Ông Đậu Anh Tuấn: Phòng chống tham nhũng, ngoài luật pháp nghiêm còn cần văn hóa kinh doanh liêm chính từ phía doanh nghiệp
“Khi môi trường kinh doanh lành mạnh, tin cậy thì các chi phí vận hành khác sẽ giảm và có lợi chung cho toàn thể nền kinh tế”
Tham nhũng đã và đang đe dọa tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế, cản trở cạnh tranh lành mạnh và suy giảm nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên tại Việt Nam tham nhũng đang được nhìn nhận dưới góc độ hành chính công hơn là trong khu vực tư nhân.
“Trước nay chúng ta vẫn nhấn mạnh chống tham nhũng trong khu vực công, giải quyết thủ tục hành chính cấp phép chứ thật ra chống tham nhũng trong khu vực tư rất quan trọng”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Phòng pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ tại họp báo hôm 26/4.
Ông Tuấn cho biết thực hiện tốt phòng chống tham nhũng trong doanh nghiệp giúp bảo vệ nhà đầu tư, bảo vệ khách hàng, gia tăng tính hiệu quả các quan hệ kinh tế và thúc đẩy sự dịch chuyển nguồn lực xã hội tốt hơn.
“Khi môi trường kinh doanh lành mạnh, tin cậy thì các chi phí vận hành khác sẽ giảm và có lợi chung cho toàn thể nền kinh tế”, ông kết luận.
Thực tế tại Việt Nam, doanh nghiệp không chỉ là nạn nhân mà còn là tác nhân gây tham nhũng. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2016 do VCCI công bố, có tới 66% doanh nghiệp trong nước thừa nhận đã chi trả chi phí không chính thức, 61,5% doanh nghiệp có hành vi biếu tiền và hầu như tất cả đều có hành vi “lại quả” cho đối tác.
Ngoài ra, việc thực hiện công bố thông tin về chương trình phòng chống tham nhũng của doanh nghiệp Việt Nam còn đang ở mức thấp. Báo cáo của Tổ chức Hướng tới minh bạch TRAC Việt Nam cho thấy trong số 30 doanh nghiệp lớn tham gia khảo sát, mức độ công khai thông tin phòng chống tham nhũng chỉ khoảng 10% (100% là công khai nhiều nhất, 0% là công khai ít nhất). Trong đó khối doanh nghiệp nhà nước đạt điểm thấp nhất (1,9%), tiếp theo là các công ty niêm yết (5,1%) và dẫn đầu là nhóm doanh nghiệp FDI.
“Muốn phòng chống tham nhũng, không chỉ cần hệ thống pháp luật nghiêm hơn, thực tế hơn mà còn cần văn hóa kinh doanh liêm chính, cái này nhà nước không tạo được, bản thân doanh nghiệp phải làm”, ông Tuấn cho biết.
Ông kể cách đây mấy năm trong chuyến đi Hong Kong, ông biết chuyện một vị lãnh đạo cảng sân bay có nhờ một hãng hàng không hỗ trợ vì anh trai lãnh đạo mang quá tiêu chuẩn 7kg hành lý. Đại diện hãng hàng không đồng ý, tiện thể nhờ vị lãnh đạo bố trí một chỗ đậu máy bay gần cảng vì sắp tới một chuyên cơ của hãng sẽ sang Hong Kong.
Lãnh đạo cảng sau đó gửi các email này cho nhân viên dưới quyền, đề nghị hỗ trợ. Kết quả là nhân viên báo cáo lên cơ quan phòng chống tham nhũng, lãnh đạo bị cắt chức, doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng theo.
“7kg cước hành lý giá trị rất bé, nhưng theo pháp luật Hong Kong đấy là hành vi tham nhũng, bị xử phạt rất nặng”, ông Tuấn cho biết.
Theo ông, nhiều doanh nghiệp nhỏ có tâm lý là phải chi trả phí “bôi trơn” thì mới có cạnh trạnh, nhưng khi chi phí không chính thức càng cao, thì đổi mới, sáng tạo sẽ càng ít. “Càng trả, động lực sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới càng giảm, càng không có lợi thế cạnh tranh, thế là rơi vào vòng luẩn quẩn”.
Muốn phát triển theo hướng bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nói không với tiêu cực, tham nhũng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp liêm chính. “Đây là quy định pháp luật, là đạo đức kinh doanh, cũng là tiêu chuẩn quan trọng trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp gia nhập chuỗi kinh doanh toàn cầu”, ông Tuấn kết luận.
Theo Trí Thức Trẻ