The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Ô tô phải có bình chữa cháy vào danh sách 'quy định kém'

Quy định ô tô phải trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy tại thông tư 57 của Bộ Công an là 1 trong số các quy định pháp luật được xếp vào loại "quy định kém".

Ô tô phải có bình chữa cháy vào danh sách 'quy định kém' - ảnh 1

Đó là kết quả của cuộc bình chọn các quy định pháp luật năm 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Dự án hỗ trợ tái cơ cấu nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (RCV) thực hiện vừa công bố ngày 28.2.

Cụ thể, quy định này được xếp loại kém sau khi căn cứ trên các tiêu chí về tính hợp lý, tính khả thi. Theo đó, hội đồng bình chọn cho rằng, về tính hợp lý, thì thực tế việc để bình cứu hỏa trên xe ô tô không có thiết kế cho lắp đặt dạng này có thể gây nhiều nguy cơ về cháy nổ (bình có thể phát nổ khi ở nhiệt độ cao và điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi xe lưu thông trên đường vào mùa hè, nhiệt độ lên tới trên 40 độ C) hoặc không có khả năng ứng cứu đối với các trường hợp cháy phương tiện. Vì vậy, quy định này gần như không đạt được mục tiêu chính sách.

Trong khi xét về mặt khả thi thì hiện nhiều loại xe ô tô do không có thiết kế để lắp đặt bình cứu hỏa. Do đó, yêu cầu các loại xe này phải có bình cứu hỏa sẽ khiến cho người sử dụng phương tiện không biết đặt bình cứu hỏa ở đâu trong xe. Điều này sẽ gây bất tiện thậm chí là mất an toàn khi sử dụng phương tiện.

Một tiêu chí khác là về chi phí tuân thủ thì quy định này khiến chi phí thực hiện khá cao. Ước tính với 3,5 triệu ô tô hiện có ở Việt Nam và mỗi ô tô phải trang bị bình chữa cháy và bình có hạn sử dụng 5 năm thì chi phí xã hội phải bỏ ra lớn hơn nhiều trong khi hiệu quả của quy định này còn nhiều vấn đề đáng bàn.

Một số quy định khác nằm trong nhóm quy định kém như điều 25 Nghị định 83 về đầu tư ra nước ngoài. Quy định này bắt buộc doanh nghiệp có dự án đầu tư ra nước ngoài khi quyết định chấm dứt hoạt động hoặc chuyển nhượng dự án thì phải nộp hồ sơ xin được chấm dứt hiệu lực và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Hay quy định tổ chức hành nghề công chứng khi thay đổi trụ sở thì phải thay đổi tên gọi của Văn phòng công chứng tại điều 79 luật Công chứng.

Một văn bản khác nữa là Nghị định số 73 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục (khoản 1 điều 24). Theo đó, cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài được phép tiếp nhận học sinh Việt Nam, nhưng số học sinh Việt Nam ở trường tiểu học và trung học cơ sở không quá 10% tổng số học sinh của trường, ở trường trung học phổ thông không quá 20% tổng số học sinh của trường.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, đây là lần đầu tiên thực hiện cuộc bình chọn nên phạm vi các quy định pháp luật được đánh giá chỉ dừng lại ở các quy định trong các văn bản pháp luật cấp Trung ương và được ban hành trong khoảng thời gian 2011- 2015. Các tiêu chí đánh giá như sự cần thiết, tính hợp lý, tính thống nhất, tính khả thi, tính minh bạch, chi phí tuân thủ, quyền tự do kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh…

Thông qua website, điện thoại, thư điện tử và thư bưu chính, VCCI đã nhận được gần 9.300 đề cử các quy định từ hơn 1.700 cá nhân và tổ chức. Một Hội đồng chuyên gia được thành lập nhằm hỗ trợ, định hướng về chuyên môn và đưa ra quyết định trong Cuộc bình chọn.

Hội đồng này gồm 16 thành viên là các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng thể chế kinh tế, pháp luật về thương mại, và đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp do VCCI mời. Những cái tên đáng chú ý trong hội đồng như các chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Nguyễn Đình Cung, Phan Đức Hiếu. Các luật sư có tên tuổi như Trần Hữu Huỳnh, Lê Hồng Sơn (nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp)…

Chí Hiếu

Báo Thanh Niên