The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Nỗ lực thăng hặng chỉ số PCI trong năm 2023

Để Vĩnh Phúc tiếp tục là “bến đỗ” hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc năm 2023. Trong đó, đề ra nhiều giải pháp nhằm thăng hạng trở lại trong bảng xếp hạng PCI bằng cách cải thiện các chỉ số có thứ hạng thấp và duy trì thứ hạng của các chỉ số thành phần đã có thứ hạng cao, trọng tâm là đẩy mạnh hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư và phát triển doanh nghiệp (DN).
Chỉ số PCI sụt giảm về cả điểm số và thứ hạng
Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, điểm số PCI của tỉnh Vĩnh Phúc xếp vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành phố trên cả nước với 68,91 điểm, giảm 0,78 điểm và giảm 3 bậc so với năm 2021.
Cán bộ tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh nâng cao trách nhiệm, xử lý thủ tục hành chính nhanh gọn, phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp. Ảnh: Chu Kiều
Mặc dù hoàn thành mục tiêu đề ra (nằm trong top 10 tỉnh, thành phố) nhưng trong năm 2022, chỉ số PCI của tỉnh Vĩnh Phúc chứng kiến sự sụt giảm về cả điểm số và thứ hạng.
Trong tổng số 10 chỉ số thành phần, chỉ có 2/10 chỉ số tăng điểm và thứ hạng (Tính minh bạch; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự), 1/10 chỉ số giảm điểm và tăng thứ hạng (Chính sách hỗ trợ DN), 7/10 chỉ số giảm điểm và giảm thứ hạng ( Gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động, Đào tạo lao động).
Các chỉ số giảm điểm và giảm thứ hạng do nhiều nguyên nhân, khách quan có, chủ quan có nhưng chủ yếu là công tác tuyên truyền, quảng bá thông tin; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ; công tác quản lý Nhà nước, cải cách hành chính (CCHC) như tính năng động, tiên phong ở một số cấp, ngành chưa đáp ứng được kỳ vọng của DN khi thực hiện các thủ tục hành chính và giải quyết các vấn đề mới phát sinh trong hoạt động DN; DN phải bỏ ra khoản chi phí khác như chi phí đi lại, chi phí nhân công, chi phí thuê tư vấn dẫn đến tăng chi phí không chính thức...
Đơn cử như với chỉ số "Tiếp cận đất đai", trong năm 2021, là một trong những chỉ số được cải thiện tốt nhất của tỉnh khi tăng đến 54 bậc lên vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, đến năm 2022, chỉ số này có mức giảm sâu khi xếp thứ 31/63 tỉnh thành với 6,99 điểm, giảm 0,57 điểm và giảm 24 bậc so với năm 2021, không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (xếp vị trí thứ 10/63 tỉnh, thành phố).
Điều này cho thấy tỉnh cần có các giải pháp quyết liệt để cải thiện các tồn tại, vướng mắc trong việc tiếp cận đất đai cho DN.
Hay chỉ số "Đào tạo lao động", mặc dù chỉ số này của tỉnh có chuỗi tăng điểm và thứ hạng trong các năm vừa qua, tuy nhiên, năm 2022, chỉ số này tụt giảm đáng kể khi xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố với 6,07 điểm, giảm 0,74 điểm và giảm 10 bậc so với năm 2021 cho thấy việc đào tạo lao động, chất lượng lao động của tỉnh đang chững lại.
Theo đánh giá của nhiều DN, hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của tỉnh trong năm 2022 tuy đã triển khai có hiệu quả hơn các năm trước nhưng nhìn chung chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động, sự kết nối giữa DN, cơ sở đào tạo nhân lực và các trung tâm hoạt động dịch vụ việc làm còn nhiều hạn chế; đòi hỏi các ngành chức năng cần có giải pháp đột phá để cải thiện do đây là một trong các chỉ số có trọng số cao.
Tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp
Để cải thiện thứ hạng PCI, tiếp tục phấn đấu nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước trong năm 2023 và các năm tiếp theo, tạo dựng môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, thông thoáng cho DN, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể cải thiện, nâng cao các chỉ số thành phần có liên quan, coi đây là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác trong năm.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng KCN Bá Thiện II phân khu 2, tạo điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Ảnh: Chu Kiều
Cùng với đó, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện CCHC; cung cấp đầy đủ thông tin lên Cổng thông tin điện tử theo đúng quy định, trong đó đặc biệt quan tâm cung cấp đầy đủ các thông tin chiến lược, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT - XH của tỉnh, thành phố, huyện và các sở ngành; các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành; các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới...
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN đặc biệt là các vấn đề liên quan đến đất đai, lao động, thuế, thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước. Phát huy hiệu quả của Tổ giúp việc Chủ tịch UBND tỉnh và Tổ công tác đặc biệt của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc tháo gỡ khó khăn cho DN.
Đẩy mạnh công tác hỗ trợ bằng nhiều hình thức mới, hiệu quả cao hơn, đảm bảo công tác chăm sóc nhà đầu tư tại chỗ và tạo điều kiện đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước với sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của các DN tại tỉnh nhằm giúp các DN mở rộng thị trường, tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng...