Ô tô điện liệu có thể là con đường "ngách" để Việt Nam xây dựng được thương hiệu ô tô của mình?
Sau thời gian dài ô tô điện nhận được sự quan tâm mờ nhạt từ phía nhà nước, mới đây, Công ty CP IMG Innovations - công ty thành viên của Tập đoàn IMG - vừa gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ xin giảm thuế nhập khẩu đối với dự án phát triển ô tô điện Tesla (Mỹ) tại Việt Nam.
Đón đầu xu hướng
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng bày tỏ quan điểm không nên áp đặt các điều kiện ngặt nghèo của sản xuất ô tô truyền thống cho dòng xe điện.
Theo VCCI, ô tô điện đang là xu hướng phát triển mới của thế giới và được dự đoán sẽ có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Dòng xe này góp phần giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm ô nhiễm không khí do khí thải, góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra, đây là loại xe mới, nhiều hãng sản xuất đang trong giai đoạn thử nghiệm, mới một số ít sản xuất hàng loạt. Do đó, nếu phải tuân thủ các quy định quản lý quá cứng nhắc có thể dẫn đến cản trở sáng tạo, cản trở khả năng nghiên cứu, thử nghiệm của các nhà khởi nghiệp Việt Nam.
Một trong những mẫu ô tô điện do hãng Tesla (Mỹ) chế tạo và sản xuất. (Ảnh chụp tại Mỹ) Ảnh: Hoài Dương
VCCI cũng đánh giá đây là lĩnh vực mới nên áp lực cạnh tranh trên thị trường xe điện chưa mạnh mẽ bằng dòng xe chạy nhiên liệu hóa thạch dưới 9 chỗ, các hãng sản xuất chưa có nhiều thương hiệu mạnh và cũng chưa có được quy mô sản xuất lớn để tiết giảm chi phí. Chính điều này gợi mở khả năng phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam theo hướng sản xuất xe điện. "Vì những lý do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo loại ô tô chạy điện ra khỏi phạm vi điều chỉnh của nghị định nhằm không làm cản trở cơ hội phát triển xe chạy bằng điện tại Việt Nam" - VCCI bày tỏ quan điểm.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, nói rõ thêm rằng quan điểm của VCCI là không nên để điều kiện kinh doanh, sản xuất ô tô vốn rất khó khăn, ngặt nghèo như dây chuyền, máy móc… hiện tại cản trở sự phát triển, chế tạo ô tô điện vốn có nhiều lợi ích, nhất là về môi trường. Dĩ nhiên, việc loại ô tô điện ra khỏi đối tượng điều chỉnh của nghị định không có nghĩa là thả lỏng các điều kiện để chiếc ô tô vận hành trên đường không được quản lý, ràng buộc nhằm bảo đảm lợi ích, an toàn cho người tiêu dùng. Bất cứ phương tiện nào vận hành trên đường đều phải đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ về đăng kiểm phương tiện, các tiêu chuẩn về an toàn vận tải.
Bản thân Công ty CP IMG Innovations cũng cho rằng theo xu hướng phát triển của thế giới nói chung, ngành công nghiệp ô tô, phương tiện vận tải nói riêng thì ô tô điện và các phương tiện vận tải bằng điện sẽ chiếm ưu thế trong tương lai rất gần, thậm chí sẽ thay đổi bản đồ công nghiệp và năng lượng trên thế giới. Do đó, doanh nghiệp (DN) này kiến nghị giảm giảm thuế nhập khẩu ô tô điện Tesla tương tự như các nước xung quanh là 0% trong khoảng thời gian thử nghiệm 3-5 năm rồi có thể tăng dần sau đó (hiện nay thuế này đang là 70%). Đồng thời, xem xét biểu thuế nhập khẩu có thuế suất ưu đãi tối đa là 0% cho ô tô điện và xem xét việc điều chỉnh giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng xe này.
Ý tưởng sản xuất ô tô điện cũng nhận được sự đồng tình của ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Ô tô Thiên An Phúc. Theo ông, ngành sản xuất ô tô truyền thống chưa đạt được thành tựu như kỳ vọng và thời cơ để thúc đẩy sản xuất trong nước, trong đó có thúc đẩy ngành luyện thép, đã qua rồi. Do đó, đi vào đường "ngách" là sản xuất công nghệ cao thay cho công nghiệp cơ khí có thể là cơ hội vàng cho công nghiệp của Việt Nam. "Đây là cơ hội ngắn ngủi cho chúng ta khi mà tất cả đều ở điểm xuất phát với chi phí phải chịu cùng đắt đỏ như nhau. Đợi khi các nước làm hết xe điện rồi mới bắt tay vào như xe nhiên liệu hóa thạch bây giờ thì không bao giờ đuổi kịp, chỉ chạy sau thôi" - ông Nguyễn Tuấn nói.
Làm được không?
Theo ông Nguyễn Tuấn, việc tiếp cận với công nghệ sản xuất xe điện là điều không quá khó và nếu có sự nghiên cứu cũng như liên kết ngành, liên kết DN hoàn toàn có thể làm được. "Trong xe điện, khó nhất chính là sản xuất pin và bộ sạc. Trước sạc 8 giờ thì nay làm sao sạc 4 giờ thôi. Ngoài ra, có thể tận dụng nhờ Vinaxuki giúp bộ khung xe, FPT sản xuất 4 môtơ ở bánh và pin sạc nhanh bởi bản thân FPT đã làm cái này. Vai trò của Chính phủ ở chỗ kết nối, kêu gọi liên kết bởi một DN không thể làm được. Đồng thời, cùng với các địa phương đầu tư điểm hỗ trợ cắm sạc điện như ở bãi đỗ xe, hầm chung cư… để khuyến khích sử dụng xe điện" - ông Nguyễn Tuấn góp ý.
Giám đốc Công ty Ô tô Thiên An Phúc cũng cho hay nếu có cơ sở hạ tầng tốt và ưu đãi từ phía nhà nước thì công ty của ông sẽ tìm các nhà sản xuất xe điện để cung cấp linh kiện, tham gia vào chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, quan trọng nhất là các chính sách cần phải rõ ràng, cụ thể, không thể "nói xong để đấy". "Chính phủ phải chớp lấy thời cơ, nghiên cứu cụ thể về tiêu chuẩn, hỗ trợ, nếu không thì không ai dám làm cả, có muốn đầu tư cũng không biết bắt đầu từ đâu. Ô tô truyền thống cũng chỉ vì nhiều chính sách không ổn mà đến 20 năm không nội địa hóa nổi" - ông Nguyễn Tuấn nói.
Bày tỏ quan điểm ủng hộ xe điện bởi tính thân thiện với môi trường nhưng ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Công ty CP Thương mại KYLIN-GX668 (Hải Phòng), cho biết hạn chế của các dòng xe điện hiện nay là pin chỉ đủ chạy khoảng 200 km trở xuống. Như thế, chỉ ở những quốc gia phát triển, có đầy đủ hạ tầng, trạm sạc thì người dân mới mặn mà sử dụng dòng xe thân thiện với môi trường này. "Việt Nam tạm thời chưa thể đầu tư ngay hệ thống sạc điện. Với tiềm lực và hạ tầng như hiện nay thì phải có những ưu đãi rất sâu về thuế để hạ giá xe nhằm thu hút người dân. Khi ấy, những người không có nhu cầu chạy đường dài, chỉ đi loanh quanh trong TP sẽ chấp nhận đầu tư một khoản tiền để mua xe điện, coi như đánh đổi chi phí ban đầu thấp bằng việc không đi xa được. Sau đó, khi nhu cầu thấy rõ, thị trường chấp nhận thì sẽ phát triển các trạm sạc điện, chuyển sang sản xuất dung lượng lớn. Bản thân các nước phát triển cũng phải làm từng bước như vậy" - ông Hùng cho hay.
Ông Đào Phan Long, Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI):
Không phải cứ nói là làm được
Nếu làm được dòng xe giải quyết vấn đề môi trường tốt thì rất đáng ủng hộ. Nhưng vấn đề là chúng ta đang làm ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch còn chưa xong mà giờ lại chuyển sang ô tô điện hoặc ôm đồm làm cả 2 loại thì liệu có làm nổi không? Chưa kể chuyển sang sản xuất và sử dụng ô tô điện thì hệ thống đường sá chưa phù hợp. Xây dựng, hình thành mạng lưới sạc điện không phải dễ dàng, cứ nói là làm được. Nhiều nước trên thế giới cũng chưa làm được. Ở ta, cơ sở, điều kiện hạ tầng như thế này thì khó nên mục tiêu là tốt nhưng thực hiện còn phải cân nhắc nhiều.
Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Ô tô Thiên An Phúc:
Trước mắt cần ưu đãi về thuế
Hiện nay, xe điện chi phí sản xuất đắt hơn xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch nhưng nếu nhìn vào tương lai thì việc sản xuất là hợp lý. Đầu tiên chấp nhận đắt nhưng 5-10 năm nữa, sản xuất đồng loạt và có nghiên cứu dòng xe này thì sẽ cải thiện được. Lúc đấy xe điện mới có lợi thế về giá. Phải chấp nhận giai đoạn quá độ vì mục tiêu sử dụng phương tiện giao thông không gây ô nhiễm môi trường, không bị chảy máu ngoại tệ thông qua nhập khẩu xăng dầu.
Về chính sách ưu đãi, thuế tiêu thụ đặc biệt với xe điện kể cả nhập khẩu hay sản xuất đều phải thấp hơn xe truyền thống khoảng 50% để khuyến khích dân dùng xe này. Khi đó, nếu nhà nước không làm, tư nhân sẽ làm, thu hút và chia cơ hội được cho DN ô tô nhỏ và vừa bằng cách DN sẽ tham gia mảng nào họ có thế mạnh.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Công ty CP Thương mại KYLIN-GX668 (Hải Phòng):
Cần tránh con đường "lắp ráp"
Tôi không mấy tin tưởng vào "mơ ước" sản xuất ô tô điện của Việt Nam. Bởi lẽ, với trình độ sản xuất hiện nay thì chắc chắn vẫn sẽ phải nhập khẩu linh phụ kiện rời rạc về lắp ráp. Khi đó, sẽ đi lại con đường tuy gọi là sản xuất nhưng thực chất là lắp ráp của ô tô truyền thống. Vì vậy, việc đề xuất ưu đãi cho dòng xe này cần làm rõ xem hướng tới ưu đãi cho sản xuất hay nhập khẩu. Theo tôi, nên nghiêng về ưu đãi nhập khẩu xe điện khi chúng ta chưa tự làm được.
P.Nhung ghi
Cafef