Nội lực Bắc Ninh
Những thương hiệu như Samsung, Microsoft, Canon, PepsiCo, Foxconn... đang hiện hữu tại các KCN đã khẳng định sức lôi cuốn, sự quyến rũ của đất và người Bắc Ninh với các nhà đầu tư nước ngoài. Sự quyến rũ ấy được minh chứng bằng sức hút của dòng vốn FDI vào tỉnh liên tục tăng suốt từ năm 2006 đến nay, đưa Bắc Ninh trở thành địa phương nhiều năm liền (từ 2011- 2014) đứng trong Top đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài vào KCN. Ước tính bình quân mỗi năm thu hút hơn 1 tỷ USD. Nếu như năm 2009 tổng vốn thu hút đầu tư vào các KCN tập trung đạt chỉ đạt hơn 3,43 tỷ USD, thì đến nay đã lên tới hơn 8,55 tỷ USD, riêng vốn FDI chiếm hơn 7,25 tỷ USD. Nguồn vốn khổng lồ này đã, đang giải ngân kiến tạo những KCN quy mô và hiện đại. Mỗi KCN thể hiện một vai trò và đẳng cấp khác nhau. Ví như KCN Tiên Sơn-khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh, là nền tảng quan trọng để tạo đà cho Bắc Ninh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại. KCN Vsip là đặc trưng cho loại hình KCN-đô thị kiểu mẫu với sự hiện diện của nhà đầu tư chiến lược Microsoft là điểm nhấn ấn tượng. KCN Yên Phong với 3,5 tỷ USD vốn đầu tư của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đã, đang triển khai và tiến tới hoàn thiện thành Khu tổ hợp công nghệ Samsung quan trọng nhất của tập đoàn này trên thế giới. KCN Quế Võ là các dự án vệ tinh của Samsung, Canon, tạo thành KCN hỗ trợ quan trọng cung cấp linh kiện cho các nhà đầu tư chiến lược...
Chia sẻ về môi trường đầu tư của Bắc Ninh, Phó Chủ tịch Tập đoàn Microsoft Brad Smith khẳng định: "Bắc Ninh có môi trường đầu tư tốt, hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng được yêu cầu khắt khe của Microsoft và có nguồn nhân lực dồi dào, ưu tú. Với chiến lược phát triển toàn cầu của Microsoft là đi đầu trong lĩnh vực truyền thông di động, Nhà máy tại Bắc Ninh chiếm vị trí hết sức quan trọng. Tập đoàn Microsoft đang tiến hành chuyển giao 49 dây chuyền sản xuất từ các nhà máy tại Trung Quốc, Hungary và Mexico về nhà máy tại Bắc Ninh, với mục tiêu xây dựng nhà máy thành cứ điểm quan trọng của Tập đoàn, nhằm mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu của Microsoft. Có được những bước khởi đầu thuận lợi, Tập đoàn đặc biệt cảm ơn sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và chủ đầu tư hạ tầng KCN Vsip đã tạo điều kiện về mọi mặt cho Nhà máy Microsoft đi vào hoạt động và giải ngân vốn đầu tư theo đúng cam kết".
Từ các KCN tạo ra những sản phẩm điện tử hiện đại nhất thế giới như Smart phone; máy tính bảng; note PC; máy in, điện thoại thông minh, màn hình LCD, modul... đã biến miền quê Quan họ trở thành "Trung tâm sản xuất điện thoại di động, hàng điện tử xuất khẩu lớn nhất cả nước". Đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu của Việt Nam, giảm sự chênh lệch trong cán cân thương mại quốc tế và chuyển dịch sang hướng xuất siêu. Bắc Ninh trở thành tỉnh có giá trị xuất siêu vào năm 2009 với sự đi vào hoạt động của dự án Samsung. Năm 2013, dự án Microsoft (Nokia) đi vào hoạt động nâng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh lên 25 tỷ USD, riêng Samsung đạt 23 tỷ USD. Năm 2014, tuy tình hình kinh tế chung chưa vượt qua giai đoạn suy thoái nhưng giá trị xuất khẩu của các KCN vẫn đạt hơn 23,6 tỷ USD, riêng Công ty Samsung Electronics Việt Nam (KCN Yên Phong) chiếm khoảng gần 20 tỷ USD; Microsoft (hơn 1,2 tỷ USD), Canon (khoảng hơn 1 tỷ USD)... Ước tính bình quân mỗi năm nhà máy Canon Tiên Sơn xuất xưởng gần 7,5 triệu sản phẩm máy in; năm 2014 Samsung Electronics sản xuất 141 triệu điện thoại, máy tính bảng, smart phone, camera... lũy kế hết năm 2014, sản xuất 511 triệu sản phẩm điện tử các loại. Đặc biệt dự án Samsung Display sẽ tạo ra hàng loạt màn hình linh hoạt (Flexsible display) đầu tiên trên thế giới vào quý II năm 2015.
Các KCN đã huy động được lượng vốn đầu tư lớn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, trong đó có hàng trăm dự án đầu tư của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đầu tư đa dạng về ngành nghề, quy mô, trình độ công nghệ, tập trung vào các lĩnh vực điện, điện tử, viễn thông, cơ khí chính xác, đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế-xã hội. Tốc độ gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp trong các KCN đều vượt, năm sau cao hơn năm trước. Bình quân 1ha đất công nghiệp tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp gần 215 tỷ đồng/ha, giá trị xuất khẩu gần 11 triệu USD/ha, tạo việc làm cho hơn 120 lao động/ha, đã thấy rõ hiệu quả và đóng góp nổi bật của các KCN. Với 448 dự án đang sản xuất tại các KCN đã mang lại doanh thu ước đạt 557.500 tỷ đồng và nộp ngân sách ước 6.500 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 167 nghìn lao động, thu nhập bình quân của lao động trực tiếp sản xuất đạt khoảng 4,9 triệu đồng/ người/tháng.
Là người tâm huyết, nhiều năm làm trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư và trực tiếp tham gia đàm phán các dự án lớn, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh Ngô Sỹ Bích trải lòng: Để kiến tạo lên những KCN ẩn chứa nội lực và sức hút mãnh liệt là một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, toàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Xuyên suốt 16 năm qua, tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý các KCN, các ngành chức năng, các địa phương luôn bám sát mục tiêu, chủ động nghiên cứu, rút kinh nghiệm, triển khai nhiều giải pháp tích cực để phát triển các KCN là nhân tố quyết định tăng trưởng kinh tế, tạo một thương hiệu riêng cho công nghiệp Bắc Ninh. Năm 2014, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, vấn đề Biển Đông phần nào ảnh hưởng tới người lao động KCN trong cả nước, song Bắc Ninh giữ vững ổn định trính trị, trật tự an toàn trong các KCN, tiếp tục gặt hái được nhiều thành công về thu hút đầu tư. Ngay trong tháng cuối cùng của năm 2014, Ban Quản lý các KCN cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư cho một số dự án, với số vốn hơn 100 triệu USD. Năm 2014, tổng số vốn đăng ký và điều chỉnh thu hút vào các KCN tập trung đạt hơn 1,74 tỷ USD, riêng vốn FDI đạt hơn 1,58 tỷ USD (cao nhất cả nước). Với nền tảng đã tạo dựng, những năm tới Bắc Ninh tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, chú trọng lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn. Tập trung thu hút các dự án vệ tinh cho Samsung, Canon, Microsoft. Đẩy mạnh giải ngân các dự án đã cấp phép sớm đi vào hoạt động giải quyết việc làm và tạo giá trị gia tăng. Thực hiện hiệu quả 6 đề án dịch vụ KCN. Đánh giá đúng bản chất các dự án đầu tư, tạo thuận lợi và hỗ trợ để các dự án lớn sản xuất theo đúng mục tiêu kế hoạch, công suất thiết kế nhằm tăng giá trị sản lượng công nghiệp lên mức tối đa, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Được coi là tỉnh nghèo tài nguyên và có diện tích nhỏ nhất cả nước, nhưng với tầm nhìn chiến lược, phát huy nội lực, biến những hạn chế thành lợi thế cạnh tranh, chỉ sau 17 năm chia tách (1997), Bắc Ninh đã có bước phát triển ấn tượng về kinh tế - xã hội. Đặc biệt nhiều năm liền nằm trong Top dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và có nguồn thu ngân sách lớn. Và mục tiêu đến 2015 Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đang dần trở thành hiện thực.
Về Bắc Ninh trong những đầu xuân mới, du khách và bạn bè khắp nơi sẽ thấy trên vùng đất trăm nghề truyền thống nổi tiếng cả nước không chỉ có nghề làm Gốm Phù Lãng, Làng tranh Dân gian Đông Hồ, đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ... mà còn được biết đến là nơi hội tụ của các Tập đoàn công nghiệp điện tử viễn thông toàn cầu đến đầu tư, dựng nghiệp. Các KCN hiện đại, khu đô thị văn minh kết nối các vùng miền trong tỉnh tạo nên diện mạo mới khỏe khoắn, năng động cho quê hương của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Dân ca Quan họ càng thêm sức quyến rũ.
Ghi chép của Thái Uyên
Theo Baobacninh.com.vn ngày 11/02/2015