The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Ông Trương Đình Tuyển: 'Trong thách thức luôn tiềm ẩn cơ hội'

Năm 2015, Việt Nam đã ký tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hòa nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Hội nhập kinh tế, Nghệ An có những thuận lợi, thách thức nào? phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Tuyển - Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại xung quanh vấn đề này.

Cần khai thác tiềm năng con người Nghệ An

P.V: Theo ông, Nghệ An có những thuận lợi nào khi gia nhập Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP)?

Ông Trương Đình Tuyển: Tôi từng có thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, xa Nghệ An hơn 10 năm nhưng tôi thường xuyên theo dõi tình hình của tỉnh và rất vui mừng trong thời gian gần đây Nghệ An có những thay đổi, chuyển động. Cụ thể là kết quả thu hút đầu tư nước ngoài tăng lên, có những nhà đầu tư lớn đã vào tỉnh, trong đó có khu công nghiệp VSIP.

Tiềm năng lớn nhất, quan trọng nhất là Nghệ An có nguồn nhân lực, lao động cần cù chịu khó, người Nghệ An thông minh ham học và đây là tài sản quý giá nhất, tỉnh phải làm sao phát huy được nguồn lực này. Về mặt sản phẩm hàng hoá, tỉnh có nhiều thứ nhưng quy mô bé. Trước mắt có thể tận dụng được một số sản phẩm có thể đẩy mạnh xuất khẩu được vào được thị trường TPP. Đó là sản phẩm dệt may. Mặc dù chưa phải là trung tâm lớn so với các tỉnh khác nhưng đã thu hút được nhiều dự án, nhiều doanh nghiệp không chỉ đầu tư ở TP. Vinh mà cả các huyện khác trên địa bàn. Khi TPP có hiệu lực, thuế dệt may giảm về 0%, sức cạnh tranh rất lớn và độ chênh lệch về thuế đủ để chúng ta có thể tăng xuất khẩu hàng dệt may vào TPP.

Thứ 2 là thiết bị điện tử và linh kiện, mặc dù Nghệ An không có doanh số lớn nhưng vài năm gần đây chúng ta đã thu hút đầu tư lĩnh vực này, ví như công ty Hàn Quốc ở KCN Bắc Vinh, sản xuất những sản phẩm có thể xuất khẩu vào TPP với tốc độ tăng trưởng rất cao, có thể nói đây là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất vào thị trường thế giới, trong đó có TPP, EU và thiết bị này đã được giảm thuế xuống 0% rất nhanh, mà chúng ta có thể tăng cường xuất khẩu được. Với KCN VSIP, nhà đầu tư nước ngoài sẽ vào đầu tư lĩnh vực linh kiện điện tử - thiết bị điện...

Tiềm năng thứ 3 là đồ gỗ, sản phẩm gỗ, trừ gỗ dăm vì EU đánh thuế gỗ dăm rất cao và không khuyến khích xuất khẩu gỗ dăm, chủ yếu khuyến khích đồ gỗ trồng, trong đó có gỗ ngoài trời, trong nhà... Nghệ An không phải là vùng sản xuất đồ gỗ lớn nhất, nhưng Nghệ An là nơi có những cơ sở sản xuất rất tốt.

Nhưng tôi nhắc lại, tiềm năng lớn nhất là con người Nghệ An, chúng ta cần tận dụng khai thác nguồn lực này, và phát triển ngành công nghệ cao, sử dụng nguồn nhân lực khá của tỉnh nhà.

Trong thách thức luôn tiềm ẩn cơ hội

P.V: Cùng với các thế mạnh đó, thách thức, rào cản lớn nhất của Nghệ An là gì, thưa ông?

Ông Trương Đình Tuyển: Thách thức lớn nhất là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, được hình thành trên cơ sở năng lực cạnh tranh thể chế và môi trường kinh doanh - do Nhà nước quyết định. Nhà nước Trung ương quyết định thể chế, Nhà nước địa phương, chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện quyết định môi trường kinh doanh. Môi trường kinh doanh cụ thể hoá những nội dung của thể chế vào hoạt động kinh doanh trên địa bàn.

Vấn đề đặt ra là Nghệ An phải đưa được chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh chủ yếu là môi trường kinh doanh ở mức trung bình hoặc mức khá của Việt Nam - đó là thách thức lớn nhất đối với các cơ quan cấp tỉnh. Phải làm thế nào các cơ quan ban ngành thực sự là cơ quan liêm chính phục vụ dân.

Còn về phía doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm, cạnh tranh doanh nghiệp bởi vì TPP, WTO đều đặt ra yêu cầu cạnh tranh rất cao, cạnh tranh cả sản phẩm, cạnh tranh doanh nghiệp, cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư hoạt động tại thị trường trong nước mà không có sự phân biệt đối xử nào. Đây là áp lực rất lớn. Nhưng đáng sợ nhất là không dám đối đầu với thách thức mà trong thách thức luôn tiềm ẩn cơ hội, thách thức tạo ra cơ hội.

Chủ một tập đoàn từng nói rất hay: Tôi có quá nhiều thách thức để thành công. Vượt qua thách thức phải tìm ra giải pháp và đi đến thành công.

P.V: Hiện nay đang có thông tin Mỹ rút khỏi TPP, vấn đề này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường trong nước, thưa ông?

Ông Trương Đình Tuyển: Cho đến thời điểm này, trong tuyên bố tiến trình tranh cử của Donal Trump, cũng như tuyên bố ngay sau khi ông này đắc cử Tổng thống Mỹ, ông nói công việc đầu tiên là rút khỏi TPP. Cá nhân tôi cho rằng tuyên bố của ông Trump không thể nào là chính sách vĩnh viễn được bởi xu hướng tự do thương mại là xu hướng xuất phát từ nội năng của nó, từ sự phát triển khoa học công nghệ, sự phát triển của sản xuất buộc phải tổ chức liên thị trường và đây cũng là sức ép của các công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ chứ không phải của một cá nhân nào quyết định. Có thể trước mắt ông chưa làm được việc ấy nhưng trong vài năm tới TPP phải được thực thi bởi đây là vấn đề có tính quy luật, toàn cầu hoá là xu thế lớn của thời đại.

Nhưng không phải chỉ có TPP, chúng ta còn có hiệp định thương mại tự do,... đây cũng là hiệp định có tốc độ mở cửa tự do nhanh, thậm chí nhanh hơn TPP ở mặt hàng dệt may và nhiều mặt hàng khác có tốc độ giảm thuế còn nhanh hơn TPP. Lâu nay chúng ta chưa khai thác tốt thị trường này và nếu như xét EU là một thực thể kinh tế thì đây là thực thể lớn nhất thế giới. Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang EU cao hơn Hoa Kỳ nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa chú ý khai thác tốt thị trường này.

Nếu không có TPP, chúng ta còn có thị trường của Liên minh châu Âu EU, thị trường của cộng đồng quốc gia ASEM - đây là thị trường duy nhất với cơ sở thống nhất, chúng ta phải tận dụng. Ngoài ra còn có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu... Mặc dù tiêu chuẩn không cao như TPP nhưng mức cắt thuế quan cũng nhanh, đây là tiềm năng chúng ta có thể khai thác được, đương nhiên nếu không có TPP cũng là thiệt thòi đối với Việt Nam.

Phải nâng bậc chỉ số cạnh tranh PCI

P.V: Thưa ông, vậy thì trước mắt Nghệ An cần có giải pháp nào để tận dụng cơ hội?

Ông Trương Đình Tuyển: Nhà nước phải cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế - đây là nhiệm cụ cấp tỉnh. Phải nâng bậc chỉ số cạnh tranh PCI, không có lý do gì người Nghệ An thông minh, cần cù, chính quyền phục vụ dân lại không nâng được chỉ số này. Tất nhiên chỉ số này không chỉ là môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính... mà còn liên quan đến chỉ số hạ tầng. Để đầu tư hạ tầng, phải có chính sách để huy động nguồn lực xã hội, đầu tư tốt vào cơ sở hạ tầng.

Hiện nay, kết nối hạ tầng của Nghệ An tốt hơn các tỉnh Bắc Trung bộ, chúng ta có đường xuyên Á, Việt Nam và Lào cũng đã thoả thuận làm đường cao tốc từ cửa khẩu Thanh Thuỷ - Viêng Chăn nối đường Xuyên Á... Ngoài ra, chúng ta có hàng không cảng biển - là những tiền đề để xây dựng hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh.

So với 3 tỉnh Bắc Trung bộ, Nghệ An có lợi thế, vì thế, quan trọng là huy động nguồn lực xã hội để nâng cấp, làm cho tốt hơn và phải làm mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải cách mạnh môi trường kinh doanh. Đó là trách nhiệm của tỉnh, còn doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng cạnh tranh, phải đối đầu với thách thức.

P.V: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Huyền (Thực hiện)

Báo Nghệ An