The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

PCI: Chất xúc tác cho cuộc đua cải cách và phát triển kinh tế

Duy trì liên tục từ năm 2005 đến nay, các cuộc điều tra Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Cấp tỉnh (PCI) luôn ghi dấu ấn với sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước.

Tiếng nói tập thể từ doanh nghiệp

Với mục đích hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, PCI đo lường hiệu quả điều hành kinh tế và giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại 63 tỉnh, thành tại Việt Nam. Điều tra PCI là cuộc khảo sát doanh nghiệp lớn nhất thể hiện cho tiếng nói của doanh nghiệp về môi trường kinh doanh địa phương và chất lượng điều hành kinh tế tại Việt Nam. Hàng năm, PCI tiếp cận trên 12.000 doanh nghiệp tư nhân trên toàn quốc tham gia khảo sát PCI.

Cụ thể, cuộc điều tra năm 2018 nhận được phản hồi từ 10.681 doanh nghiệp đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó bao gồm 8.681 doanh nghiệp trả lời điều tra toàn bộ về các vấn đề về môi trường kinh doanh và 2.000 doanh nghiệp mới thành lập trong hai năm 2017 và 2018 tham gia đánh giá riêng về các thủ tục gia nhập thị trường. Đây là năm thứ tư liên tiếp điều tra PCI nhận được trên 10.000 phản hồi từ các doanh nghiệp dân doanh và là năm nhận được số lượng phản hồi lớn nhất kể từ khi điều tra PCI bắt đầu được tiến hành tại Việt Nam vào năm 2005.

Phần khảo sát khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIEs) cũng nhận được phản hồi từ 2.000 doanh nghiệp nước ngoài, đại diện cho một số lượng đáng kể doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Các kết quả thu được từ khảo sát các doanh nghiệp FIEs cung cấp thông tin có giá trị cho quá trình xây dựng chính sách. Con số phản hồi cao này cho thấy PCI tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp dân doanh trong nước ghi nhận như một kênh hiệu quả truyền tải tiếng nói của mình về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh tại các địa phương của Việt Nam.

Công cụ chẩn đoán nền kinh tế

PCI là chỉ số đầu tiên đưa ra đánh giá của khối tư nhân về hiệu quả điều hành của Chính phủ. Nhìn vào hành trình của PCI trong 14 năm qua, có thể thấy PCI đã trở thành thước đo cho những nỗ lực cải cách ở các địa phương. Nhiều nghị quyết của Chính phủ đã giao VCCI tiến hành điều tra và công bố chỉ số PCI. Thực tế chứng minh, những bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh cũng là những bộ, ngành, địa phương tiếp tục duy trì được thứ hạng cao hoặc có bước cải thiện mạnh về thứ hạng Chỉ số PCI.

Các chỉ số thành phần PCI đánh giá mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh cho khối khu vực tư nhân bao gồm: Chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp mới; tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước; chi phí không chính thức; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; và các thiết chế pháp lý. Chỉ số được xây dựng năm 2005 bởi nhóm chuyên gia quốc tế và trong nước với sự hỗ trợ từ USAID.

PCI đưa ra các tiêu chí, thước đo cụ thể và chuẩn mực, quy định một tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt khi có: 1) Chi phí gia nhập thị trường thấp; 2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; 3) Môi trường kinh doanh minh bạch với thông tin từ các cơ quan nhà nước được công khai, dễ tiếp cận đối với các doanh nghiệp; 4) Việc thực hiện các quy định pháp luật, thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận lợi, cùng với gánh nặng thanh tra, kiểm tra giảm thiểu; 5) Chi phí không chính thức thấp; 6) Môi trường kinh doanh bình đẳng; 7) Chính quyền tỉnh, thành phố năng động, sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp và công tác chỉ đạo điều hành có hiệu quả, hiệu lực thực thi cao; 9) Chất lượng lao động đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp; và 10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và duy trì được an ninh, trật tự cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Xây dựng bộ dữ liệu hữu ích

Với việc được định kì xây dựng hàng năm cho 63 tỉnh, bộ dữ liệu chỉ số PCI kết hợp với bộ dữ liệu các chỉ số vĩ mô của Tổng cục thống kê trở nên cực kì hữu ích cho các nhà nghiên cứu trong các vấn đề về mối quan hệ đồng thời giữa tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, chất lượng đầu tư cũng như các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng, nghèo đói… Bộ chỉ số PCI ngày càng được sử dụng rộng rãi và phù hợp cho nhiều đối tượng. Doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đến PCI như là công cụ hỗ trợ quan trọng để quyết định lựa chọn địa điểm và mở rộng sản xuất kinh doanh. Lãnh đạo các địa phương sử dụng PCI làm thước đo thành công của các chương trình cải cách về điều hành kinh tế, cũng như xác định những kinh nghiệm, bài học thực tiễn tốt từ những nơi khác để áp dụng tại địa phương mình.

Các đại biểu dân cử và hiệp hội doanh nghiệp sử dụng PCI để giám sát hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh cấp địa phương. Các nhà hoạch định chính sách Trung ương tham khảo các chỉ tiêu của PCI làm tiêu chí đánh giá cho nhiều chính sách cải cách kinh tế. Giới nghiên cứu, học giả từ khắp nơi trên thế giới khai thác bộ dữ liệu PCI cho các nghiên cứu, phân tích khoa học của mình.

Thúc đẩy cuộc đua cải cách

Theo sát bước chân của các nhà đầu tư và phản ánh tiếng nói của doanh nghiệp, hành trình của PCI cũng ghi nhận rất nhiều những sáng kiến cải cách hay, những mô hình mới hiệu quả. Việc công bố chỉ số PCI hàng năm đã thúc đẩy số lượng cải cách chưa từng có ở cấp địa phương, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh tổng thể của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu.

Hiện nay, tất cả 63 tỉnh, thành có kế hoạch cải thiện PCI; 62 tỉnh, thành đã có những cải thiện tích cực về thứ hạng của mình; hàng nghìn văn bản pháp lý về cải thiện PCI được ban hành. Năm 2014, Thủ tướng đã đưa chỉ số PCI là một mục tiêu nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh quốc gia trong Nghị quyết 19, theo đó yêu cầu các bộ, ngành của Việt Nam liên tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, tháng 1/2019, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó đưa chỉ số PCI như là một thước đo về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Dự án PCI thực hiện nhiều hội thảo chẩn đoán hàng năm tại các tỉnh thành trên cả nước, tạo nên một kênh đối thoại chính sách đáng tin cậy, nơi các lãnh đạo chính quyền địa phương trực tiếp lắng nghe nhận xét về hoạt động của mình và những đề xuất cải thiện từ khối tư nhân. Nhiều kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh đã được chính quyền địa phương ban hành sau các buổi đối thoại này.

Hương Ly

Theo Tạp chí Vietnam Business Forum