The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Nỗi bất an mang tên điều kiện kinh doanh

Dù được xác định là trọng tâm cải cách môi trường kinh doanh, nhưng trong không ít văn bản đang được soạn thảo, những quy định về điều kiện kinh doanh vẫn khiến doanh nghiệp cảm thấy không an tâm.
Lấn cấn vì điều kiện không phù hợp
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề nghị bổ sung rõ quy định về các điều kiện cụ thể trong giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
VCCI từng đề nghị tương tự, khi Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 có quy định: giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện (gồm giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện, giấy phép sử dụng băng tần, giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh) sẽ được cấp kèm theo các điều kiện cụ thể, nhưng khi đó, nội dung này được cho là chưa rõ.
Hiện tại, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện cũng không quy định rõ các điều kiện này là gì và vì vậy, VCCI thấy cần phải lên tiếng. Theo quan điểm của VCCI, các điều kiện này được hiểu là sự hạn chế quyền sử dụng tần số của doanh nghiệp được cấp, cũng chính là hạn chế quyền tài sản của doanh nghiệp.
“Theo quy định tại Điều 14.2 của Hiến pháp năm 2013, việc hạn chế quyền chỉ được quy định trong luật, chứ không phải văn bản dưới luật. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung rõ quy định về các điều kiện cụ thể trong giấy phép vào luật này, như quan điểm VCCI đã góp ý đối với đề nghị xây dựng Luật”, VCCI viết trong văn bản gửi Cục Tần số vô tuyến điện đầu tháng 5/2022.
Nhưng, đó chưa phải là tất cả những lấn cấn mang tên điều kiện kinh doanh. Thực tế, tại khoản 2, Điều 19; khoản 2, Điều 20 và khoản 2, Điều 21 Luật Tần số vô tuyến điện đang có những điều kiện để được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, như sử dụng tần số và thiết bị vào mục đích pháp luật không cấm, có thiết bị, giấy phép viễn thông, hoạt động báo chí... tùy theo mục đích sử dụng, có phương án sử dụng khả thi.
Với suy đoán các điều kiện này nhằm loại bỏ một số cá nhân, tổ chức không sử dụng tần số sau khi được cấp giấy phép, gây lãng phí và cản trở các cá nhân, tổ chức khác có thể sử dụng hiệu quả hơn, nên VCCI cho rằng, quy định này phù hợp với trường hợp cấp phép trực tiếp hoặc thông qua thi tuyển, nhưng dường như không phù hợp với trường hợp cấp phép thông qua đấu giá.
Lý do là, trong đấu giá, bên tham gia đã phải trả chi phí rất lớn để có được quyền sử dụng tần số, nếu họ không sử dụng tần số một cách hiệu quả, thì sẽ chịu thua lỗ lớn.
“Do đó, việc quy định thêm các điều kiện trên dường như không còn cần thiết. Nếu bỏ các điều kiện này, có thể sẽ giúp tăng thêm các đơn vị tham gia đấu giá, giúp cuộc đấu giá trở nên cạnh tranh và lành mạnh hơn”, VCCI nhận định.
Biện pháp này cũng tương tự việc cấp quyền sử dụng đất hiện nay. Nếu doanh nghiệp xin đất không qua đấu giá hoặc xin chuyển mục đích sử dụng đất, thì cần phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư, mục đích là để Nhà nước bảo đảm rằng, doanh nghiệp đó sẽ sử dụng đất hiệu quả. Nhưng nếu doanh nghiệp mua đất qua đấu giá, thì không cần làm thủ tục xin chủ trương đầu tư.
Mối lo lớn trong các văn bản đang soạn thảo
Cùng thời điểm gửi văn bản trên tới Cục Tần số vô tuyến điện, VCCI còn có văn bản gửi Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) góp ý Dự thảo Tờ trình, Nghị quyết và Chương trình Hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Trong văn bản này, VCCI đặc biệt lưu tâm đến nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, được ghi trong Chương trình Hành động của Chính phủ, trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các chính sách pháp luật.
Theo VCCI, việc rà soát, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo, chưa đầy đủ hoặc có vướng mắc để tháo gỡ điểm nghẽn phát triển kinh tế tư nhân là rất cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp này có mối lo lớn từ các văn bản đang trong giai đoạn soạn thảo, dự kiến ban hành, thậm chí là vừa ban hành.
“Vẫn xuất hiện hiện tượng một số quy định dự kiến ban hành hoặc mới ban hành làm gia tăng chi phí một cách bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải có cơ chế để kiểm soát hiệu quả hơn chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, kinh doanh đang soạn thảo, đồng thời với hoạt động rà soát, kiến nghị các chính sách hiện hành”, VCCI gửi kiến nghị tới CIEM, cơ quan đang chịu trách nhiệm hoàn tất Chương trình Hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW.
Cụ thể, VCCI đề nghị, với các quy định về điều kiện kinh doanh, trong quá trình xây dựng văn bản, cần có ý kiến đánh giá về điều kiện kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các ý kiến thẩm định của văn bản có quy định về điều kiện kinh doanh phải có đánh giá, ý kiến riêng về điều kiện kinh doanh; bổ sung trách nhiệm của các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ thẩm định, thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật…
Đây không phải lần đầu VCCI có đề xuất như vậy, nhưng dường như, phiền hà trong các quy định về điều kiện kinh doanh lại nổi lên sau một thời gian được cải thiện đáng kể.
Trong cuộc khảo sát của VCCI với các doanh nghiệp trong khuôn khổ Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa công bố cuối tháng 4/2022, có tới 47% trong số khoảng 11.000 doanh nghiệp tham gia điều tra cho rằng, các hướng dẫn thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện không rõ ràng, đầy đủ; cũng bằng đó doanh nghiệp cho rằng, quy trình giải quyết thủ tục không đúng như quy định...
Chỉ 38,9% doanh nghiệp cho biết, không gặp khó khăn gì khi thực hiện thủ tục hành chính cấp phép kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện và 43,4% doanh nghiệp cho biết, thời gian giải quyết thủ tục không kéo dài hơn so với quy định. Chỉ có 39,1% doanh nghiệp ghi nhận chi phí cấp phép kinh doanh có điều kiện không vượt quá mức phí, lệ phí được quy định trong văn bản pháp luật.
“Chúng tôi đã đặt câu hỏi với các doanh nghiệp tham gia khảo sát là những trở ngại như trên đã ảnh hưởng thế nào đến kế hoạch kinh doanh. Câu trả lời thực sự đáng lo ngại. Đó là có tới 21,7% doanh nghiệp trả lời phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh vì những phiền hà về cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết.
Trong báo cáo của CIEM, giai đoạn 2017 - 2021, các bộ, ngành đã tích cực rà soát và kiến nghị Chính phủ ban hành, sửa đổi, bãi bỏ quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý. Đã có hơn 3.000 trong số khoảng 5.749 điều kiện kinh doanh được cắt bỏ, đơn giản hóa. Số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện giảm đáng kể, từ 267 ngành trong Luật Đầu tư năm 2014, còn 227 ngành trong Luật Đầu tư năm 2020.
Phần việc này vẫn tiếp tục là một trọng tâm của Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 cũng như của Nghị quyết số 02/2022/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng, những cải cách đã thực hiện trên văn bản cần có đánh giá về hiệu quả thực thi.
“Ngành nghề kinh doanh có điều kiện tuy thu gọn về số lượng, nhưng chưa thực chất. Nỗ lực cải cách còn hình thức, chưa thực sự bám sát thực tiễn doanh nghiệp. Đó chính là lý do doanh nghiệp luôn cảm thấy bất an mỗi khi có quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh cũng như các quy định liên quan đến thủ tục hành chính, thủ tục kiểm tra chuyên ngành”, bà Thảo thừa nhận.