hàm lượng công nghệ cao của những tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, cũng từ năm 2014, trái ngược với sự tăng hạng PCI của Thái Nguyên, Bắc Ninh lại có sự lùi dần về thứ hạng. Năm 2014, Bắc Ninh đứng vị trí thứ 10, đến năm 2016 tụt xuống thứ 17 nhưng vẫn là tỉnh có thứ hạng tốt và sức hấp dẫn đối với các NĐT. Nguyên nhân của sự tụt hạng được cho là do biến động của các dự án lớn, cùng với đó là sự thiếu quyết liệt trong hành động của đội ngũ lãnh đạo cấp sở, ngành, huyện; nhiều nơi còn chậm triển khai tiếp nhận hồ sơ một cửa liên thông, chậm giải quyết thủ tục cho DN, nhiều dịch vụ công trực tuyến đã được đầu tư nhưng chưa thể hoạt động,…
Những năm gần đây, các địa phương đều nhận thức được tầm quan trọng của việc cải thiện MTKD, từ đó đề ra những chiến lược phát triển chung và thực hiện nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, cải tiến quy trình giải quyết thủ tục hành chính, theo sát, phục vụ cao nhất nhu cầu của các NĐT và DN. Vì vậy, MTKD ở nhiều địa phương đã có những cải thiện nhất định, như Hà Nội đi đầu cả nước thực hiện thủ tục hành chính một cửa; Quảng Ninh chấm điểm cho các sở, ngành, địa phương, lấy sự hài lòng của người dân, DN làm thước đo cải cách; Đà Nẵng với tinh thần nụ cười công chức, hết việc chứ không hết giờ,... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tại nhiều địa phương, sự trì trệ vẫn diễn ra ở không ít nơi do một bộ phận công chức còn ít quan tâm, thờ ơ trước những khó khăn của DN. Việc một số thủ tục kiểm tra chuyên ngành đầy sự bất hợp lý nhưng thay đổi rất chậm, phát hiện vi phạm khi kiểm tra chuyên ngành chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng các cơ quan chuyên môn không áp dụng phương pháp quản lý rủi ro mà vẫn tiến hành kiểm tra gắt gao. Điều này dẫn đến hiệu quả trong công tác quản lý không cao, gây lãng phí nguồn lực, thời gian, hiệu quả kinh doanh của DN.
Thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi
NQ-19 lần đầu được ban hành năm 2014. Trong năm đầu triển khai, chỉ có số ít bộ, ngành, cơ quan, địa phương chủ động thực hiện, hầu hết chưa quan tâm, thậm chí thờ ơ với các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; ban hành kế hoạch hành động chưa bám sát các chỉ tiêu, không có lộ trình thời gian cũng như cách thức triển khai thực hiện cụ thể. Tuy nhiên, những năm tiếp theo, nhận thức về tầm quan trọng của việc triển khai NQ-19 đã có sự chuyển biến rõ nét tại nhiều cấp bộ, ngành và địa phương. Năm 2016, việc thực hiện NQ-19 đã đem lại nhiều kết quả tích cực, MTKD nước ta được cải thiện rõ nét. Bằng chứng là trong năm 2016, hơn 110 nghìn DN được thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 891 nghìn tỷ đồng, tăng 16,2% về số DN và 48,1% về vốn so với năm 2015; có gần 27 nghìn DN đã hoạt động trở lại. Thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 15,8 tỷ USD, tăng 9% với 2.556 dự án FDI đăng ký mới. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng ghi nhận MTKD của Việt Nam tăng chín bậc, từ vị trí 91 lên vị trí 82 trong số 190 quốc gia của bảng xếp hạng. Đây là mức cải thiện thứ hạng tốt nhất từ trước đến nay với sự thăng hạng cao của các chỉ số như bảo vệ NĐT tăng 31 bậc (từ 118 lên 87), giao dịch thương mại qua biên giới tăng 15 bậc (từ 108 lên 93),…
Mặc dù kết quả triển khai NQ-19 là rất đáng mừng, song TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng, tốc độ cải thiện MTKD như hiện nay của Việt Nam còn khá chậm, so với mục tiêu ngang bằng ASEAN 4 và xếp thứ 43 trên bảng xếp hạng thì khoảng cách còn khá lớn. Mặt khác, còn khá nhiều nhiệm vụ trong NQ-19 năm 2016 chúng ta vẫn chưa thực hiện được do công chức và bộ máy quản lý nhà nước nhìn chung vẫn thụ động, trì trệ, ít đổi mới, sáng tạo trong triển khai. Những thay đổi nếu có hầu hết đều do sức ép từ DN, từ Chính phủ và từ dư luận xã hội. Nhiều nhiệm vụ trước đây chưa có kết quả hoặc chưa được thực hiện thì NQ-19 năm 2017 lại đặt mục tiêu cao hơn, toàn diện hơn cho năm nay và các năm tiếp theo, cho nên việc thực hiện NQ-19 sẽ gặp nhiều thách thức hơn. Vì vậy, cần phải có hành động quyết liệt, phối hợp chặt chẽ trên nhiều tuyến với sự quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương để có được kết quả theo cấp số nhân, còn nếu chỉ tính theo phép cộng nho nhỏ thì khó hoàn thành mục tiêu đề ra.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TS Vũ Tiến Lộc, năm nay ngoài các mục tiêu chung thì NQ-19 đã cụ thể hóa các mục tiêu thành 250 chỉ tiêu, ứng với 250 nhiệm vụ cụ thể, được giao cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Từng chỉ tiêu đều nêu rõ điểm số, thứ hạng hiện nay là bao nhiêu và mục tiêu cần đạt được. Các NQ-19 trước đây cũng nêu trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, nhưng lại không chỉ rõ cần phải làm khâu nào, công đoạn nào, còn trong NQ-19 năm nay chỉ ra rất rõ ràng. Thí dụ, thủ tục cấp phép xây dựng hiện mất 166 ngày, mục tiêu năm 2017 là dưới 120 ngày, tới năm 2020 là dưới 90 ngày... Về mục tiêu lâu dài, nghị quyết đặt vấn đề thay đổi cách thức quản lý nhà nước, bỏ cơ chế xin - cho, chuyển từ phương thức quản lý thủ công sang phương thức quản lý điện tử, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. “Hiện nay, chúng ta lấy chuẩn mực của các nước ASEAN làm mục tiêu thúc đẩy cải thiện MTKD, tuy nhiên để đạt mục tiêu trở thành quốc gia có MTKD cạnh tranh nhất trong khu vực ASEAN vào năm 2020 thì cần cả bộ máy phải cải cách mạnh mẽ và thực chất hơn nữa. Nhất là tại địa phương, cần sáng tạo hơn trong cải thiện MTKD với quy trình giải quyết thủ tục hành chính rõ ràng, chủ động tiếp cận DN để lắng nghe DN muốn gì, cần gì, từ đó thay đổi, thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Có thể thấy, mục tiêu cuối cùng trong cải thiện MTKD là đem đến sự hài lòng cao nhất cho các NĐT, DN. Để có được một MTKD thông thoáng, minh bạch và cạnh tranh so với các quốc gia khác trong khu vực, rất cần sự nỗ lực không ngừng của các bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp tục triển khai có hiệu quả NQ-19 năm 2017 của Chính phủ.
Đối với những nhà đầu tư nước ngoài, việc được tạo điều kiện về chính sách thông thoáng, thủ tục đơn giản, cơ sở hạ tầng tốt là yếu tố quyết định để chúng tôi đầu tư vào Việt Nam. Đáng chú ý, chúng tôi luôn được chính quyền địa phương giải quyết hài hòa trong việc xử lý đền bù, giải phóng mặt bằng cho nên rất yên tâm đầu tư kinh doanh tại đây. Yun Jae Hyeon Trưởng phòng Hành chính-Nhân sự Công ty TNHH Mobase Việt Nam (KCN Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) |
MINH DŨNG