The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

PCI của Bình Dương: Nhìn nhận “gót chân Achilles”

Theo kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Hợp tác phát triển Quốc tế Mỹ (US-Aid) công bố mới đây, Bình Dương xếp hạng 25 so với các tỉnh, thành trong cả nước.

8 điểm tốt, 2 điểm chưa tốt

Nếu đánh giá từng chỉ số thì Bình Dương đã có sự thay đổi đáng mừng. Cụ thể, chỉ số gia nhập thị trường của tỉnh đạt 8,08 điểm (năm 2014 là 7,83 điểm); tiếp cận đất đai đạt 6,55 điểm (năm 2014 là 6,28 điểm); tính năng động đạt 5,58 điểm (năm 2014 là 4,32 điểm); chi phí thời gian đạt 6,85 điểm (năm 2014 là 6,59 điểm)… Đây là những chỉ số quan trọng trong hệ thống tính điểm PCI.

Thẳng thắn nhìn nhận về năng lực cạnh tranh của tỉnh, ông Trần Văn Nam nhấn mạnh: Bình Dương có 8 điểm tốt, 2 điểm chưa tốt. Việc áp dụng “một dấu một cửa” tại Trung tâm Hành chính của tỉnh vẫn chưa chuyên nghiệp, mặc dù tỉnh có quyết tâm rất cao. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt nhưng ở cấp huyện chỉ đạo chưa tốt; lãnh đạo tỉnh đã quyết liệt, có nhiều sáng kiến nhưng ở các sở, ngành chuyển động còn chậm. Từ kết quả PCI vừa công bố, Bình Dương phải phấn đấu, phải nhìn thấy “gót chân Achilles” để cố gắng hơn nữa, chứ không thể hài lòng với chính mình.

Đồng thuận với đánh giá của Bí Thư tỉnh, tại Hội nghị Phối hợp hành động tạo thuận lợi thương mại, nhiều DN cũng đề nghị thời gian tới Bình Dương cần đẩy mạnh để cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc phân tích các chỉ số trong PCI và các khảo sát về thuế, hải quan. Đặc biệt là tạo môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng để kinh tế tư nhân phát triển hơn nữa.

Bình Dương hiện là một trong 5 tỉnh, thành của cả nước có vốn FDI vượt mốc 20 tỷ USD.

Gỡ khó cho DN

Để phát huy lợi thế và khắc phục triệt để các điểm hạn chế, đồng thời chuẩn bị cho chiến lược hội nhập lâu dài, UBND tỉnh Bình Dương cho biết sẽ quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp cụ thể. Mới đây, Bình Dương đã ký kết hợp tác với VCCI, trong đó tập trung vào các vấn đề trọng tâm, trọng điểm như: Tổ chức nghiên cứu, khảo sát về môi trường kinh doanh tại tỉnh Bình Dương; tư vấn cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao PCI; VCCI hỗ trợ tỉnh nhà trong việc triển khai, tuyên truyền giới thiệu về tiềm năng kinh tế, triển vọng đầu tư, thương mại của tỉnh đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, VCCI sẽ cùng với Liên minh Tạo thuận lợi hóa thương mại Việt Nam phối hợp với Sở Tư pháp và các sở, ngành liên quan của tỉnh để lấy ý kiến góp ý của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tại tỉnh về các chính sách, quy định, thủ tục hành chính của Trung ương và địa phương nhằm không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư của tỉnh. Đơn vị cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành, hiệp hội liên quan tại tỉnh Bình Dương tổ chức định kỳ 6 tháng/lần về hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp với các sở, ngành liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đồng thời, các sở, ngành của tỉnh Bình Dương hỗ trợ VCCI triển khai các dự án hỗ trợ doanh nghiệp tại tỉnh bằng cách khuyến khích doanh nghiệp tham gia dự án, chia sẻ về tình hình thực tế tại địa phương và những kinh nghiệm, thực hành tốt của dự án một cách rộng rãi. VCCI phối hợp nghiên cứu thị trường, những kỹ năng cần thiết để có sản phẩm thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế đối với thị trường toàn cầu…

P.Hiếu

Enternews