The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

PCI 2021: Góc nhìn từ phía cuối bảng

Cú rơi hạng của Hòa Bình và bước dậm chân tại chỗ của Ninh Bình
Không xuất hiện trên thảm đỏ, lặng lẽ, thậm chí không có mặt trong Lễ công bố PCI 2021, nhưng các địa phương cuối Bảng Xếp hạng có lẽ là những người nóng ruột nhất.
Năm nay, Cao Bằng và Hòa Bình là 2 địa phương có số điểm thấp nhất, đứng cuối PCI 2021. Nếu vị trí cuối bảng của Cao Bằng có thể hiểu được, do vị trí địa lý kém hấp dẫn các nhà đầu tư, thì Hòa Bình là trường hợp gây bất ngờ.
Trong PCI 2021, Hòa Bình rơi tới 18 bậc, từ thứ 44 của PCI 2020 về hạng áp chót (62/62). Đây là lần thứ hai Hòa Bình ở vị trí này, trước đó là năm 2013. Theo phân tích của các chuyên gia PCI, sự sụt giảm của Hòa Bình là do bị các doanh nghiệp đánh giá thấp ở hầu hết các chỉ số, trong đó các chỉ số gia nhập thị trường, đào tạo lao động, tính minh bạch và thiết chế pháp lý giảm mạnh hơn cả.
Mặc dù giữ nguyên thứ hạng (58/63), nhưng Ninh Bình thực sự là dấu hỏi lớn khi là địa phương có số điểm PCI thấp nhất trong khu vực Đồng bằng sông Hồng. Địa phương này cũng từng có vị trí khá tốt trên Bảng Xếp hạng PCI, thứ 11 trong các năm 2010, 2014; năm 2019 ở nhóm trung bình, là 39.
Trong khi nhiều địa phương Đồng bằng sông Hồng có sự bứt phá rất đáng kể, chiếm 5 trong top 10 địa phương dẫn đầu PCI 2021, thì Ninh Bình lại ở phía cuối bảng. Tỉnh này có 8/10 chỉ số thành phần giảm điểm, trong đó có điểm thấp nhất là tính minh bạch (4,6 điểm), chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (4,98 điểm), nằm trong nhóm các địa phương có điểm thấp nhất ở các chỉ số này.
Đáng nói là, tính năng động của chính quyền địa phương của Ninh Bình chỉ được chấm 5,54 điểm. Đây là mức điểm thấp nhất của tỉnh này trong vòng 5 năm trở lại đây. So với điểm trung vị của chỉ số này là 6,82 điểm và mức điểm cao nhất 8,24 - thuộc về Hải Dương, cũng là một tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng, thì khoảng cách cũng rất xa.
Cũng phải nói thêm, trong xếp hạng về Chỉ số Cơ sở hạ tầng PCI 2021, Ninh Bình đứng thứ 17, nghĩa là được đánh giá khá cao. Chỉ số này được thực hiện trên cơ sở khảo sát doanh nghiệp về chất lượng khu công nghiệp, đường bộ, điện năng, viễn thông và các hạ tầng khác.
Thông thường, các địa phương có Chỉ số Cơ sở hạ tầng cao sẽ thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế. Các chuyên gia PCI cũng nhận thấy mối tương quan khá chặt chẽ giữa chất lượng điều hành kinh tế và chất lượng cơ sở hạ tầng, khi nhiều địa phương có điểm Chỉ số Cơ sở hạ tầng cao cũng có điểm PCI cao hơn trung vị. Có thể kể tới Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, TP.HCM... Nhưng Ninh Bình không làm được điều này.
Chìa khóa nằm trong tay chính quyền địa phương
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, ông Hồ Văn Mười là đại diện hiếm hoi của nhóm các địa phương phía cuối bảng có mặt tại Lễ công bố Bảng Xếp hạng PCI 2021. Có thể lý do là dù ở vị trí thấp, nhưng lần này, Đắk Nông có cú lội ngược dòng khá ngoạn mục, từ vị trí 60 trong PCI 2020 lên vị trí 52. Song ông Mười nói, ông có mặt để chứng kiến sự vinh danh dành cho 10 địa phương dẫn đầu PCI không chỉ vì kết quả đạt được cao này hơn chỉ tiêu tới 7 bậc.
“Tôi mới nhận nhiệm vụ được hơn 8 tháng, đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về các chỉ số để có thể thăng hạng trên Bảng Xếp hạng PCI, nhưng muốn học hỏi các địa phương khác, để về tổ chức nghiên cứu, triển khai thực hiện ngay vào tháng 5 này”, ông Mười chia sẻ.
Theo kết quả phân tích 10 chỉ số thành phần PCI 2021, Đắk Nông có tới 7 chỉ số thành phần tăng điểm, đặc biệt tính năng động của chính quyền địa phương ghi được mức điểm cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, với 6,79 điểm. Đây cũng là một trong 2 chỉ số có mức tăng cao nhất của tỉnh này, trên 1,2 điểm cùng với chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
So với nhiều địa phương tốp trên, mức cải thiện này chưa lớn, nhưng theo ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Dự án PCI, Trưởng ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), cách làm của Đắk Nông chính là mục tiêu mà PCI hướng tới, đó là tạo ra công cụ để hành động.
“Với các chỉ số thành phần của PCI, chính quyền các địa phương sẽ nhận diện một cách độc lập, khách quan về các vấn đề, tồn tại ở địa phương. Đây là công cụ để người đứng đầu thúc đẩy bộ máy, gồm các sở, ban, ngành, các cấp chuyển động theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.
Bản chất của PCI là tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp gửi tới chính quyền địa phương. Từng doanh nghiệp khó có thể gửi ý kiến lên các bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, nhưng với cách thức điều tra xã hội học, kết quả PCI phản ánh khá toàn diện ý kiến của khu vực doanh nghiệp tư nhân. Nếu địa phương nào muốn biết doanh nghiệp ở địa phương đang gặp vấn đề, trở ngại gì, cảm nhận về môi trường kinh doanh địa phương ra sao, thì bộ chỉ số thành phần của PCI sẽ cho câu trả lời.
“Việc cải thiện các chỉ số PCI nằm trong tầm tay của chính quyền các địa phương và có thể thực hiện ngay, với chi phí không cao. Ví như công khai thông tin về các cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệp, hay chủ động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ, tiếp cận đất đai, hay hướng dẫn tuân thủ các quy định... mất ít chi phí hơn rất nhiều so với những khoản đầu tư lớn, khó chủ động như thực hiện cải thiện cơ sở hạ tầng, nhưng hiệu quả lại vô cùng lớn...”, ông Tuấn phân tích.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang nhận thấy rất rõ điều này. Ông Tuấn kể, khi chuẩn bị cho Lễ công bố PCI 2021, Ban Tổ chức nhận được nhiều lời đề nghị được tham gia của nhiều doanh nghiệp, các tập đoàn trong nước, nước ngoài. Một mặt, họ muốn tìm hiểu thông tin về môi trường đầu tư - kinh doanh, nhưng mặt khác, họ muốn hiểu hơn về thái độ, cách ứng xử của chính quyền địa phương với các kiến nghị từ doanh nghiệp.
Trong bối cảnh nhiều quy định pháp luật, cơ chế, chính sách về các hoạt động kinh doanh, đầu tư còn chồng chéo, đang trong quá trình hoàn thiện, thì vai trò của chính quyền địa phương vô cùng quan trọng, thậm chí mang tính quyết định sự thành bại của các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
“Bài học chúng tôi rút ra được từ các cuộc khảo sát, phỏng vấn doanh nghiệp là đánh giá một môi trường kinh doanh tốt không phải nhờ những bản kế hoạch hành động hoành tráng, số lượng văn bản ban hành dày đặc, hay những ngôn từ tốt đẹp, mà phải nhìn từ việc thực hiện từng thủ tục hành chính cụ thể. Đó là điểm trải nghiệm đầu tiên của doanh nghiệp, nhà đầu tư với chính quyền địa phương”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Riêng với nhóm các doanh nghiệp cuối bảng, có lẽ những thay đổi đầu tiên phải đến từ tính năng động, sáng tạo của chính những người đứng đầu.